Vietjet lãi lớn
CTCP Hàng không Vietjet (VJC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2022 đạt 244 tỷ đồng, là mức cao nhất 5 quý gần đây.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý I/2022 đạt 4.522 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ và là mức cao nhất 5 quý gần đây.
Theo Vietjet, mảng kinh doanh vận chuyển hành khách đang phục hồi nhanh và mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa tiếp tục mở rộng. Mức tăng trưởng doanh thu của hai mảng này trong quý I/2022 ghi nhận lần lượt 76% và 94%. Bên cạnh đó, Vietjet đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát chi phí trong bối cảnh giá nhiên liệu lên cao. Theo đó, lợi nhuận quý I đã cải thiện.
Ba tháng đầu năm 2022, Vietjet đã mở lại toàn bộ mạng bay nội địa và nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ; thực hiện hơn 20.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 60 đường bay nội địa và quốc tế.
Tổng số chuyến bay và lượt khách của Vietjet trong quý I/2022 đã đạt tương ứng 50% và 55% so với tổng số của cả năm 2021. Ngoài ra, Vietjet đạt tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý I/2022 hơn 12.500 tấn.
Được biết, Vietjet cũng vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với doanh thu hợp nhất 12.875 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất thấp hơn so với báo cáo tài chính tự lập do việc ghi nhận tăng chi phí thuế thu nhập hoãn lại.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 51.654 tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,9 lần và chỉ số thanh khoản 1,6 lần.
Năm 2021, Vietjet đã thực hiện gần 42.000 chuyến bay và vận chuyển 5,4 triệu lượt khách trên hơn 50 đường bay. Khối lượng hàng hóa vận chuyển hơn 66.000 tấn và doanh thu tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng nhanh, trên 200% so với cùng kỳ.
Hãng hàng không tiếp tục tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay, giảm phí thuê tàu, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất, các hãng chỉ trả theo mức tối thiểu.
Ngoài ra, mở rộng thêm đường bay mới; ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng cho khách hàng; mở rộng hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới để phát triển đội tàu bay, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, hướng đến tương lai trở thành tập đoàn hàng không đa quốc gia.
Hãng này đã đón tàu bay thân rộng Airbus A330-300 đầu tiên, sẵn sàng cho kế hoạch khai thác các chặng bay tầm trung và dài lên đến gần 12.000 km, an toàn, hiện đại và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện dự án chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của các mảng kinh doanh mới bao gồm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ phục vụ mặt đất để đa dạng nguồn doanh thu và tối ưu chi phí. Đồng thời, triển khai các sản phẩm vé và chương trình khách hàng mới giúp gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 29/4, cổ phiếu VJC có giá 129.900 đồng/cổ phiếu.