Chuyên mục


Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam góp ý về Dự thảo Luật Đường bộ

19/05/2023 13:09 (GMT +7)

Sau khi có những nghiên cứu dự thảo Luật và tờ trình Dự án Luật số 56/TT-CP của Chính phủ trình Quốc hội; Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền gửi lên nhiều kiến nghị góp ý.

Cần có nghiên cứu thêm để quy định của Luật có tính khả thi và ổn định lâu dài và tạo điều kiện thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới

Cần có nghiên cứu thêm để quy định của Luật có tính khả thi và ổn định lâu dài và tạo điều kiện thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới

Vừa qua, Viện nghiên cứu Lập pháp đã có thư mời gửi tới Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam viết bài cho Hội thảo: "Góp ý vào Dự thảo Luật Đường bộ" và hồ sơ kèm theo. Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Quyền kiến nghị:

Mục 1 Chương 4: Hoạt động vận tải đường bộ (Điều 55 - Điều 78)

1. Theo dự thảo tại Khoản 5 Điều 55: So với Luật hiện hành, loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch không còn quy định trong luật; đây là loại hình kinh doanh vận tải đang hoạt động; xu hướng ngày càng tăng; yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác. Đề nghị tiếp tục quy định loại hình kinh doanh vận tải này trong Luật Đường bộ.

Bên cạnh đó, dự thảo lại bổ sung: “Và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới”; nhưng không nói rõ cơ quan nào có quyền cho phép thí điểm hoặc ban hành các quy định để quản lý. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi theo hướng nếu cho phép loại hình kinh doanh mới phải được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, sau thời gian thí điểm có tổng kết, đánh giá nếu phù hợp mới đưa vào Luật.

2. Theo dự thảo tại Khoản 7 Điều 55: Đưa ra thêm loại xe "ô tô khách thành phố" là không cần thiết. Theo dự thảo, quy định xe khách thành phố nhưng lại hoạt động trên cả các tuyến trên địa bàn 2 ÷ 3 tỉnh (điểm b Khoản 7) tạo ra sự mung lung, khó hiểu trong văn bản QPPL.

Đề nghị sửa theo hướng phân định xe buýt trong thành phố và xe buýt nội tỉnh và các tỉnh thành phố kế cận; theo đó loại xe buýt thành phố thì bố trí có chỗ đứng, ngồi; xe buýt nội tỉnh và các tỉnh kế cận thì chỉ bố trí chỗ ngồi cho hành khách;  hoặc phân theo thông lệ mà các nước phát triển đang áp dụng là: xe buýt là loại xe có chỗ ngồi và chỗ đứng; xe bus là loại xe chỉ có chỗ ngồi.

3. Khoản 8 Điều 55: Quy định về kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi. Trong đó dự thảo là “sử dụng xe ô tô con”. Đề nghị sửa lại là: “sử dụng xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống”.

4. Điều 56: Thời gian làm việc của người lái xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Với nội dung quy định như dự thảo không điều chỉnh đối với người lái xe cá nhân. Trong Luật GTĐB 2008 quy định này áp dụng chung đối với người lái xe. Đề nghị xem lại quy định này, nếu có thay đổi về đối tượng điều chỉnh cần làm rõ cơ sở của sự điều chỉnh.

Mặt khác, hiện nay công nghệ phát triển, xu hướng áp dụng các hệ thống hỗ trợ lái xe ngày càng phổ biến; trên một số loại đường có thể cài đặt chế độ lái tự động. Vì vậy cần có nghiên cứu thêm để quy định của Luật có tính khả thi và ổn định lâu dài và tạo điều kiện thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới.

5. Điểm a Khoản 1 Điều 58: Dự thảo là “Đón, trả hành khách đúng nơi quy định”. Nội dung này chỉ phù hợp với vận tải khách bằng xe buýt mà không phù hợp đối với vận tải khách theo hợp đồng và vận tải taxi vì đối với vận tải khách theo hợp đồng và vận tải taxi thì điểm đón trả khách là căn cứ theo nhu cầu của khách; điểm đón trả khách chỉ cần ngoài vị trí có biển cấm dừng, đỗ; đề nghị sửa lại cho phù hợp.

