Chuyên mục


Vata góp ý xây dựng Thông tư về đào tạo, sát hạch lái xe

25/04/2023 09:54 (GMT +7)

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) vừa có văn bản số 39/CV-HHVT gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc góp ý xây dựng dự thảo Thông tư (TT) thay thế TT số 12/2017 và các TT sửa đổi TT số 12/2017 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn hỏa tốc số 3570/BGTVT-VT về việc “Giải quyết kiến nghị và đề xuất sửa đổi văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ”, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tiến hành sơ kết đánh giá tác động của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, ngày 15/4/2017 (Thông tư số 12) và các Thông tư sửa đổi Thông tư số 12; đồng thời tổng hợp các ý kiến đóng góp từ Chi hội Đào tạo – Sát hạch lái xe, các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe trong và ngoài Chi hội Đào tạo – Sát hạch lái xe về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định tại các văn bản QPPL về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Quy định dạy và học các môn lý thuyết theo kiểu truyền thống trên lớp không phù hợp với đại đa số đối tượng người học hiện nay

Quy định dạy và học các môn lý thuyết theo kiểu truyền thống trên lớp không phù hợp với đại đa số đối tượng người học hiện nay

Trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị từ cơ sở và để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong công tác đào tạo lái xe theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp thực tiễn, tiết kiệm chi phí xã hội, đặc biệt là giúp cho các cơ sở đào tạo lái xe có thể thực hiện được đúng và đủ các quy định, thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 12 theo thủ tục rút gọn, cụ thể:

Nội dung sửa đổi liên quan đến quản lý đào tạo lái xe ô tô, những bất cập liên quan đến đào tạo lái xe hiện nay tập trung chủ yếu bởi các quy định trong Chương trình đào tạo và các quy định quản lý về hồ sơ giáo vụ không còn phù hợp và có quy định không thể thực hiện được, buộc các cơ sở đào tạo lái xe phải “vận dụng” và “hợp lý hóa” sổ sách liên quan, là nguyên nhân dẫn đến vi phạm của các cơ sở đào tạo mà các đoàn kiểm tra vừa qua đã chỉ ra.

Về phần lý thuyết

Đối với hình thức đào tạo, nên xem xét cho phép thực hiện cả hình thức học tập trung và tự học, để người học chủ động lựa chọn hình thức học và đăng ký với cơ sở đào tạo, bởi các căn cứ và thực tiễn. Hiện nay lĩnh vực đào tạo lái xe do 2 luật cùng điều chỉnh và có sự khác nhau giữa hai Luật GTĐB 2008 và Luật GDNN 2014: Tại Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: “3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thi áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Điều 61 Luật GTĐB 2008 quy định: “Cơ sở đào tạo lái xe là cơ sở dạy nghề. - Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo”. Tuy nhiên, tại Khoản 1 & 6, Điều 3 Luật GDNN 2014 quy định: “1. Giáo dục nghề nghiệp ....được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên; 6. Đào tạo thường xuyên là hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, được thực hiện linh hoạt về chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học".

Đại đa số người học lái xe hiện nay đang trong độ tuổi lao động, hiện đang làm việc tại các cơ quan công sở, doanh nghiệp và trường học nên quỹ thời gian rất eo hẹp. Vì vậy, thực hiện theo hình thức đào tạo thường xuyên (học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn) là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với nội dung phần lý thuyết, theo Chương trình đào tạo hiện nay có 5 môn học lý thuyết là: Môn nghiệp vụ vận tải; môn Kỹ thuật lái xe; môn Cấu tạo và sửa chữa thông thường; môn Pháp luật giao thông đường bộ và môn Đạo đức, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, hiện không còn phù hợp với thực tế. Hiệp hội đề nghị xem xét rút gọn xuống còn 2 môn lý thuyết, gồm: Môn Pháp luật giao thông đường bộ và môn Tên gọi và nguyên lý làm việc các bộ phận chính trên xe ô tô.

