Giảm "bóng ma" nợ xấu BOT
Tổng nợ xấu đối với các dự án BOT, BT là 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,92% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 6,48%.
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký gửi Quốc hội.
Cập nhật theo yêu cầu này, Thống đốc cho biết, đến 31/12/2021, tổng nợ xấu nội bảng là 190,48 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,49%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết số 42 (tại thời điểm 31/7/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,51%).
Trong đó với lĩnh vực BOT, BT giao thông, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT là 114,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,09% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Tổng nợ xấu đối với các dự án BOT, BT là 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,92% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 6,48%.
Dẫn đầu là lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của hệ thống các TCTD là 2.076,7 nghìn tỷ đồng (trong đó bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Tổng nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản là 34,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 1,67%.
Đối với lĩnh vực tiêu dùng, dư nợ tín dụng tiêu dùng của hệ thống các TCTD là 2.081,9 nghìn tỷ đồng , chiếm 19,9% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Tổng nợ xấu cho vay tiêu dùng là 48,65 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,8% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,34%.
Đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là 10.934,3 tỷ đồng, chiếm 0,1% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 2.140,5 tỷ đồng, chiếm 1,13% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 19,57%.
Kết quả xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, hệ thống các TCTD xử lý được 750,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2021 xử lý được 151,9 nghìn tỷ đồng). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro (352,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 47%), khách hàng trả nợ (220,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,4%), bán nợ cho VAMC (114,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2%) và các hình thức xử lý nợ xấu khác (63,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4%).
Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu là 892,5 tỷ đồng, chiếm 0,01% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 28,2 tỷ đồng, chiếm 0,01% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,87%.
Tính riêng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021, Thống đốc báo cáo: Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541,6 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412,67 nghìn tỷ đồng.
Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42: Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý:
Xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%) ;
Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%);
Xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng TPĐB là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70%).