6. Điều 59: Khoản 1 dự thảo là: “Vận tải khách công cộng bằng xe ô tô là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt”. Đề nghị không cần dùng thêm khái niệm “vận tải hành khách công cộng” cho đỡ dài dòng.

7. Điều 60: Quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

- Dự thảo xác định đơn vị kinh doanh có 6 nghĩa vụ mà chỉ có 2 quyền; là không hợp lý.

- Đề nghị nghiên cứu bổ sung các quyền của đơn vị kinh doanh vận tải khách sau đây: Nghiên cứu khảo sát thị trường để quyết định về chiến lược kinh doanh; mở rộng thì trường, luồng tuyến vận tải; quyết định giá cước; thời gian phục vụ; các chính sách ưu đãi để hấp dẫn khách hàng. Ngoài kinh doanh chính, đơn vị được phát triển các dịch vụ liên quan nhằm tận dụng tiềm năng lợi thế của doanh nghiệp như: tham gia vào kinh doanh thương mại điện tử; vận chuyển hàng ký gửi...

8. Điều 61: Quyền và nghĩa vụ của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách.

Tại điểm g Khoản 2 đề nghị sửa “điểm đỗ” thành “điểm dừng” cho phù hợp thực tế vì trong quá trình xe hoạt động trên hành trình khi đến các vị trí cho hành khách lên xuống thì chỉ cần dừng xe.

9. Điều 68: Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng

Đây là vấn đề hiện nay đang bị vướng mắc trong việc xem xét cấp giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Vì vậy cần quy định rõ hơn trong Luật.

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, trên thị trường và thực tế hoạt động vận tải đã có nhiều loại phương tiện mới phù hợp với nhu cầu vận chuyển các thiết bị thi công; xe máy chuyên dùng; các thiết bị, cấu kiện công trình; đảm bảo việc phân bổ tải trọng lên nhiều trục bánh xe; các rơ moóc tự hành là loại rơ moóc có gắn động cơ được thiết kế, sản xuất để kéo cụm các rơ moóc kết nội với nhau, đảm bảo không gây quá tải lên mặt đường; hoặc các thiết bị để nâng hạ những loại hàng có kích thước lớn khi vận chuyển qua cầu, đoạn đường có địa hình khó khăn, phức tạp, như đèo dốc, đường cong, hẹp, hạn chế tĩnh không …

Một số loại sơ mi rơ moóc đã được nhập khẩu vào để đáp ứng nhu cầu vận chuyển các xe máy thiết bị thi công, vận chuyển ô tô từ 16 chỗ chở xuống từ nơi sản xuất, cảng biển đến các đại lý trong toàn quốc. Các sơ mi rơ moóc này có kích thước bao ngoài lớn hơn khổ giới hạn của xe (chiều rộng lớn hơn 2,5m), đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, đăng ký, kiểm định về an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường cho phép lưu hành trên đường bộ với điều kiện được cơ quan đường bộ cấp giấy phép lưu hành xe.

Vì vậy cần phải bổ sung các nội dung này vào phần giải thích tại Khoản 51 Điều 3 để tạo sự thống nhất trong vận dụng pháp luật.

Đồng thời, sửa Điều 68 về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng như sau:  

Sửa tên Điều 68: “Vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng” thành “Vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và xe quá khổ lưu thông trên đường bộ.” vì thực tiễn và trong quy định hiện hành có loại xe quá khổ giới hạn chở hàng siêu trường, siêu trọng và chở loại hàng đặc thù như xe máy thi công công trình (xe ủi, xe lu, xe xúc), ô tô từ 16 chỗ chở xuống từ nơi sản xuất, cảng biển đến các đại lý trong toàn quốc. 