Môn Nghiệp vụ vận tải (16 giờ): Đề nghị Bộ GTVT xem xét bỏ môn Nghiệp vụ vận tải ra ngoài Chương trình đào tạo lái xe ô tô. Thực tế hiện nay có trên 80% người học lái xe không hành nghề kinh doanh vận tải, nếu quy định cứng như hiện nay sẽ gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội; việc đào tạo nghiệp vụ vận tải cho những người hành nghề kinh doanh vận tải đã được quy định tại Điều 16, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 “Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe”.

Xem xét tích hợp môn Kỹ thuật lái xe ghép vào phần “lý thuyết thực hành”. Bởi vì, cùng đối tượng giáo viên với môn thực hành lái xe; nhiều nội dung trùng lặp và rất gần với phần lý thuyết thực hành lái xe.

Môn Cấu tạo và sửa chữa thông thường nên giảm thời gian học môn này từ 18 giờ xuống còn 8 giờ; đồng thời đổi tên môn học là “Cấu tạo và nguyên lý làm việc các bộ phận chính trên xe ô tô”. Hiện nay, xã hội ngày càng chuyên môn hóa sâu rộng, việc sửa chữa xe ô tô đã có các đơn vị làm dịch vụ đảm nhiệm, người học không có nhu cầu tìm hiểu sâu về cấu tạo và sửa chữa thông thường, người học chỉ có nhu cầu biết tên gọi và nguyên lý làm việc của các bộ phận chính trên xe ô tô.

Môn Pháp luật giao thông đường bộ (90 giờ) nên giảm thời gian xuống còn 80 giờ; ghép môn Đạo đức, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông và phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông vào môn Pháp luật – văn hóa giao thông. Bởi môn Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông có quá nhiều nội dung trùng lặp với môn Pháp luật giao thông đường bộ. Đồng thời, phần mềm mô phỏng thực chất là xử lý các tình huống giao thông đường bộ trên sa hình trước đây, cũng nằm trong phạm vi môn Pháp luật giao thông đường bộ.

Đại đa số người học lái xe hiện nay đang trong độ tuổi lao động, hiện đang làm việc tại các cơ quan công sở, doanh nghiệp và trường học nên quỹ thời gian rất eo hẹp

Đại đa số người học lái xe hiện nay đang trong độ tuổi lao động, hiện đang làm việc tại các cơ quan công sở, doanh nghiệp và trường học nên quỹ thời gian rất eo hẹp

Nội dung phần thực hành

Trong đó, đối với hình thức đào tạo, thực hiện học trực tiếp dưới sự điều hành của cơ sở đào tạo theo đúng chương trình và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Việc đào tạo lái xe đòi hỏi phải có cơ sở vật chất và phương tiện chuyên dụng (xe ô tô, sân tập đủ điều kiện) và giáo viên đủ điều kiện trực tiếp giảng dạy; đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học về thời gian, phương pháp đào tạo, nhu cầu thực tế của người học và nhu cầu thị trường do đặc thù của người học khác nhau (mọi tầng lớp xã hội, trình độ, nhận thức, điều kiện làm việc, cư trú, khả năng tài chính khác nhau), nên việc tổ chức dạy thực hành phải đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân và nhóm học viên theo yêu cầu.

Nội dung và thời gian học cụ thể, đề nghị xem xét giảm số giờ học thực hành lái xe từ 84 giờ/1 học viên xuống còn 43 giờ/1 học viên, bao gồm học trên cabin điện tử, trong hình và ngoài đường trưởng là hoàn toàn tương đồng với quy định về đào tạo lái xe tại Thông tư số 170/2021/TT-BQP ngày 23/12/2021 của Bộ Quốc phòng và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới (có tài liệu gửi kèm). Sau khi điều chỉnh tổng số giờ học thực hành của mỗi học viên, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh đồng bộ và chi tiết thời gian và số km tại các Hạng xe và bài học phù hợp.

