Phải thay đổi nhận thức, hành vi người tham gia giao thông
Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại cuộc họp vừa qua với các Bộ, ngành và 15 tỉnh, thành phố về hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ...
Tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến ngày 6/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng với các Bộ, ngành và 15 tỉnh, thành phố về hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Xử phạt nặng nhóm hành vi vi phạm gây nguy hiểm cho xã hội
Theo báo cáo của Bộ Công an (cơ quan soạn thảo), Nghị định xử phạt hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có phạm vi điều chỉnh: Hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền.
Quy định áp dụng biện pháp từ điểm Giấy phép lái xe; mức điểm trừ đối với từng hành vi; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Dự thảo Nghị định kế thừa, hoàn thiện các quy định đã ổn định về xử phạt hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có; bổ sung các hành vi vi phạm mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong quá trình xây dựng, Bộ Công an đã giải trình, tiếp thu các ý kiến tại báo cáo thẩm định về sự phù hợp với Bộ luật Hình sự nhằm tránh hành chính hoá hành vi phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi vi phạm hành chính; áp dụng hình thức phạt bổ sung; tạm giữ phương tiện, giấy tờ của người điều khiển và phương tiện vi phạm.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, một trong những điểm mới là dự thảo Nghị định đã nâng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe đối với nhóm hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đã được phân tích, đánh giá qua thực tiễn như: Không chấp hành quy tắc giao thông; vi phạm quy định điều khiển phương tiện; liên quan đến vận tải đường bộ; ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước; mang tính chất gây rối trật tự công cộng, đua xe…
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định công khai danh tính người vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường phát hiện, xử phạt đối với các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông như xử lý vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua; tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi đến từng hộ dân…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, các nhà trường cần lồng ghép các bài giảng, tổ chức chuyên đề, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho học sinh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nguy cơ, tác hại nếu không chấp hành an toàn giao thông; phối hợp cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh, "khi học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông cần gửi thông báo về nhà trường, gia đình".
Đại diện UBND TPHCM đề nghị có chế tài xử lý đối tượng và phương tiện tham gia hành vi cổ suý lạng lách, đua xe; bổ sung chế tài tịch thu thùng lôi, kéo gắn vào xe máy, xe gắn máy.
Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã thảo luận, trao đổi về sự phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính; tính thống nhất, đồng bộ trong dự thảo Nghị định và với các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Có cơ chế quản lý riêng, phù hợp với từng phương tiện
Từ thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra đối với người đi bộ khi qua đường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Nghị định phải làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông, tôn trọng pháp luật, tính mạng của người khác, "chấn chỉnh, xử lý nghiêm từ những hành vi vi phạm nhỏ nhất".
Nghị định cũng cần quy định trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương trong quản lý hạ tầng giao thông, tổ chức hoạt động giao thông (đèn tín hiệu, phân luồng, cắm biển báo), kiểm định phương tiện giao thông,… "Luật quy định nơi qua đường dành cho người đi bộ phải kẻ vạch, phải có biển báo, hoặc đèn tín hiệu nhưng chưa có thì cơ quan nào chịu trách nhiệm", Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Đối với những phương tiện thông minh, máy móc, thiết bị giao thông công nghệ mới phải có cơ chế quản lý riêng, phù hợp, "không biết thì phải có cách quản lý chứ không được cấm".
Liên quan đến công tác quản lý học sinh sử dụng phương tiện xe gắn máy, xe máy tham gia giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu quy định việc giảng dạy, hướng dẫn học sinh về pháp luật, nhật thức trật tự an toàn giao thông, kỹ năng điều khiển xe gắn máy, "có nội dung chương trình, địa điểm cụ thể", gắn với trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục.
Về việc xử lý các hành vi lạng lách, đua xe, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ngoài việc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, cần nghiên cứu quy định tịch thu và xử lý phương tiện vi phạm; lập đường dây nóng, triển khai các giải pháp ngăn chặn ngay từ khi các đối tượng chưa tập hợp để đua xe…
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về xử lý các hành vi vi phạm nhằm chấn chỉnh giao thông trên đường cao tốc; quản lý hoạt động vận tải hàng hoá, hành khách theo tuyến.
Không giao xe máy cho học sinh chưa được hướng dẫn lái xe an toàn
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sau cuộc họp do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, ngày 29/10, Bộ Công an đã chủ trì, làm việc với các bộ, ngành để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định, tập trung vào một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, dự thảo Nghị định đã bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục trong việc quản lý học sinh sử dụng phương tiện xe máy tham gia giao thông. Trong đó, nhà trường, gia đình phối hợp nhắc nhở, giám sát học sinh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện và chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của trường phổ thông.
Bộ Công an cũng rà soát các nội dung quy định cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông bảo đảm đầy đủ, liên thông đồng bộ với các cơ quan chức năng khác để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao thông, thuận tiện để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông tiến tới giảm hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trực tiếp của lực lượng cảnh sát giao thông.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thống nhất cụ thể quy định về trách nhiệm, thẩm quyền trong phân loại, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông thông minh; cấp phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh…
Về Quỹ giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ, các bộ: Công an, Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan đã thống nhất xây dựng dự thảo Nghị định quy định riêng, trình Chính phủ trước ngày 30/6/2025.