Cục Đường bộ thông tin về Giấy phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ về tháo gỡ vướng mắc ách tắc trong việc cấp giấy phép lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường - siêu trọng và xe quá khổ chở ô tô - xe máy.
Cục Đường bộ Việt Nam ngày 18/4 vừa cho biết, thời gian qua đã nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí có thông tin về các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GPLHX vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (ST-ST) và xe quá khổ giới hạn chở ô tô dẫn đến ùn tắc hàng hóa tại các đầu mối hàng hóa (bến cảng, cửa khẩu, nhà máy…).
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc cấp GPLHX được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt nhằm phục vụ phát triển KTXH và bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình. Hiện nay, công tác cấp GPLHX đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT (Thông tư số 46) ngày 07/9/2015 của Bộ GTVT và các quy định có liên quan.
Đối với cấp GPLHX quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn chở hàng STST, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, việc cấp GPLHX vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư 46; Các Khu QLĐB, Sở GTVT hiện vẫn đang giải quyết thủ tục cấp GPLHX bình thường theo quy định. Cục ĐBVN đã yêu cầu các Khu QLĐB, Sở GTVT tăng cường bố trí cán bộ, công chức đủ năng lực tiếp nhận và giải quyết thủ tục cấp GPLHX theo quy định, đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu vận tải của doanh nghiệp và người dân.
Cục ĐBVN sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có). Cục ĐBVN cũng đề nghị tổ chức, cá nhân phát hiện có nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc khó khăn vướng trong công tác cấp GPLHX không đúng quy định thì phản ánh về Cục ĐBVN qua Đường dây nóng số 1900 599870 nhánh số 1 hoặc Ứng dụng “DRVN – Cục Đường bộ Việt Nam” (có trên mobile, tổng đài, email, ứng dụng Zalo, Facebook) để giải quyết, xử lý kịp thời.
Đối với xe quá khổ giới hạn lưu thông chở hàng hóa là ô tô, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin hiện nay, việc cấp GPLHX quá khổ giới hạn để chuyên chở ô tô chưa được quy định trong Thông tư 46 do bản thân hàng hóa ô tô không phải hàng STST và có thể thực hiện vận chuyển ô tô bằng các phương tiện khác có kích thước nhỏ hơn (không phải là phương tiện quá khổ giới hạn) và phương thức vận chuyển khác (đường thủy, hàng hải, đường sắt…).
"Trong thời gian để nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan, để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH gắn với bảo đảm ATGT, an toàn công trình; thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT..., Cục đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT đề nghị xem xét và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp GPLHX đối với xe quá khổ giới hạn chở ô tô trong khoảng thời gian 03 tháng (từ 19/4/2023 đến 19/7/2023) với một số điều kiện cụ thể về kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện lưu thông (ban ngày, ban đêm, giờ cao điểm, …). Quá trình thực hiện cấp GPLHX chở ô tô trong thời gian khoảng 03 tháng sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để Cục ĐBVN nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản QPPL liên quan đến cấp GPLHX", Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Trước đó, ngày 6/4, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ về việc tháo gỡ vướng mắc ách tắc trong việc cấp giấy phép lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường - siêu trọng và xe quá khổ chở ô tô - xe máy.
Hiệp hội thông tin, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền về cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn gần như không còn cấp phép từ khoảng giữa tháng 3 cho đến nay (đầu tháng 3 còn một số ít Sở GTVT, Khu QLĐB còn cấp phép).
Hiệp hội lo ngại, trước tình hình trên nếu không được giải quyết sớm sẽ gây những hệ lụy to lớn cho nền kinh tế, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiến độ đầu từ xây dựng các công trình, ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư; trực tiếp là các doanh nghiệp vận tải có nguy cơ bị phạt theo hợp đồng kinh tế do không thực hiện được hợp đồng vận tải đã ký kết.
Nhu cầu vận chuyển trên 500.000 ô tô; hàng triệu xe máy từ nơi sản xuất lắp ráp, các cảng biển đến các đại lý; việc vận chuyển từ nhiều năm nay bằng các phương tiện ô tô chuyên dùng (sơmi rơmoóc quá khổ). Việc cấp giấy phép lưu hành xe để vận chuyển các loại hàng nói trên là tất yếu vì cho dù có vận chuyển qua các phương thức vận tải khác thì vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ để giải quyết vận chuyển từ nơi sản xuất, cửa khẩu đến ga, cảng và từ ga, cảng đến điểm cuối cùng.
Để đáp ứng nhu cầu nói trên, theo nhu cầu của thị trường qua quá trình phát triển, hiện nay đã hình thành hàng trăm Công ty chuyên vận tải các loại hàng ST- ST, các đơn vị đã đầu tư hàng ngàn phương tiện chuyên dùng như sơmi rơmoóc có nhiều trục, có nhiều module để ghép nối với nhau phù hợp với cấu kiện hàng và không gây quá tải lên mặt đường và cầu...
Đối với vận chuyển ô tô, xe máy cũng có hàng chục doanh nghiệp với hàng trăm xe chuyên dùng, có kích thước thùng xe theo chiều rộng là 2,78m (vượt quá quy định là 0,28m) còn chiều dài và chiều cao đều trong phạm vi kích thước tiêu chuẩn. (Việc kích thước chiều rộng xe lớn hơn kích thước tiêu chuẩn là do nhu cầu chở nhiều loại ô tô, trong đó loại ô tô > 7 chỗ thì phải có kích thước như vậy mới chở được).
Các phương tiện nói trên đều theo tiêu chuẩn hoặc thông lệ Quốc tế được nhập khẩu vào Việt Nam; hoặc sản xuất lắp ráp tại Việt Nam đều được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu, hoặc sản xuất trong nước và được kiểm định theo quy định và đã hoạt động trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện nay Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng có thể chở bằng ô tô thường và không phải cấp giấy phép lưu hành. Điều này là không phù hợp vì như vậy chi phí sẽ tăng rất cao, tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng ô nhiễm môi trường vì ô tô thông thường chỉ chở 1 - 2 xe còn phương tiện đang sử dụng chở được 6 xe.