Chuyên mục


Tổng bí thư Tô Lâm: Hải Phòng phát huy lợi thế "cửa chính ra biển" cả miền Bắc

15/11/2024 14:05 (GMT +7)

Tổng bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương vừa có chuyến thăm, làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng; thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Hải Phòng tiếp tục khẳng định vai trò động lực phát triển của vùng Bắc bộ

Chiều 14/11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm và đoàn công tác làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 96-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW (ảnh dưới).

tbt1

Theo báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, có 14/20 chỉ tiêu đã đạt chỉ tiêu Nghị quyết: (1) Kim ngạch xuất khẩu; (2) Sản lượng hàng hóa thông qua cảng; (3) Tỷ trọng đóng góp của TFP vào GRDP; (4) Số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; (5) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị; (6) Giải quyết việc làm; (7) Tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ; (8) Tỷ lệ hộ nghèo; (9) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; (10) Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn; (11) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; (12) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; (13) Hằng năm, 70% số doanh nghiệp ngoài Nhà nước có điều kiện; 100% số hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có điều kiện thành lập được tổ chức Đảng; (14) Kết nạp từ 15.000 đến 15.500 đảng viên.

Có 06/20 chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, cần có các giải pháp đột phá hữu hiệu mới có thể đạt mục tiêu Nghị quyết: (1) Tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của Hải Phòng trong GDP cả nước và GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; (2) GRDP bình quân đầu người; (3) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP); (4) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, trong đó thu nội địa; (5) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; (6) Khách du lịch.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau 5 năm thực hiện, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội; là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của bối cảnh trong nước và quốc tế; tiếp tục khẳng định vai trò là cửa ngõ quan trọng và là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức hai con số; quy mô kinh tế được mở rộng, GRDP đầu người tăng nhanh. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động gấp gần 2 lần bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm hơn 90% GRDP, trong đó công nghiệp phát triển mạnh, từng bước khẳng định là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Tiềm năng vận tải và du lịch biển từng bước được phát huy hiệu quả; khu vực đảo Cát Bà và quận Đồ Sơn dần trở thành trung tâm du lịch quốc tế; quần đảo Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Phát triển đô thị có nhiều khởi sắc, cơ bản đạt 05/05 tiêu chí đô thị loại I; phát triển nhà ở xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Liên kết với các địa phương trong vùng được quan tâm. Cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ và là điểm sáng trong thu hút FDI của cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hoàng Tùng

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hoàng Tùng

Tại cuộc làm việc, thành phố Hải Phòng kiến nghị Tổng Bí thư chỉ đạo Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện và triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kết luận số 96-KL/TW, ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị; kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ban, ngành quan tâm, sớm góp ý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 để trình Quốc hội thông qua trong quý I/2025; chỉ đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình, phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố Hải Phòng trong năm 2024; chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm phê duyệt và triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - quốc phòng huyện đảo Bạch Long Vĩ; chỉ đạo Chính phủ sớm phân bổ cho thành phố Hải Phòng 1.000 MW điện gió ngoài khơi, để các nhà đầu tư sớm được nghiên cứu, khảo sát và lập chủ trương đầu tư dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng ý chủ trương các Tập đoàn năng lượng đầu tư vào Hải Phòng, để thành phố Hải Phòng từng bước trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực phía Bắc, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, điện hạt nhân (quy mô nhỏ, hiện đại), điện mặt trời…

Thành phố cũng kiến nghị Tổng Bí thư chỉ đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương triển khai đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó bao gồm xây dựng mới tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện trong giai đoạn năm 2026 - 2030; đồng ý chủ trương để chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương hướng dẫn, tạo điều kiện cho phép Thành phố được điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung theo Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để lấn biển tạo quỹ đất phục vụ phảt triển kinh tế xã hội khu vực Đồ Sơn, Cát Bà…

Xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, mẫu mực và đáng sống

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, thời gian qua, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế. Nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong nhiều lĩnh vực là sáng kiến của Hải Phòng, cần được tổng kết và có thể áp dụng cho nhiều địa phương. Điều này có được là nhờ Đảng bộ và chính quyền thành phố Hải Phòng đã biết khơi dậy tinh thần "dám nghĩ - dám làm" của lãnh đạo thành phố, biết phát huy tiềm năng, chí khí, bản lĩnh, kiên nghị, thông minh và táo bạo vốn đã thành cốt cách của người Hải Phòng.