- Thực hành lái xe trên cabin điện tử: (03 giờ);

- Thực hành lái xe trong hình (41 giờ, 290 km): Đề nghị giảm thời gian đào tạo trong hình từ 41 giờ xuống còn 20 giờ, không quy định số km trong hình/học viên. Thực tế khi tập trong hình là xe vừa tiến, vừa lùi nên không thể tính toán được số km xe chạy; để hình thành các kĩ năng lái xe cơ bản, đủ điều kiện tham gia tập lái trên hệ thống giao thông công cộng thì học viên chỉ cần tối đa 12 giờ trong sản tập; để hình thành đầy đủ kỹ năng lái xe và thực hiện tốt phần thi tại Trung tâm sát hạch, mỗi học viên cần tập tối đa 8 giờ trên sân tập liên hoàn.

- Thực hành lái xe trên đường (40 giờ, 810 km): Đề nghị không quy định số giờ tập lái trên đường trường hoặc giảm từ 40 giờ xuống 20 giờ. Thực tế thiết bị DAT đã chứng minh xe tập lái chạy tốc độ trung bình trên đường trưởng đạt từ 40 – 45 km/giờ, như vậy với 810 km chỉ mất từ 18 giờ đến 20 giờ

Còn đối với công tác quản lý đào tạo, về lâu dài (khi sửa Luật GTĐB 2008), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu theo hướng: Nhà nước ban hành Chương trình khung (chương trình và giáo trình đào tạo), không thực hiện quản lý sâu về quá trình đào tạo; giao cho các cơ sở đào tạo lái xe ô tô tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong suốt quá trình triển khai tổ chức đào tạo theo Chương trình khung do Nhà nước ban hành; Nhà nước chỉ tập trung quản lý chặt quá trình sát hạch tại Trung tâm sát hạch lái xe (quản lý chặt đầu ra);

Trước mắt, nên xem xét hủy bỏ “Kỳ thi kết thúc khóa học”. Thay vào đó giao cho cơ sở đào tạo thực hiện xét tốt nghiệp. Để được tham gia giao thông hay hành nghề kinh doanh vận tải, người học lái xe bắt buộc phải trải qua kỳ sát hạch lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe và được cấp Giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trong khi đó Chứng chỉ kết thúc khóa học chỉ là điều kiện để được dự kỳ sát hạch lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe, không có giá trị sử dụng để chứng minh trình độ và kỹ năng của người điều khiển phương tiện.

Đề nghị bỏ “Sổ theo dõi thực hành lái xe", vì theo dõi thực hành đã có thiết bị DAT quản lý chính xác và minh bạch hơn. Về “Sổ lên lớp” nên thực hiện hình thức sổ điện tử do cơ sở đào tạo chủ động xây dựng biểu mẫu và đăng ký với cơ quan quản lý. Bởi, đào tạo lái xe là loại hình đào tạo đặc thù: Đặc thù cả về đối tượng người học, nội dung chương trình, hình thức đào tạo, công cụ và phương tiện dạy học; phần Lý thuyết phù hợp với hình thức đào tạo thường xuyên “được thực hiện linh hoạt về chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học"(Khoản 6 Điều 3 Luật GDNN); phần thực hành hoàn toàn trong bãi tập và trên đường giao thông, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và đã được giảm sát bằng thiết bị T. Vì vậy, mẫu “Sổ lên lớp” hiện nay không còn phù hợp với hoạt động đào tạo đa dạng và linh hoạt như hiện nay.

Cho phép các cơ sở đào tạo được hợp đồng sử dụng sân tập lái, xe tập lái và giáo viên của cơ sở khác dù điều kiện để phục vụ cho đào tạo

Cho phép các cơ sở đào tạo được hợp đồng sử dụng sân tập lái, xe tập lái và giáo viên của cơ sở khác dù điều kiện để phục vụ cho đào tạo

