VATA tiếp tục góp ý Dự thảo Luật Đường bộ
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ cùng các ban ngành liên quan về góp ý Dự thảo Luật Đường bộ Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khoá XV.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Đường bộ trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV (Dự thảo Luật Đường bộ), VATA đã có góp ý một số điều trong Dự thảo Luật Đường bộ. Cụ thể như sau:
Hiệp hội đề nghị bổ sung khái niệm, quy định về vận tải hành khách công cộng
Theo đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Dự thảo Luật Đường bộ không có khái niệm về “vận tải hành khách công cộng”, chỉ có quy định về “chính sách ưu tiên vận tải hành khách công cộng”, cụ thể:
Luật Giao thông đường bộ năm 2008, “Điều 5. Chính sách phát triển giao thông đường bộ”, tại Khoản 2 “Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng; ...";
Dự thảo Luật Đường bộ cho biết, Điều 4. “Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ”, tại Khoản 2 "...; ưu tiên phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác.”.
Điều 57. “Vận tải hành khách bằng xe ô tô” tại Khoản 4. “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguồn lực địa phương quyết định hỗ trợ lãi suất vốn tại các tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện xe buýt, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thông qua chính sách miễn, giảm giá vé.”.
Như vậy ngoài “vận tải hành khách bằng xe buýt” được gọi là “vận tải hành khách công cộng”, còn đối tượng, phương tiện vận tải hành khách nào, được gọi là “vận tải hành khách công cộng” và được hưởng “chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng”.
Hiệp hội chỉ ra rằng, hiện nay người dân ưa chuộng và thường xuyên sử dụng loại hình xe buýt và xe taxi để di chuyển trong nội thị, chiều dài các đoạn đường di chuyển ngắn. Loại hình vận tải khách này nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm thiểu phát thải và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, hiệp hội đề nghị cần, bổ sung khái niệm, quy định về “vận tải hành khách công cộng” với nội dung xác định rõ nội hàm của vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô, gồm xe buýt, xe taxi dưới 09 chỗ ngồi vận chuyển khách nội thị và trung chuyển khách đi và đến bến xe khách.
Đề nghị làm rõ quy định về việc “quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ” tại Khoản 5 Điều 56
Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 56, tại Khoản 5 có nội dung “ quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ ... ”.
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải bằng ô tô trên đường bộ bao gồm hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động kinh doanh dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô. Tương ứng với 02 loại hình kinh doanh này có 02 loại cước phí.
Hiệp hội đề nghị cần làm rõ quy định về việc “quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ” tại Khoản 5 Điều 56 để phân định rõ giữa hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động kinh doanh dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô.
Đề nghị bổ sung sửa đổi Khoản 7 Điều 56
Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 56, tại Khoản 7 có nội dung “7. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình ... với lịch trình, hành trình cố định.” Đề nghị: Sửa đổi thay thế cụm từ “cố định” bằng cụm từ “xác định” và viết lại như sau:
“7. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người trên 09 chỗ (bao gồm cả lái xe) để vận tải hành khách, có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình xác định.”
Lý do: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vận tải có thể điều chỉnh lịch trình, tần suất chạy xe theo nhu cầu đi lại của hành khách và điều chỉnh hành trình phù hợp với hiện trạng tổ chức giao thông và kết cấu của hạ tầng đường bộ (do có thay đổi).
Ví dụ: Trên cùng hướng lưu thông của phương tiện, có đoạn đường cao tốc hoặc đường tránh song hành mới được đưa vào khai thác, hoặc yêu cầu tổ chức giao thông phân luồng của cơ quan quản lý giao thông có thẩm quyền thì đơn vị vận tải có thể báo cáo cơ quan quản lý tuyến điều chỉnh lịch trình, hành trình cho phù hợp.
Nếu dùng từ "cố định" như dự thảo khi các cơ quan quản lý có thể hiểu là không được thay đổi sẽ gây khó khăn, bất lợi cho các đơn vị vận tải.
