Chuyên mục


Phòng chống buôn bán động vật hoang dã: Ngành vận tải có vai trò trọng yếu

06/02/2024 16:06 (GMT +7)

Hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã đặc biệt là ở các khu vực biên giới thời gian qua đã có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng những cuộc giao thương trong bóng tối vẫn là hồi chuông báo động khẩn thiết cần toàn thể cộng đồng chung tay để đẩy lùi vấn nạn này.

Cảnh báo hàng loạt hệ luỵ rủi ro đến loài người

Trong vài thập kỷ gần đây, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, cân bằng môi trường sinh thái ở nhiều khu vực trên thế giới.

Vận chuyển động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã là trái pháp luật

Vận chuyển động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã là trái pháp luật

Theo thống kê, hiện nay thị trường buôn bán động hoang dã trái pháp luật trên thế giới ước tính trị giá lên tới 20 tỷ USD mỗi năm, riêng khu vực Đông Nam Á chiếm gần 50% với 8-10 tỷ đô-la Mỹ. Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đang xếp thứ 4 về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, sau buôn bán ma tuý, buôn bán vũ khí và buôn bán người.

Việt Nam vốn là nơi có nguồn động thực vật hoang dã rất phong phú với khoảng 10% tổng số loài động thực vật hoang dã trên hành tinh nhưng cũng là “điểm nóng” trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã toàn cầu và là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn trên thế giới. Nhiều chuyến hàng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê,... đến từ Châu Phi, sau đó tiếp tục được bán sang Trung Quốc.

Thống kê từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm này đã ghi nhận 2.760 vụ việc với 8.661 vi phạm về động vật hoang dã. Cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 2.000 cá thể động vật hoang dã còn sống và bắt giữ các đối tượng có liên quan trong 110 vụ vi phạm.

Kết quả khảo sát của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) tại 16.556 cơ sở kinh doanh tại 10 đô thị lớn trong cả nước cho thấy có 12% số cơ sở vi phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã (gồm nhà hàng, quán bar, chợ và cửa hàng thú cảnh).

Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp không chỉ đã và đang khiến nhiều loài động vật quý hiếm trong "sách đỏ" đứng trước nguy cơ tuyệt chủng mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, thậm chí gây ra những đại dịch với sức tàn phá khủng khiếp như Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng SARS (2002-2003), Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS (2012), Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu,…

Giải pháp ngăn chặn nạn buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã

Thực trạng hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã đặc biệt là ở các khu vực biên giới đang gióng lên những hồi chuông báo động khẩn thiết cần toàn thể cộng đồng chung tay để đẩy lùi vấn nạn này. Nhiều tổ chức đã phối hợp cùng nhau để tạo ra các hoạt động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã

Nhà xe Thuận Hưng chung tay tuyên truyền về việc bảo vệ động vật hoang dã

Nhà xe Thuận Hưng chung tay tuyên truyền về việc bảo vệ động vật hoang dã

Tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ TRAFFIC đã phối hợp cùng với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã qua các chuỗi cung ứng hậu cần dọc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo ông Thân Văn Thanh, Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngành vận tải ô tô có mối liên hệ chặt chẽ với việc bảo tồn động, thực vật hoang dã. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, tổ chức vận tải về vấn đề này là hết sức cần thiết.

“Trong lĩnh vực ngăn chặn vận chuyển động vật hoang dã đến nay đã đủ các quy định của pháp luật: Từ Luật Giao thông đường bộ đến các Nghị định của Chính phủ và quy định của các Bộ, ngành đều cụ thể và rõ ràng đó là hành vi cấm. Việc quan trọng nhất là cần tăng cường phối hợp hoạt động của các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm”, ông Thân Văn Thanh cho biết.

Cảnh báo, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ động vật hoang dã

Cảnh báo, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ động vật hoang dã

Tại hội nghị Đào tạo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với vấn đề bảo tồn thiên nhiên hoang dã tổ chức tại Lào Cai mới đây, bà Bùi Thúy Nga, Quản lý chương trình Traffic khẳng định rằng: “Chủ động là cách phòng tránh hiệu quả nhất nhằm chặt đứt chuỗi buôn bán động thực vật hoang dã tại Việt Nam. Nếu như mỗi doanh nghiệp vận tải đều thể hiện quan điểm, ý chí mạnh mẽ, không dung túng, không hỗ trợ, không tiếp tay cho việc vận chuyển hàng cấm trong đó có động, thực vật hoang dã thì một phần nào chúng ta cũng góp phần chặt đứt chuỗi buôn bán động thực vật hoang dã tại Việt Nam”.

Buôn bán trái phép động vật hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo điều 244 Bộ Luật hình sự (sửa đổi, bổ sung 2017) các hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật (như voi, hổ, tê tê, tê giác, rùa cạn, rùa nước ngọt,...) có thể bị phạt tù đến 15 năm; bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Traffic để tuyên truyền rộng rãi, có chiều sâu đến các đơn vị kinh doanh vận tải về vấn đề trách nhiệm trong việc phòng chống nạn buôn bán động vật hoang dã. Song song đó, tiếp tục kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục có những hành động mạnh mẽ bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của chúng.

Lê Khôi
Phú Thọ tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
Tại các mỏ khai thác thuộc địa phận Phú Thọ được giám sát chặt chẽ, qua đó đến thời điểm hiện tại, tình hình khai thác khoáng sản trên lòng sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ quản lý ổn định và không xảy ra tình trạng khai thác trái phép.

TT.Huế 'sửa soạn' sau giông lốc
Ngày 3/5, lãnh đạo huyện Phú Vang đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo biện pháp khắc phục hậu quả của trận mưa lớn, giông lốc xảy ra trên địa bàn.

Điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay Nội Bài
Theo Quyết định, đối với quy hoạch kết cấu hạ tầng sân bay, sẽ bổ sung bãi tập kết phương tiện, thiết bị mặt đất tại vị trí phía Tây sân đỗ máy bay của nhà ga hành khách T2.

Tìm thấy nạn nhân cuối cùng vụ lật thuyền Sông Chanh
Thông tin từ UBND phường Hà An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, các lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng mắc lại trong bè nuôi hàu của người dân, ở khu vực gầm cầu cao tốc Sông Chanh 2, cách vị trí thuyền đắm khoảng 2km.

Thủ tướng Chỉnh phủ yêu cầu tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền ở Quảng Ninh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 40/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Nỗ lực ứng cứu nạn nhân vụ lật thuyền nan ở Quảng Ninh
UBND phường Hà An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết, vào hồi 5h30 sáng 25/4, trên luồng Sông Chanh (đoạn thuộc địa giới hành chính do UBND phường Hà An và UBND phường Phong Hải quản lý) đã xảy ra vụ tai nạn lật, chìm phương tiện thuyền nan.

Nhà cao tầng 'mọc' bên sông Cầu
Việc người dân tự ý xây nhà trên mái đê dọc tuyến sông Cầu thuộc địa phận xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) đã gây ảnh hưởng rất lớn tới hành lang thoát lũ.