Diện tích sân tập lái không phù hợp với thực tế tại thành phố lớn

Ngoài ra, Hiệp hội cũng có một số những kiến nghị nhằm góp ý xây dựng toàn diện Thông tư quy định mới phù hợp với điều kiện thực tế. Xem xét bỏ quy định về điều kiện giáo viên dạy thực hành lái xe phải có trình độ Trung cấp nghề trở lên, bởi các căn cứ và thực tiễn sau: Dạy thực hành lái xe là quá trình truyền đạt và làm mẫu các thao tác của giáo viên để hình thành kĩ năng lái xe cho học viên; hiện trong danh mục đào tạo ngành nghề hệ trung cấp không có mã ngành “Lái xe ô tô”; hiện các cơ sở đào tạo lái xe tuyển giáo viên có trình độ trung cấp thuộc các nghề khác không liên quan gì đến đào tạo lái xe (chủ yếu là để đáp ứng theo quy định), đây là quy định chỉ mang tính hình thức không có tác dụng gì liên quan đến chất lượng đào tạo; tại Khoản 3, Điều 7, Luật GDNN cũng có quy định “Khuyến khích nghệ nhân và người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề nghiệp”; tiêu chuẩn giáo viên thực hành dạy lái xe dân sự nên quy định tương đồng với tiêu chuẩn giáo viên thực hành dạy lái xe quân sự quy định tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư 170/2021/TT-BQP, ngày 23/12/2021 của Bộ Quốc phòng quy định về tiêu chuẩn giáo viên “Giáo viên dạy kỹ thuật lái xe, thực hành lái xe phải có Giấy phép lái xe quân sự tương đương hoặc cao hơn hạng xe đào tạo; có thời gian lái xe từ 03 năm trở lên; đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe và được cấp Giấy phép dạy lái xe".

Do vậy, điều kiện cần và đủ của giáo viên dạy thực hành lái xe phải có Giấy phép lái xe tương ứng trở lên, có đủ thâm niên theo quy định và Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là phù hợp, việc yêu cầu có Bằng trung cấp nghề đối với giáo viên dạy thực hành lái xe là không cần thiết, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo trong việc tuyển dụng giáo viên và lãng phí cho xã hội.

Về cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo lái xe, đề nghị cho phép các cơ sở đào tạo được hợp đồng sử dụng sân tập lái, xe tập lái và giáo viên của cơ sở khác đủ điều kiện để phục vụ cho đào tạo, nhằm tận dụng mọi nguồn lực xã hội dễ đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe, đảm bảo đời sống, thu nhập cho cán bộ giáo viên của các cơ sở đào tạo, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đào tạo lái xe;

Đề nghị cho phép xe tập lái của các cơ sở đào tạo được lưu thông trên mọi tuyến đường giao thông (trừ một số tuyến đường đặc biệt), nhằm đáp ứng tính đa dạng các tình huống giao thông trong quá trình học thực hành lái xe; hạn chế thấp nhất việc ùn tắc giao thông trong trường hợp các xe tập lái dồn vào một số tuyến đường được cấp phép như hiện nay;

Đề nghị xem xét quy định số phòng học lý thuyết phù hợp với số môn học thực tế đã thay đổi, phù hợp với hình thức học và điều kiện giảng dạy của cơ sở đào tạo. Bởi, đối tượng học đa dạng, hình thức học, số môn học đã được điều chỉnh theo kiến nghị ở phần trên;

Đề nghị xem xét lại quy định cứng về diện tích của sân tập lái hiện nay là 8000m2 là không phù hợp với thực tế tại một số địa phương, nhất là tại các thành phố lớn. Do vậy, chỉ nên quy định sân tập lái phải có đủ các bài tập theo quy định, vi điều quan trọng nhất của sân tập lái phải đảm bảo đủ các bài tập theo quy định;

Đề nghị xem xét nên bỏ quy định bài tập lái xe trên đường đồi núi, xe có tải, vì nhiều địa phương không thể có loại đường này và cũng không thể có hàng hóa hoặc người ngồi trên xe để thực tập bài học này, gây khó khăn cho cơ sở đào tạo.