Đề nghị bổ sung sửa đổi Khoản 9 Điều 56
Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 56, tại Khoản 9 có nội dung: “9. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người đến 09 chỗ (bao gồm cả lái xe) ...”.
Đề nghị: Bổ sung sửa đổi, thay thế cụm từ “đến 09 chỗ” bằng cụm từ “đến 08 chỗ” và viết lại như sau: “9. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người đến 08 chỗ ngồi bao gồm cả người lái để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách, thực hiện nhiều chuyến đi trong ngày, phương thức tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức sau đây:
Lý do, loại hình vận tải vận tải hành khách bằng xe taxi có kích thước nhỏ, gọn, đây là loại xe ô tô con chở người đến 08 chỗ, phù hợp thông lệ quốc tế, đặc thù hoạt động chủ yếu tại các vùng đô thị, đảm bảo giải tỏa nhanh nhất nhu cầu đi lại của người dân với cự ly chuyến đi ngắn nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Nếu Dự thảo Luật Đường bộ quy định “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người đến 09 chỗ (bao gồm cả lái xe) ...” sẽ càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa xe taxi với xe lợi dụng danh nghĩa xe hợp đồng như hiện nay, làm gia tăng ùn tắc giao thông ở các đô thị. Thực tế hiện nay ở Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều xe chở người từ 09 chỗ trở lên có kích thước tương đương với xe chở người 16 chỗ, như loại xe dán chữ “Limousine”.
Đề nghị bỏ điểm c trong khoản 9 Điều 56, dự thảo Luật Đường bộ, Điều 56, Khoản 9, nội dung điểm “c) Tiền cước theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải. ”.
Đề nghị: Bỏ điểm c trong khoản 9 Điều 56.
Lý do là bởi phương thức tính tiền của taxi hiện nay được tính trên quãng đường, thời gian và đơn giá. Giá cước taxi phải được niêm yết rõ ràng bên trong và ngoài phương tiện, quy định này đến nay vẫn hoàn toàn phù hợp với thực tế cuộc sống, đảm bảo tốt quyền lợi cho hành khách. Nếu quy định thêm phương thức tính tiền theo thỏa thuận với hành khách sẽ bị trùng với nội hàm quy định trong quản lý xe hợp đồng, tức là một loại hình vận tải nhưng có hai tên gọi, dễ gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi người hành khách, gây khó khăn cho công tác quản lý, mặt khác sẽ tiềm ẩn việc gia tăng tranh chấp giữa bên vận tải với hành khách sau mỗi chuyến đi.
Đề nghị bổ sung sửa đổi Khoản 10 Điều 56
Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 56, tại Khoản 10 có nội dung: “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả thuê người lái xe."
Hiện nay hoạt động kinh doanh loại hình vận tải khách bằng xe taxi và loại hình vận tải khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ đang có nhiều bất cập: Mặc dù bản chất của hai loại hình này đều tương đồng như nhau, việc này chính các doanh nghiệp cũng đang niêm yết trên các ứng dụng của doanh nghiệp khi người tiêu dùng đặt xe đồng thời hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã áp dụng các giải pháp điều hành bằng công nghệ nhưng trong dự thảo lại có hai tên gọi khác nhau vì vậy dẫn đến các điều kiện kinh doanh khác nhau gây ra bất bình đẳng.
Do đó hiệp hội đề nghị, Giao Chính phủ quy định rõ ràng để phân định giữa vận tải khách bằng xe taxi và vận tải khách bằng xe hợp đồng dưới 09 chỗ. Đồng thời cần làm rõ quy định về giá, niêm yết và đăng ký giá để bảo vệ quyền lợi của người dân và trách nhiệm đóng góp thuế vào Ngân sách Nhà nước và công bằng, minh bạch, cũng như bắt kịp với xu thế công nghệ hiện nay.
Đề nghị bổ sung sửa đổi Khoản 11 Điều 56, Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 56, tại Khoản 11 có nội dung: “Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng để vận tải hàng hóa trên đường bộ.”.
Đề nghị bổ sung sửa đổi và viết lại như sau: “11. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là hoạt động vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải dùng xe ô tô chở hàng, xe ô tô chuyên dùng chở hàng thuê cho chủ hàng nhằm mục đích sinh lợi.”.
