Khởi tố đối tượng nuôi nhốt 2 cá thể hổ trái phép
Công an tỉnh Hải Dương vừa khởi tố Đồng Xuân Công - đối tượng có hành vi Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Ngày 15/5, thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đồng Xuân Công (SN 1980, trú tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) về hành vi Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo thông tin ban đầu, ngày 4/5, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hải Dương kiểm tra, phát hiện Đồng Xuân Công có hành vi nuôi, nhốt trái phép 2 cá thể hổ tại khu vực ao cá ở bãi ngoài đê Đầm Châm, thuộc xã Đại Đức, huyện Kim Thành.
Mỗi cá thể hổ nặng khoảng 70kg, tình trạng sức khỏe bình thường, được nuôi nhốt trong cùng một lồng thép kích thước 3x2x2m. Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Công khai nhận đã mua 2 cá thể hổ trên qua mạng xã hội.
Theo kết luận giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2 cá thể hổ trên có tên khoa học Panthera Tigris, nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Hiện, 2 cá thể hổ đã được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội nuôi dưỡng, quản lý theo quy định.
Tại Việt Nam, TRAFFIC là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu với mục tiêu thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Để ngăn chặn nạn buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, trong những năm qua, TRAFFIC cùng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thường xuyên tổ chức các toạ đàm, chương trình tuyên truyền cho các lái xe, chủ xe không buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trong đó có những sản phẩm từ hổ, tê giác,….
Theo TRAFFIC, quần thể hổ đã có sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng trong 10 năm qua, ước tính số lượng trong tự nhiên chỉ còn khoảng 3.800 cá thể.
Hổ được buôn bán dưới dạng động vật sống, hoặc từng bộ phận như lông, tấm da, móng vuốt, xương hoặc răng, và thường được sử dụng trong ngành y học cổ truyền. Sự phát triển của các trang trại nuôi hổ ở Châu Á đã làm vấn đề thêm trầm trọng, làm tăng nhu cầu và tạo điều kiện đưa hổ hoang dã bị bắt vào chuỗi thương mại.