Còn về hiệu lực của “Giấy chứng nhận sức khỏe”: Đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị với Bộ Y tế xem xét tăng thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận sức khỏe từ 06 tháng hiện nay lên 01 năm, bởi vì: Học viên học lái xe Hạng C với thời gian là 4,5 tháng, trước khi làm thủ tục đăng ký nhập học phải có Giấy Chứng nhận sức khỏe theo quy định; hồ sơ của học viên trước khi được dự sát hạch lái xe phải có Giấy Chứng nhận sức khỏe đang còn hiệu lực, nên hầu hết học viên học lái xe các hạng đều phải khám sức khỏe lần thứ hai mới đủ điều kiện dự kỳ sát hạch lái xe do học viên phải khám sức khỏe trước khi làm thủ tục nhập học..

Trên phần mềm DAT của Cục Đường bộ Việt Nam có phần vi phạm về thời gian đăng nhập giữa hai phiên học, khi đăng nhập thiếu thời gian nghỉ giữa hai phiên học của mỗi học viên trong vòng 24 giờ liên tiếp và quá 10 giờ có cảnh báo vi phạm, nhưng vẫn kết luận là học viên đó đáp ứng. Thực tế khi thực hiện thanh kiểm tra tại cơ sở đào tạo lại không công nhận những phiên học này. Vậy đề nghị Cục Đường Bộ Việt Nam yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị DAT điều chỉnh ngay phần mềm quản lý có chức năng từ chối không công nhận kết quả những phiên học trên.

Đề nghị xem xét lại quy định học viên phải đạt yêu cầu môn Pháp luật giao thông đường bộ thì mới học thực hành lái xe là không phù hợp, nên quy định học viên đạt yêu cầu môn Pháp luật giao thông đường bộ trước khi học thực hành lái xe trên đường; môn lý thuyết thực hành lái xe thì học thực hành đến phần nào thì dạy phần đó là phù hợp với thực tế.

Điều khoản chuyển tiếp trong Thông tư mới

Để bảo đảm tính thống nhất khi có sự khác nhau trong quy định của Thông tư 12 và Thông tư mới, đồng thời hạn chế hậu quả phát sinh từ những quy định bất cập, bất khả thi của Thông tư 12 như đã đánh giá ở phần trên; đồng thời đảm bảo quyền lợi của học viên tham gia các khóa học giữa 2 thời điểm hiệu lực của 2 Thông tư. Cụ thể, số học viên đã đăng ký học tại các khóa trước đây nhưng chưa dự thi sát hạch, số học viên không thể thực hiện đúng như Thông tư 12 vì lý do bất khả kháng (thực hành đủ 41 giờ trong hình nhưng không đủ 290 km, thực hành đủ 810 km nhưng không đủ 40 giờ, không thể học 5 học viên/1 xe/1 giáo viên như trong Sổ theo dõi thực hành...vv).

Điều khoản chuyển tiếp trong Thông tư mới nên xem xét xây dựng theo tinh thần quy định tại Khoản 4, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới”.

Nguyên Ý
Triển khai giải pháp để người dân đi lại thuận lợi dịp lễ 30/4 - 01/5
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và cao điểm du lịch hè năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lộ trình mới cho tài xế qua hầm Bãi Gió
Hiện tại, hầm đường sắt Bãi Gió trên tuyến đường sắt Bắc- Nam, qua địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bị sụt lún đất đá từ đỉnh vòm hầm và đang tiếp tục sụt lún, diễn biến phức tạp.

Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện một tài xế xe container vi phạm nồng độ cồn
Đêm 12/4, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2 (Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về chuyên đề tốc độ, nồng độ cồn, và ma tuý.

Bắc Giang tăng cường công tác đảm bảo TTATGT cho học sinh
Thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Công an thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức cho phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4 - 1/5
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Quảng Bình: Tăng cường quản lý đường ngang, lối mở qua đường sắt
Để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình tăng cường thực hiện nhiều giải pháp, không để xảy ra vi phạm trong việc mở đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt.

Hải Phòng tiếp tục siết kiểm soát trật tự ATGT đoạn tuyến QL5, QL10 và đường sắt qua địa bàn
Chiều qua, 01 tháng sau chỉ đạo lập lại trật tự ATGT đoạn tuyến QL5, QL10 và đường sắt qua địa bàn, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Ban ATGT TP và đoàn công tác đã kiểm tra thực địa các tuyến đường này.