Chuyên mục


Tài xế công nghệ bỏ nghề!

13/05/2022 08:34 (GMT +7)

Lái xe công nghệ đã từng mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho nhiều người lao động Việt Nam với thu nhập khá. Cùng với cuộc cách mạng số, đáng lẽ "nghề hot" này càng hấp dẫn hơn; nhưng ngược đời là chính những người trong cuộc lại đang ngán ngẩm.

 

So với tầm này năm ngoái, nhóm lái xe chơi chung của chúng tôi đã bỏ nghề già nửa.

Cơ chế hãng không hấp dẫn, tiền cước thực nhận về 70% nhưng lo chi phí xăng dầu tăng, khấu hao xe, mình bỏ nhiều thời gian,...

Nhìn chung thu nhập trước kia được khoảng 20 triệu đồng/tháng; giờ chỉ dao động 10-15 triệu đồng/tháng (chưa trừ khấu hao xe) là bất ổn nếu còn vay ngân hàng mua xe.

Mức lương tối thiểu giờ sắp tăng thêm 6% mà thu nhập lái xe taxi không bảo hiểm ngày một thấp đi nên chắc sẽ còn nhiều bán xe trả nợ, đi làm việc khác.

Anh Nguyễn Trung Kiên - Lái taxi Bee

Khách hàng tăng, thu nhập lái xe càng thấp

Với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay, thị trường gọi xe trực tuyến (gọi xe công nghệ) tại Việt Nam được ví như “miếng bánh” ngon hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng, nghề lái xe công nghệ lại không còn là nghề đem lại thu nhập cao cho người lao động. 

Theo một nghiên cứu giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng, cả nước hiện có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (môtô, ôtô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa thông qua một nền tảng công nghệ. Có gần 50% tài xế công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP. HCM. Phần lớn lái xe công nghệ là người ngoại tỉnh, nữ chiếm 5%. 

Các tài xế công nghệ có xuất thân đa dạng từ tài xế xe truyền thống chuyển sang, lao động tự do, sinh viên, công nhân, người buôn bán nhỏ; 25% tài xế có trình độ tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ có trình độ cao đẳng trở lên là 26%.

Thị trường xe công nghệ rộ lên nhanh chóng sau 6 năm

Thị trường xe công nghệ rộ lên nhanh chóng sau 6 năm

Đáng chú ý, có 2/3 các tài xế công nghệ đã có gia đình và 60% trong số họ đang gánh trách nhiệm lớn lao là kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Trong khi, thu nhập từ nguồn tài xế xe máy bình quân là 318.000 đồng/ngày, giờ thấp điểm chạy xe chỉ được 5.000 đồng/km, giờ cao điểm 6.000 đồng/km tương đương khoảng 7 triệu đồng/tháng; tài xế ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng (đã trừ phí, xăng).

Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ từ công ty cung ứng dịch vụ với mức khá thấp và không thường xuyên. Chưa tính đến trường hợp giá xăng do ảnh hưởng từ thị trường cao ở mức "ngất ngưởng" khiến không ít các xề gặp khó khăn khi nguồn thu thì ít mà chiết khấu thì nhiều.

Mặc dù mức thu nhập chỉ dừng ở mức "cầm hơi", nhưng các tài xế công nghệ mỗi phải làm việc rất căng thẳng. Lượng thời gian làm việc của tài xế xe máy trung bình 9,2 giờ/ngày, với tài xế ô tô 11,2 giờ/ngày; các ngày lễ, tết, ngày nghỉ dường như không có và chịu áp lực giao sớm/đúng giờ,...

Ngoài ra, điều kiện làm việc ngoài trời vất vả: thời tiết, đường xá, va quệt, tai nạn; chịu áp lực từ khách hàng; mất, hỏng hàng hóa thậm chí cả vấn đề quấy rối cướp giật, cùng nhiều hành vi nguy hiểm khác.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tham gia các bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp. Một số tài xế cho rằng việc tham gia các gói bảo hiểm sẽ làm giảm mức thu nhập mà họ nhận được, ảnh hướng tới kế sinh nhai. Chỉ có 42% đã được nghe đến các chế độ an sinh xã hội và 67% không rõ gồm những chế độ gì; biết và nghe về BHXH tự nguyện là 66%, BHYT tự nguyện là 89%.

