VATA góp ý Dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn gửi tới Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh để góp ý một số nội dung trong Dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (Dự thảo Luật) trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá VII, XV, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã có những góp ý về một số nội dung trong Điều 52, Điều 53, Điều 54.
Thứ nhất, VATA cho biết cần sửa đổi, bổ sung “Điều 52. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe quá khổ, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ”.
Trong đó, bổ sung điểm c vào khoản 3, xe quá khổ giới hạn vận chuyển một (01) hoặc nhiều đơn nguyên hàng bao gồm kiện hàng còn nguyên kẹp chì, niêm phong theo quy định, hoặc cấu kiện xây dựng hoặc, phương tiện, thiết bị, máy móc nguyên chiếc, hàng không thể tháo rời hoặc chia nhỏ, hàng siêu trường, siêu trọng. Đồng thời, bổ sung điểm d vào khoản 3 về việc "Xe quá tải trọng, xe bánh xích không vận chuyển hàng hóa trên đường bộ.”.
Tại khoản 7, Hiệp hội Đề nghị bỏ và sửa cụm từ: "... gửi thông báo ngay cho cơ quan Cảnh sát giao thông Bộ Công an và cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có tuyến đường mà phương tiện đi qua..."
Lý do, được Hiệp hội giải trình rằng hàng ngày, cả nước có hàng trăm giấy phép lưu hành được cấp bởi các Sở Giao thông vận tải, các Khu Quản lý đường bộ và Cục Đường bộ Việt Nam. Nếu mỗi giấy phép lưu hành lại phải có 01 bản thông báo gửi đến cơ quan Cảnh sát giao thông Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) và 01 bản thông báo gửi cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua, sẽ làm tăng thủ tục hành chính, làm chậm thời gian triển khai vận chuyển của doanh nghiệp vận tải sau khi có giấy phép lưu hành, làm chậm tiến độ thực hiện công trình, dự án, ảnh hưởng không tốt đến việc thu hút đầu tư của nước ngoài. Mặt khác các cơ quan Cảnh sát giao thông phải tăng biên chế để làm nhiệm vụ nhận, xem xét từng bản thông báo cấp giấy phép lưu hành ở cả 02 cấp (Cục Cảnh sát giao thông và cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua).
Hiệp hộ đề nghị nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định.” giao cho cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua thực hiện. Đối với việc “ chỉ huy, điều khiển giao thông, ” chỉ áp dụng đối với những trường hợp cần thiết.
Do đó, Hiệp hội đề xuất Khoản 7 sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: “7. Đối với những trường hợp xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích khi lưu hành trên đường bộ cần thiết phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo giao thông, điều khiển giao thông, Cơ quan cấp phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành có trách nhiệm gửi ngay giấy phép lưu hành đến đơn vị trực tiếp quản lý đoạn đường bộ mà phương tiện đi qua để được hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo giao thông và cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua để chỉ huy, điều khiển giao thông, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định.”.
Thứ hai, Sửa đổi, bổ sung “Điều 53. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng”
Cụ thể, Hiệp hội Đề nghị sửa đổi bổ sung khoản 2 và viết lại thành “2. Xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải phù hợp và đáp ứng vận chuyển loại hàng, kích thước, khối lượng của hàng và phải có giấy phép lưu hành xe do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp.”.
Đồng thời, tại khoản 3 điều này, Hiệp hội Đề nghị sửa đổi bỏ cụm từ: “...tự hành có gắn động cơ..." bởi thực tế chỉ có rơ moóc kiểu mô đun được kéo hoặc đẩy bởi ô tô đầu kéo, trường hợp cần thiết có thể lắp động cơ (theo thiết kế của nhà sản xuất) để hỗ trợ đẩy hoặc kéo khi đi qua những đoạn đường có địa hình khó khăn, phức tạp, độ dốc lớn.
Động cơ hỗ trợ là một loại thiết bị giao thông chuyên dùng gắn vào rơ moóc kiểu mô đun để phục vụ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi cần thiết (được quy định tại Thông tư số 35/2023/TT-BGTVT ngày 13/12/2023 của Bộ Giao thông vận tải “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ”).
Mặt khác động cơ hỗ trợ không thuộc cơ cấu, kết cấu của phương tiện (rơ moóc, sơ mi rơ moóc) theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng và an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc.
