Bắc Ninh: Xây dựng hệ thống chợ dân sinh phù hợp với sự phát triển đô thị
Ngày 16/11, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình gặp mặt Doanh nhân chuyên đề tháng 11 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát triển và quản lý chợ với thông điệp “Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, Bắc Ninh là địa phương có mật độ dân số cao, hạ tầng giao thông thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư phát triển khá toàn diện từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên trong công tác hoàn thiện, khả năng đáp ứng, văn minh thương mại vẫn còn một số bấp cập, tồn tại.
Trong đó, quy định chi tiết về nội dung quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, nhằm mục tiêu quản lý, khác tốt hơn nữa tài sản công, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá qua hệ thống chợ, góp phần đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng thương mại của thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Hoàng Công Đoàn - Chủ tịch HĐQT HTX đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An – Châu Cầu kiến nghị, dự án chợ Châu cầu thị xã Quế Võ được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt thời gian hoàn thành đi vào hoạt động từ quý IV năm 2022. Nhưng trong thời gian này dự án phải dừng thi công giữa lúc đại dịch Covid-19 có được coi là dự án chậm tiến độ trong trường hợp bất khả kháng hay không? và việc chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công dự án có bị tính là chậm đưa đất vào sử dụng hay không?
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết: “UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định rõ ràng trong thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2021 đối những trường hợp triển khai thực hiện dự án vướng dịch bệnh, thì được kéo dài thêm và đối với chợ Châu Cầu thì đủ điều kiện để gia hạn theo đúng hồ sơ thẩm định của dự án. Nếu đơn vị có nhu cầu thì làm hồ sơ theo đúng trình tự để chúng tôi làm căn cứ báo cáo các cấp theo đúng thẩm quyền quy định”.
Đối với lĩnh vực liên quan đến việc đề nghị giới thiệu địa điểm trưng bày, bán hàng sản phẩm ocop, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng cho biết, trong phương án đề xuất quy hoạch phân khu đã nêu và bố trí rõ các địa điểm phát triển thương mại, siêu thị…, trên đề nghị của người dân, doanh nghiệp và CLB khởi nghiệp thì đề nghị liên hệ với UBND các cấp cơ sở để được hướng dẫn cung cấp thông tin quy hoạch xem xét theo đúng nhu cầu.
“Đến thời điểm hiện tại Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh đang chủ trì phối hợp với các đơn vị địa phương đăng ký các danh mục ưu tiên, thu hút lựa chọn các nhà đầu tư nhằm xem xét phương án tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh bố trí đúng theo các bước quy hoạch phân khu như đã công bố”- Giám đốc Sở xây dựng thông tin.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đề nghị các sở, ban ngành chú trọng vào câu hỏi trọng tâm để hướng dẫn phương án tháo gỡ theo từng phần trách nhiệm của mỗi đơn vị mình.
“Điển hình như mô hình chợ Nhớn truyền thống hiện nay đã phải đóng cửa 2 năm, người dân và tiểu thương buôn bán gặp rất nhiều khó khăn do phải kinh doanh trong khu vực tạm bợ, manh mún không an toàn. Vậy để chuyển đổi phương thức, hoạt động quản lý đầu tư thì Sở Công thương, UBND TP Bắc Ninh và các cấp cần tham mưu phương án nào để tháo gỡ trong việc thanh lý tài sản đã hết khấu hao, cấu kiện, cơ sở vật chất không được đảm bảo…”- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Đặc biệt, hệ thống chợ ở thời điểm hiện nay cũng như về sau có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Việc UBND tỉnh Bắc Ninh lựa chọn chủ đề về phát triển và quản lý chợ vì thực tiễn qua quá trình theo dõi, đánh giá, các mô hình hoạt động chợ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải có những hướng dẫn, biện pháp cụ thể trong việc tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị, từ nay đến 30/12/2024, tất cả các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển, củng cố hệ thống chợ trên địa bàn của địa phương mình, trên cơ sở rà soát tổng thể hiện trạng hệ thống các chợ đang hoạt động, nguồn lực đầu tư. Cùng với kế hoạch chung của địa phương, từng chợ cũng cần có kế hoạch chuyển đổi, thời gian, mô hình hoạt động cho phù hợp, hiệu quả.
Trên cơ sở quy hoạch, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng lộ trình thu hút đầu tư đối với những địa điểm, vị trí quy hoạch để phát triển chợ, tập trung thu hút đầu tư từ nay đến năm 2027, chậm nhất đến năm 2030, hoàn thành củng cố hoạt động của chợ.