Lái xe công nghệ là "nghề không ổn định"

Khi được trao đổi về quyền lợi của lái xe gắn bó lâu dài, đại diện Grab cho biết Grab Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường để có thể thực hiện những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho các đối tác tài xế và người dùng. Còn Be Group thông báo đã và đang áp dụng nhiều chính sách về chiết khấu và thưởng để đảm bảo mức thu nhập cạnh tranh nhất cho các tài xế Be. Tuy nhiên, thực tế các tài xế Be cho rằng, phí chiết khấu của đơn vị này chưa được điều chỉnh, thậm chí còn cao ở mức 35%.

Thiết nghĩ các hãng cần quan tâm hơn đến phúc lợi lái xe gắn bó lâu dài

Thiết nghĩ các hãng cần quan tâm hơn đến phúc lợi lái xe gắn bó lâu dài

 

Lái xe công nghệ thực hiện được “cuốc” nào thì được hưởng thu nhập theo tỉ lệ trên cước phí của “cuốc chạy” đó. Một số ít lái xe được công ty mua cho gói bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện cho chính lái xe với mức cao nhất 100 triệu đồng.

Bởi vậy, nhiều lái xe công nghệ cho rằng họ chưa được đối xử công bằng (như thời gian làm việc nhiều nhưng không được thêm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương cố định không có, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) không được đề cập…) nên rất cần vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức đoàn thể nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lực lượng LĐ này.

PGS.TS Lê Hoài Thu - Trường ĐHQG Hà Nội

Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cho rằng cơ quan này đã tiếp nhận vấn đề trên, nhưng để có thể bảo vệ được người dùng cần có đơn gửi tới để họ thông qua đó giải quyết. Tại "Hội thảo đánh giá thực trạng công tác quản lý và các phương thức tập hợp của người lao động tham gia cung ứng dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ" cách đây không lâu, TS Nguyễn Đức Chính cho rằng: Việc định danh mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp chưa rõ ràng, thường được gọi là mối quan hệ “đối tác” nhưng quyền lợi và trách nhiệm không cân bằng, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho người lao động. Do đó, cần nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều tiết mối quan hệ hợp tác lao động này. 

Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 hiện hành thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ ký kết hợp đồng lao động để thỏa thuận về các nội dung công việc, quyền lợi, nghĩa vụ, trong đó có quy định rõ các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,…Dựa trên những thỏa thuận trong hợp đồng này mà quyền lợi của người lao động sẽ được xác lập và đảm bảo.

Lợi dụng kẽ hở này, các doanh nghiệp ứng dụng này áp dụng chính sách người lao động với việc đảm bảo các quyền lợi của người lao động theo quy định đúng của Bộ luật lao động đối với nhân viên làm việc văn phòng và có ký hợp đồng lao động. Còn đối với các tài xế chạy xe thì chính sách đối với họ là "đối tác" nên chỉ dựa trên quan hệ hợp tác chứ không có ký hợp đồng sử dụng lao động, nghĩa là tài xế không phải nhân viên của doanh nghiệp, không được xem là người lao động.

Trong bối cảnh thị trường Việt Nam ngày càng thu hút các doanh nghiệp gọi xe công nghệ quốc tế và sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp trong nước được biết đến trong thời gian gần đây với các đại diện như: Grab, Gojek, Be,... nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và tác động lớn đến thị trường lao động xã hội.

Thiết nghĩ, những chính sách đãi ngộ và việc xây dựng chế độ an toàn trong quá trình hoạt động cần được các doanh nghiệp hình thành nhằm thu hút lực lượng lao động và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Khi tài xế được quan tâm, có chế độ phúc lợi tốt, họ sẽ gắn bó lâu dài với hãng. Đồng thời, hãng taxi công nghệ cũng xây dựng được ngũ lái xe chuyên nghiệp, tạo dựng niềm tin cho khách hàng và nâng cao uy tín của thương hiệu. 