- Thay cụm từ: “Hàng hóa siêu trường, siêu trọng” thành “Hàng siêu trường, siêu trọng”, vì từ “hàng” đã bao hàm đủ nghĩa (Khoản 1).

- Thay cụm từ “trọng lượng” thành “khối lượng” vì cụm từ “khối lượng” đã được định nghĩa tại Khoản 41, Khoản 42 Điều 3 về giải thích từ ngữ; đổi từ “nhưng” thành từ “và”, vì định nghĩa “hàng siêu trường, siêu trọng” phải đảm bảo đồng thời 02 điều kiện là “khối lượng” và “không thể tháo rời” (Khoản 1).

- Cần sửa đổi, bổ sung vào khoản 4 nội dung: “thiết bị, cơ cấu chuyên dùng gắn trên xe (nếu có) để gá, đỡ, chứa hàng siêu trường, siêu trọng”, vì hiện nay trên thế giới và cả trong nước đã sản xuất được những “thiết bị, cơ cấu chuyên dùng gắn trên xe” để hỗ trợ việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đảm bảo đi qua được những đoạn đường có địa hình khó khăn, phức tạp, qua cầu, đảm bảo an toàn công trình cầu, đường không bị quá tải trọng; đảm bảo an toàn hàng, phương tiện, an toàn giao thông. 

- Bỏ cụm từ “sử dụng đường bộ” tại Khoản 2 và sửa lại là giấy phép lưu hành xe vì trong các văn bản quy phạm pháp luật đều dùng cụm từ “Giấy phép lưu hành xe”; trường hợp dùng cụm từ “Giấy phép sử dụng đường bộ” thì phải thay đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

- Nên thay nội dung “chạy đúng hành trình, lịch trình, tốc độ quy định và phải có báo hiệu kích thước của hàng, trường hợp cần thiết phải bố trí người chỉ dẫn, điều tiết giao thông để bảo đảm an toàn giao thông” bằng cụm từ: phải chấp hành đúng các quy định trong giấy phép lưu hành xe và pháp luật giao thông đường bộ vì trong giấy phép lưu hành đã có những quy định này và còn nhiều quy định khác.

10. Điều 76: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.

Đề nghị nghiên cứu về xe tự lái vận chuyển hàng hóa, hành khách trong phạm vi hẹp. Đây là xu thế đang phát triển trên thế giới. Đề nghị bổ sung vào Luật theo hướng giao cho Chính phủ quy định nội dung này.

Ý kiến góp ý vào chương khác: 

1. Tại Điều 3. Giải thích từ ngữ: Giải thích khá chi tiết cả đối với đường thôn, xóm; đường ngõ, ngách… Nhưng không giải thích: “đường cao tốc”. Hiện nay việc đầu tư xây dựng đường cao tốc có những vận dụng như: số làn đường; dải phân cách; làn dừng khẩn cấp… gây nhiều ý kiến trong xã hội và ảnh hưởng đến việc đảm bảo khai thác hiệu quả đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Đề nghị bổ sung giải thích nội hàm “Đường cao tốc” để tạo sự thống nhất cao trong quá trình vận dụng thi hành Luật.

2. Tại Khoản 2 Điều 6 có nội dung: “ưu tiên phát triển giao thông thông minh”. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, trong Chương II: kết cấu hạ tầng giao thông không thấy nói gì về nội dung này. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật nội dung về quy định về giao thông thông minh như: vấn đề điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh; kiểm soát tải trọng xe bằng công nghệ cân tự động; hình thành dữ liệu, xử phạt nguội...

3. Đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào chương III: phương tiện giao thông đường bộ nội dung quy định về lộ trình chuyển đổi phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 để các đơn vị vận tải có kế hoạch đầu tư phương tiện hợp lý trong thời gian tới. Trường hợp chưa quy định cụ thể được thì giao cho Chính phủ quy định.

4. Đề nghị bổ sung điểm d vào Khoản 4 Điều 42 nội dung: d, Dự án đường bộ cao tốc, Quốc lộ, các trục đường lớn có nhiều xe tải lưu thông phải lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng xe.