Lý do, nội dung khoản 11 như trên không phân định rõ giữa kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ; chưa làm rõ nội hàm "kinh doanh" mà dự thảo đang cần giải quyết.
Đề nghị bổ sung sửa đổi Khoản 13 Điều 56
Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 56, tại Khoản 13 có nội dung: “Đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ phải bảo đảm công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô.”.
Dự thảo như trên là không phù hợp thực tiễn và đáp ứng các loại hình vận tải, bao gồm vận tải kinh doanh và vận tải nội bộ.
Lý do, khái niệm về đơn vị kinh doanh vận tải như đã giải thích ở các Điều trên là bao gồm cả hộ kinh doanh. Thực tế hộ kinh doanh phần lớn chỉ có 01 đến 02 xe, nhiều trường hợp chủ hộ (chủ xe) cũng chính là lái xe mà yêu cầu phải có bộ phận quản lý an toàn giao thông là bất hợp lý. Mặt khác, hiện nay nhiều đơn vị vận tải nội bộ cũng có số lượng xe lớn, chạy đường dài dự thảo cũng chỉ yêu cầu phải đảm bảo công tác an toàn giao thông.
Đề nghị nghiên cứu bổ sung sửa đổi Khoản 13 theo hướng: Đơn vị vận tải (cả vận tải kinh doanh và vận tải nội bộ có quy mô đến mức nào thì phải có bộ phận quản lý an toàn giao thông. Đồng thời quy định rõ người lái xe phải kiểm tra phương tiện có đầy đủ điều kiện an toàn mới điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đề nghị bổ sung sửa đổi điểm a Khoản 1 Điều 57
Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 57, Khoản 1, tại điểm a có nội dung: “Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hành khách;”.
Việc dự thảo nội dung của điểm a trong khoản 1 về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách là không phù hợp và không cần thiết.
Đề nghị sửa lại theo hướng quy định trách nhiệm quan trọng nhất của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách là tổ chức công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải. Theo đó phải tổ chức công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa; kiểm tra đảm bảo phương tiện an toàn mới cho phép hoạt động. Quản lý đội ngũ lái xe, tổ chức khám sức khỏe hoặc yêu cầu lái xe khám sức khỏe định kỳ theo quy định; đảm bảo người lái xe có đủ điều kiện theo quy định mới cho phép điều khiển phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải.
Đề nghị bô sung sửa đổi điểm b Khoản 1 Điều 57
Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 57, Khoản 1, tại điểm b có nội dung: “Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và sử dụng người lái xe bảo đảm đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật.”.
Dự thảo như trên chưa phù hợp với thực tế, vì chỉ có một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có quy mô lớn mới có điều kiện tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe theo đợt và tại đơn vị, còn những đơn vị nhỏ, hộ kinh doanh thì không đủ điều kiện để tổ chức khám sức khỏe. Mặt khác, dù có tổ chức khám sức khỏe cho lái xe tại đơn vị thì cũng không thể khám cho 100% lái xe của đơn vị vì lái xe hoạt động phân tán không thể triệu tập 100% lái xe về để khám sức khỏe.
Đề nghị sửa lại theo hướng đơn vị vận tải phải quản lý đảm bảo người lái xe đủ điều kiện về sức khỏe theo quy định của pháp luật mới cho điều khiển phương tiện hoạt động vận tải (áp dụng chung cho cả vận tải nội bộ và kinh doanh vận tải).
Đề nghị bổ sung sửa đổi điểm a Khoản 2 Điều 61
Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 61, Khoản 2, tại điểm a có nội dung: “Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa.”. Đề nghị sửa lại tương tự như Mục 8 “Đề nghị bổ sung sửa đổi điểm a Khoản 1 Điều 57” của Công văn này.
Đề nghị bổ sung sửa đổi điểm b Khoản 2 Điều 61
Đề nghị sửa lại tương tự như Mục “Đề nghị bổ sung sửa đổi điểm b Khoản 1 Điều 57” của Công văn này.