Tổng Bí thư mong muốn Hải Phòng cần nỗ lực phấn đấu phát triển thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, là thành phố Cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao như các mục tiêu mà Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Trước yêu cầu cao của Bộ Chính trị, Hải Phòng phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai; quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Thành phố muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt; bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng. Lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị thành phố Hải Phòng cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của thành phố; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Hải Phòng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, quy hoạch hạ tầng ngầm, quy hoạch không gian; kết nối và đồng bộ các loại hình giao thông; quy hoạch tương lai thành phố cần được mô hình hóa, lấy ý kiến rộng rãi và công khai quy hoạch; quy hoạch chính là nguồn lực, là tầm nhìn để thành phố trở nên minh bạch trong phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, định hướng quy hoạch thành phố phải là đô thị hiện đại, không gian xanh rộng mở hướng biển, phát triển không gian ven sông thành khu vực kinh tế dịch vụ bền vững, tăng diện tích cây xanh, tăng cường công bằng xã hội thông qua các dự án công cộng ven sông, ven biển, công viên để mọi tầng lớp dân cư đều có quyền tiếp cận; bảo tồn các khu phố cổ, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Hải phòng cần tập trung xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực. Hải phòng hướng tới là đô thị đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích tăng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển, thúc đẩy phát minh sáng chế, bảo hộ tốt quyền tài sản, tạo dựng môi trường sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực Đông Nam Á. Cần có chiến lược tốt trong lựa chọn thu hút FDI và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, tinh thần tự cường và khả năng cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó, Hải Phòng cũng cần làm tốt công tác bảo đảm an ninh – quốc phòng và phát triển văn hóa xã hội.

Về các kiến nghị của thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất cho Hải Phòng phát triển...

Cũng chiều 14/11, Tổng bí thư Tô Lâm tham dư Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư trong Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố tháng 11 năm 2024 do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức.

Bạch Long Vĩ: Phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản, thu hút du lịch

Trước đó, sáng 14/11, trong chương trình công tác tại TP.Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ, nhân dân đang sinh sống và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ. Cùng đi có lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, lực lượng vũ trang.

Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP.Hải Phòng), Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị xây dựng Bạch Long Vĩ trở thành pháo đài bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc trên vịnh Bắc Bộ.Huyện Bạch Long Vĩ được thành lập ngày 9/12/1992, trực thuộc TP.Hải Phòng. Theo báo cáo của lãnh đạo địa phương, đây là đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ, cách đường phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc 15 hải lý, cách Hòn Dáu (Đồ Sơn - Hải Phòng) 110 km.

Sau 31 năm xây dựng và phát triển, đến nay huyện đảo Bạch Long Vĩ đã được đầu tư xây dựng trên 60 công trình, dự án mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế-xã hội, gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo Tổ quốc. Tổng giá trị các ngành kinh tế liên tục tăng trưởng khá qua các năm. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoàn thành toàn diện.

Về việc sản xuất, cung ứng nước ngọt tại huyện đảo này đã đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho quân, dân và một phần tàu vươn khơi trên vùng biển. Hệ thống sản xuất, cung ứng điện bằng máy phát diesel, kết hợp điện năng lượng gió, điện năng lượng mặt trời với tổng công suất trên 5 MW (điện gió 1 MW, điện mặt trời 50 kwp, điện máy phát 3,8 MW) cung cấp điện ổn định 24 giờ mỗi ngày phục vụ sinh hoạt của quân, dân trên đảo, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện trên đảo trong vòng 10-15 năm tới.

Tổng giá trị các ngành kinh tế liên tục tăng trưởng khá qua các năm. Các ngành nghề dần hình thành và phát triển, tập trung cao vào khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác thủy sản, sơ chế thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng trọt rau màu, từng bước phát triển du lịch.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình xây dựng, phát triển và bảo vệ huyện đảo Bạch Long Vĩ, Tổng Bí thư biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện cũng như toàn thể nhân dân trên huyện đảo.

Quân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ chào đón Tổng Bí thư Tô Lâm tới thăm và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Phạm Hương

Quân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ chào đón Tổng Bí thư Tô Lâm tới thăm và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Phạm Hương

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên đến với Bạch Long Vĩ, một chuyến thăm mà cá nhân ông mong muốn từ lâu. Tổng Bí thư đánh giá đảo nguyên sơ mà rất đẹp. Nếu đánh giá đảo Bạch Long Vĩ từ các khía cạnh, như điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa và lịch sử, từ yếu tố quân sự quốc phòng có thể thấy đảo có vị trí vô cùng quan trọng, mang tầm chiến lược cả về chủ quyền trên biển, quốc phòng, an ninh và tiềm năng lớn phát triển kinh tế biển.

Từ thực tế tiềm năng, vị thế và lợi thế của Bạch Long Vĩ, Tổng Bí thư đề nghị, TP.Hải Phòng, huyện Bạch Long Vĩ cần suy nghĩ về kế hoạch và cách làm cụ thể để biến nơi đây trở thành pháo đài bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc trên vịnh Bắc Bộ, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển nuôi trồng thủy hải sản và thu hút khách du lịch, như tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư gợi mở một số vấn đề để Hải Phòng nghiên cứu, thực hiện. Cụ thể như, cần quy hoạch tốt vùng quân sự, vùng kinh tế và vùng sinh thái để có phương hướng đầu tư đồng bộ về hạ tầng như, hạ tầng năng lượng, giao thông, viễn thông, công trình quân sự, công trình hạ tầng nghề cá, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nơi tránh trú bão, đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Cùng với đó, huyện tiếp tục củng cố an ninh quốc phòng biển đảo, chú ý sự gắn kết thế trận liên hoàn về an ninh quốc phòng giữa các đảo nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên diễn tập chiến đấu, cứu hộ cứu nạn; rèn luyện bản lĩnh vững vàng, kỹ năng tinh thông của người lính nơi đầu sóng ngọn gió; luôn có tinh thần chủ động, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.