5. Hiện nay, có tình trạng các bến xe tại các đô thị ngày càng bị đẩy ra xa. Điều này gây khó khăn trong kết nối giữa vận tải với hành khách; kết nối giữa các phương thức vận tải. Đề nghị bổ sung vào Điều 80 nội dung: “Bến xe được bố trí ổn định, ở những nơi thuận tiện trong việc kết nối giữa vận tải ô tô với các phương thức vận tải; giữa vận tải theo tuyến cố định với vận tải xe buýt, và giữa vận tải hành khách”.

6. Điều 87 Dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ

Dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ là dịch vụ quan trọng; trong điều kiện hệ thống giao thông phát triển, phương tiện tăng cao; đã phát sinh nhiều ách tắc, gây chậm trễ trong việc đưa các phương tiện cứu hộ đến hiện trường để kịp thời giải quyết ách tắc giao thông. Trong dự thảo luật tại Khoản 3 Điều 88 chỉ ghi xe cứu hộ: “có dấu hiệu nhận diện”. Đề nghị ghi rõ: dấu hiệu nhận diện bằng đèn quay phát sáng màu vàng gắn trên nóc xe (tương tự như đã dự thảo quy định đối với xe làm dịch vụ cấp cứu).

7. Chương II: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nghiên cứu dự thảo nhận thấy rất nhiều nội dung chuyển từ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vào dự thảo. Đây là xu hướng đúng, cần thực hiện; tuy nhiên cần dựa trên tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các Nghị định, Thông tư; chỉ đưa vào Luật những nội dung đã thực hiện ổn định, hiệu quả. Mặt khác về văn phong viết còn dài dòng chưa phù hợp với yêu cầu rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn; bố cục chặt chẽ. Theo đó đề nghị cơ quan thẩm định và cơ quan soạn thảo rà soát lại.

8. Điều 91: Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng về: hình thành các cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông; dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; dữ liệu từ camera gắn trên xe; dữ liệu từ các trạm kiểm tra tải trọng xe… để phục vụ quản lý nhà nước và nhu cầu quản lý của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nhà nước phải bố trí nguồn kinh phí để duy trì hệ thống; khắc phục tình trạng hiện nay, các cơ sở dữ liệu không ổn định, thiếu cập nhật dữ liệu; và chưa đủ độ thông minh để khai thác có hiệu quả...

Thu Châu
Bắc Giang: Bảo đảm TTATGT dịp nghỉ lễ 30/4 và cao điểm du lịch hè 2024
Ngày 16/4, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Công văn về việc tăng cường bảo đảm TTATGT phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Xử lý nam thanh niên giả làm cán bộ kiểm tra Điều lệnh CAND
Nguyễn Lê Ngọc Thi thuê ô tô rồi gắn biển số 80A, giả làm cán bộ kiểm tra Điều lệnh Công an nhân dân để ra oai với người khác.

Nỗ lực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông Lễ hội chùa Thầy
Trong 4 ngày (từ 12/4-15/4), các lực lượng chức năng huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã túc trực đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong dịp Lễ hội chùa Thầy năm 2024.

Triển khai giải pháp để người dân đi lại thuận lợi dịp lễ 30/4 - 01/5
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và cao điểm du lịch hè năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lộ trình mới cho tài xế qua hầm Bãi Gió
Hiện tại, hầm đường sắt Bãi Gió trên tuyến đường sắt Bắc- Nam, qua địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị sụt lún đất đá từ đỉnh vòm hầm và đang tiếp tục sụt lún, diễn biến phức tạp.

Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện một tài xế xe container vi phạm nồng độ cồn
Đêm 12/4, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2 (Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về chuyên đề tốc độ, nồng độ cồn, và ma tuý.

Bắc Giang tăng cường công tác đảm bảo TTATGT cho học sinh
Thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Công an thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức cho phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.