Một số đề xuất của PGS.TS Lê Hoài Thu về quyền lợi của tài xế công nghệ

Một là, giải quyết chế độ tiền lương tối thiểu cho NLĐ – lái xe công nghệ. Quy định mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng cho NLĐ có ý nghĩa quan trọng đối với NLĐ, đảm bảo cuộc sống cũng như sự an tâm cho NLĐ khi tham gia vào thị trường lao động. Việc quy định mức lương tối thiểu không chỉ đảm bảo quyền, lợi ích cho chính NLĐ đó mà còn cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước. Đó là mức thang cơ bản để giải quyết các chế độ về ASXH, BHXH, BHYT, BHTN; là tiền đề, là điều kiện, là cơ sở và là mong muốn mà bất kì NLĐ nào khi tham gia vào QHLĐ đều hướng tới.

Hai là, giải quyết tiền lương khi làm thêm giờ. Hiện tài xế công nghệ trung bình làm việc từ 10-12h/ngày mà không được hưởng tiền làm thêm giờ hay nghỉ việc không được hưởng lương. Nên giải quyết chế độ này cho lái xe công nghệ nhằm đảm bảo đúng quyền lợi của NLĐ theo quy định của BLLĐ 2019 và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế.

Ba là, giải quyết chế độ ASXH cho NLĐ – lái xe công nghệ. Như chế độ BHXH (hiện họ chưa phải là đối tượng bắt buộc tham gia BHXH), BHYT, tai nạn lao động (TNLĐ) (bởi hầu hết khi xảy ra tai nạn trên đường họ ít nhận được sự hỗ trợ, bảo hộ lao động, không được hưởng chế độ TNLĐ), trợ giúp xã hội (khi dịch Covid 19 bùng phát, lái xe công nghệ không được hưởng hỗ trợ từ Chính phủ, từ doanh nghiệp).

Bốn là, giải quyết chế độ BHTN. Vì nhiều lí do dẫn đến lái xe công nghệ không thể tham gia vào TTLĐ ở lĩnh vực này, bởi vậy trong quá trình LĐ cần quy định về việc NLĐ này phải đóng BHTN, khi có sự kiện pháp lý xảy ra, lái xe công nghệ sẽ được hỗ trợ từ cơ quan BHXH trong việc đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình.

Mỹ Diệu
Rà soát các dự án giao thông chậm tiến độ, dừng thi công
Đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch biện pháp xử lý.

Dừng thu phí BOT trong trường hợp nào?
Trạm thu phí BOT phải dừng thu phí nếu chất lượng bảo trì đường không tốt và bị cơ quan chức năng có thẩm quyền ra văn bản nhắc nhở hai lần kèm theo thời hạn khắc phục; khi để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông...

Xe buýt 4 cửa như “hàng không” giúp tối ưu hiệu quả nhờ không gian riêng
Thực tế là xe buýt 4 cửa lâu nay vẫn được sử dụng đưa đón khách tại một số cảng hàng không, từ nhà ga ra tàu bay. Nó đã cho thấy khả năng lên xuống linh hoạt, tiếp nhận hoặc giải tỏa khách nhanh chóng, không bị gò bó về hướng đỗ xe.

Khởi công xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa kết hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án “Xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi".

Bắc Ninh: Xây dựng hệ thống chợ dân sinh phù hợp với sự phát triển đô thị
Ngày 16/11, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình gặp mặt Doanh nhân chuyên đề tháng 11 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát triển và quản lý chợ với thông điệp “Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.

Tổng bí thư Tô Lâm: Hải Phòng phát huy lợi thế 'cửa chính ra biển' cả miền Bắc
Tổng bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương vừa có chuyến thăm, làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng; thăm, khảo sát cuộc sống của cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Hoàn thành 2 tuyến cao tốc tại Cao Bằng - Lạng Sơn trong năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) ngay trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025.