Hải Phòng cần xây dựng Bạch Long Vĩ thành khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan tổng kết chiến lược phát triển khu kinh tế quốc phòng khu vực biển đảo, nhân rộng mô hình, phát huy kinh nghiệm và truyền thống của ông cha trong việc kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tổng Bí thư lưu ý đến vấn đề kiến tạo sức sống mới cho đảo, tiếp tục trồng cây xanh, xây hồ trữ nước ngọt, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học của biển đảo; đưa thêm lực lượng tình nguyện đến đảo, thu hút giáo viên, bác sĩ đến đảo lập nghiệp. Đồng thời gia cường các nền tảng xã hội, không ngừng củng cố mối đoàn kết cấp ủy, chính quyền, các lực lượng và nhân dân trên đảo. Đặc biệt phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Đời sống của người dân cần được cải thiện trên các mặt, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.

Về kiến nghị phát triển điện gió ngoài khơi; bồi đắp, kè mở rộng đảo của huyện, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn xác định cụ thể, tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển hạ tầng quân sự và dân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển, đảo.

Đối với phát triển kinh tế biển đảo Bạch Long Vĩ, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần bám sát Nghị quyết 45, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Hải Phòng phải quyết tâm xây dựng đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên biển khu vực phía Bắc, phát triển nuôi trồng hải sản cao cấp, phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bảo tồn hệ sinh thái biển đảo.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện đảo Bạch Long Vĩ; dự khởi công dự án xây dựng nhà công vụ, nhà ăn, nhà kiểm soát nhiễm khuẩn thuộc Trung tâm Y tế quân, dân, y huyện Bạch Long Vĩ và thăm hỏi, tặng quà huyện đảo, lực lượng vũ trang, gia đình chính sách trên đảo.

12 dự án đầu tư mới và mở rộng tiêu biểu trong tháng 11 năm 2024 tại các Khu Công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư thu hút được tăng thêm 1,8 tỷ USD, dự kiến nhu cầu lao động trong các năm tới vào khoảng 17.000 người. 

1 – Công ty TNHH LG Displays Việt Nam Hải Phòng – tăng 1 tỷ USD

2 – Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam – tăng 125 triệu USD

3 – Khu công nghiệp Deep C2A – tăng 169 triệu USD

4 – Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam – tăng 75 triệu USD

5 – Công ty TNHH Moons’ Industries Việt Nam – tăng 69 triệu USD

6 – Công ty TNHH Việt Nam Advance Film Material – tăng 60 triệu USD

7 – Công ty TNHH Jeil Logistics I – tăng 21 triệu USD

8 – Công ty TNHH Cảng quốc tế TIL Cảng Hải Phòng – vốn đầu tư 156 triệu USD

9 – Nhà đầu tư Sembcorp Integrated Hub Hải Phòng IV – vốn đầu tư 56 triệu USD 

10 – Nhà đầu tư Hoda Strategic Holdings Private Limited – vốn đầu tư 10 triệu USD

11 – Công ty Cổ phần DAP – Vinachem – vốn đầu tư 626,6 tỷ đồng

12 – Nhà đầu tư Smart Logistics Services (dự án cảng Hải Phòng – SITC) – vốn đầu tư 20 triệu USD.

 

Tâm Vũ - Thế Phương
Tiến độ triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 545/TB-VPCP ngày 4/12/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hạ tầng kết nối và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận.

Nhiều nhóm ngành hưởng lợi từ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam trên cơ sở tham khảo cơ cấu chi phí đầu tư từ các dự án đường sắt cao tốc nước ngoài đã thống kê được chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư là chi phí xây dựng, chiếm 48%, theo sau là toa xe/tàu (15%) và đường ray (9%).

Đề xuất không miễn thuế GTGT hàng giá trị nhỏ nhập khẩu qua chuyển phát nhanh
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Lý do Hà Nội không đồng ý cho xe khách chạy xuyên tâm
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội đề nghị không chấp thuận đối với đề xuất điều chỉnh bổ sung hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có hành trình mang tính chất xuyên tâm.

Thủ tướng 'chốt' thời hạn nhiều dự án chiến lược tại Đông Nam Bộ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đề nghị vùng phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và thời gian tới để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phương án giảm 5 bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ
Theo định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Kết quả biểu quyết cho thấy 443/454 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.