Do đó trong Luật không nên quy định chi tiết là "... rơ moóc kiểu mô đun tự hành có gắn động cơ..".
Khoản 3 được Hiệp hội khuyến nghị viết lại thành: “3. Xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng được phép ghép, nối thành tổ hợp nhiều xe gồm ô tô đầu kéo, ô tô kéo rơ moóc để kéo hoặc vừa kéo vừa đẩy các rơ moóc, sơ mi rơ moóc chuyên dùng, rơ moóc kiểu mô đun, bao gồm cả trường hợp ghép nối thông qua hàng được chở.”
Nối tiếp, Hiệp hội đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 5 bằng cách bỏ và sửa đổi cụm từ: "... gửi thông báo ngay cho cơ quan Cảnh sát giao thông Bộ Công an và cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua ...”.
Do mỗi ngày ngày, cả nước có hàng trăm giấy phép lưu hành được cấp bởi các Sở Giao thông vận tải, các Khu Quản lý đường bộ và Cục Đường bộ Việt Nam. Nếu mỗi giấy phép lưu hành phải có 01 bản thông báo gửi đến cơ quan Cảnh sát giao thông Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) và 01 bản thông báo gửi cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua, sẽ làm tăng thủ tục hành chính, làm chậm thời gian triển khai vận chuyển của doanh nghiệp vận tải sau khi có giấy phép lưu hành, làm chậm tiến độ thực hiện công trình, dự án, ảnh hưởng không tốt đến việc thu hút đầu tư của nước ngoài. Mặt khác các cơ quan Cảnh sát giao thông phải tăng biên chế để làm nhiệm vụ nhận, xem xét từng bản thông báo cấp giấy phép lưu hành ở cả 02 cấp (Cục Cảnh sát giao thông và cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua).
Đề nghị nhiệm vụ "... chỉ huy, điều khiển giao thông, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định.” giao cho cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua thực hiện. Đối với việc “... chỉ huy, điều khiển giao thông, ...” chỉ áp dụng đối với những trường hợp cần thiết.
Khoản 5 sửa đổi, bổ sung sẽ được viết lại như sau: “5. Đối với những trường hợp xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích khi lưu hành trên đường bộ cần thiết phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo giao thông, điều khiển giao thông, Cơ quan cấp phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành có trách nhiệm gửi ngay giấy phép đến đơn vị trực tiếp quản lý đoạn đường bộ mà phương tiện đi qua để được hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo giao thông và cơ quan Cảnh sát giao thông nơi có đoạn đường mà phương tiện đi qua để chỉ huy, điều khiển giao thông, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định.”.
VATA cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 của “Điều 54. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe cứu hộ giao thông đường bộ”
Đề nghị bổ sung cụm từ: “...chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.”. Bởi đây là phương tiện cơ giới mới (ô tô thành phẩm), được nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước, chưa đăng ký (chưa có biển số), chưa đăng kiểm, chưa đủ điều kiện tham gia giao thông, nên buộc phải có phương tiện khác chuyên chở. Việc vận chuyển loại phương tiện này trong khu vực đô thị hoặc nhưng nơi đường hẹp, đường cong bán kính nhỏ, phải được vận chuyển bằng loại xe nhỏ và chỉ vận chuyển 01 đơn nguyên (01 ô tô thành phẩm). Công năng của xe cứu hội đáp ứng việc vận chuyển loại phương tiện này, do đó việc quy định xe cứu hộ giao thông đường bộ được phép chuyên chở các phương tiện giao thông chưa đủ điều kiện tham gia giao thông phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhằm giảm tải đường bộ, giảm thải môi trường, tạo điều kiện kinh doanh trong hoạt động dịch vụ cứu hộ.
Khoản 1 sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: “1. Xe cứu hộ giao thông đường bộ là xe ô tô chuyên dùng có trang bị dụng cụ, thiết bị dùng để cứu hộ, hỗ trợ di chuyển hoặc chuyên chở các phương tiện giao thông bị hư hỏng, sự cố, chưa đủ điều kiện tham gia giao thông”.
Để phù hợp thực tiễn, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại, nhằm đáp ứng việc phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ,... Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Ủy ban Quốc phòng An ninh, Ban soạn thảo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và các cơ quan liên quan quan tâm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên.