Thêm kiến nghị quan trọng hoàn thiện Nghị định về vận tải đường bộ
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn số 123 /CV-HHVT ngày 12/10/2024 gửi Bộ GTVT và Bộ Tư pháp để đề xuất thêm nhiều kiến nghị quan trọng nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về vận tải đường bộ trước khi trình Chính phủ.
Trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ về hoạt động vận tải đường bộ, VATA đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, được Ban soạn thảo và Tổ biên tập ghi nhận và đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, khi bản dự thảo được trình lên Hội đồng thẩm định họp vào ngày 11/10/2024 tại Bộ Tư pháp, các doanh nghiệp hội viên vẫn còn nhiều kiến nghị về 4 nội dung quan trọng nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và nâng cao hiệu quả trong hoạt động vận tải ô tô. Trên cơ sở đó, Hiệp hội bổ sung thêm các kiến nghị cụ thể tới Bộ GTVT và Bộ Tư pháp như sau:
Trước hết, về Khoản 10 Điều 3 dự thảo là: "Bộ phận quản lý an toàn giao thông của đơn vị vận tải là bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi và quản lý công tác an toàn kinh doanh vận tải của đơn vị; phải có người trực tiếp điều hành vận tải và nhân lực đảm bảo an toàn giao thông cho lái xe, xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia hoạt động vận tải đường bộ.", VATA cho rằng, dự thảo như trên là không bao quát và phù hợp thực tiễn. Lý do vì các đơn vị vận tải hiện nay có quy mô và tổ chức đa dạng (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) những đơn vị lớn có tổ chức phòng ban an toàn giao thông riêng; có nơi gắn với phòng điều hành vận tải; có nơi chỉ có 1 người theo dõi phụ trách công tác này; đặc biệt các hộ kinh doanh vận tải (hiện vẫn chiếm trên 50% lực lượng vận tải) thì đa số chủ hộ đồng thời là lái xe và với 1 ÷ 2 xe thì không thể có bộ phận hay 1 nhân sự quản lý an toàn giao thông; trong trường hợp này, chủ hộ hay người lái xe phải thực hiện chịu trách nhiệm công tác đảm bảo an toàn giao thông trong đơn vị.
Vì vậy, VATA kiến nghị sửa nội dung này như sau: "Bộ phận quản lý an toàn giao thông của đơn vị vận tải là tổ chức, hoặc cá nhân được đơn vị vận tải giao nhiệm vụ tổ chức triển khai, duy trì, theo dõi, chấn chỉnh hoặc báo cáo người có thẩm quyền chấn chỉnh các vi phạm về công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình quản lý, điều hành vận tải và quá trình đảm bảo về điều kiện an toàn của kỹ thuật, phương tiện, điều kiện và việc thực thi pháp luật giao thông của người lái xe trước và trong quá trình điều khiển phương tiện."
Tiếp theo, liên quan đến điểm b Khoản 4 Điều 4 về quy định phù hiệu xe, VATA nhận thấy cần có sự linh hoạt trong việc thay đổi hành trình chạy xe. Tại điểm b Khoản 4 Điều 4 dự thảo là: “Phải có phù hiệu; xe tuyến cố định và được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí tem kiểm định mặt trong kính chắn gió phía trước của xe”. Nhưng hiện nay, nhiều đơn vị vận tải phản ánh ở một số Sở GTVT không cho thay đổi hành trình chạy xe mà đơn vị vận tải đã đăng ký trước đó; trong khi mạng lưới giao thông đã phát triển, nhiều đơn vị muốn đi theo đường cao tốc nhưng khác với hành trình đã đăng ký trước đó và dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xác định có vi phạm hành trình...
Xét thấy cần tạo điều kiện cho các đơn vị có giải pháp kinh doanh phù hợp yêu cầu của thị trường và điều kiện hạ tầng đã được cải thiện, Hiệp hội đề nghị bổ sung nội dung sau vào điểm b Khoản 4 Điều 4: Trường hợp đơn vị vận tải có nhu cầu thay đổi hành trình chạy xe thì có văn bản báo cáo Sở GTVT nơi đã cấp phù hiệu để được điều chỉnh hành trình chạy xe phù hợp.
Bên cạnh đó, về Khoản 2 Điều 17 quy định về hợp đồng vận tải, VATA cho rằng yêu cầu ghi chi tiết thông tin về lái xe và phương tiện trong hợp đồng là không khả thi. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 17 quy định hợp đồng vận tải hàng hóa, hành khách (bao gồm cả hợp đồng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử) tại điểm b yêu cầu phải có thông tin về lái xe: họ và tên; số định danh cá nhân (số căn cước công dân); số điện thoại, số giấy phép lái xe; và tại điểm d yêu cầu phải có thông tin về xe: biển kiểm soát và sức chứa (trọng tải). VATA đề nghị bỏ 2 nội dung này trong dự thảo vì không có tính khả thi; lý do là khi ký kết hợp đồng vận tải, đơn vị vận tải trong nhiều trường hợp (nhất là các đơn vị vận tải có nhiều xe) chưa biết là sẽ bố trí cụ thể xe nào thực hiện hợp đồng đang ký kết.
Việc bố trí xe nào, lái xe nào là việc của đơn vị vận tải, miễn là xe đó, phù hợp với yêu cầu của người thuê vận tải mà trong hợp đồng đã thể hiện. Đương nhiên đơn vị vận tải phải bố trí xe và lái xe đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, đối với Điều 23 về quản lý sử dụng, cấp, cấp lại và thu hồi phù hiệu, VATA nhận thấy nội dung còn dài và phức tạp (4,5 trang), VATA đề nghị nghiên cứu để cơ cấu lại; giảm bớt sự trùng lắp, tách đối tượng quản lý (xe kinh doanh và không kinh doanh)... để văn bản gọn, mạch lạc, dễ nhớ, dễ tra cứu và trích dẫn hơn.
Về nội dung cụ thể:
Tại Khoản 9 Dự thảo là Sở GTVT, thực hiện cấp phù hiệu... VATA kiến nghị xác định rõ: Sở GTVT nơi đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải thực hiện việc cấp phù hiệu và thu hồi phù hiệu nếu có vi phạm, nếu ghi chung chung như dự thảo thì không quản lý được và sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.
Tại khoản 2 (đề nghị sửa lại là Khoản 3 vì trong dự thảo đang bị nhầm) đang dự thảo việc cấp phù hiệu cho các xe vận chuyển nội bộ với 5 đối tượng được cấp. Tuy nhiên, mục đích, ý nghĩa của việc cấp phù hiệu cho đối tượng này như thế nào chưa rõ trong khi đối tượng cấp là rất lớn; biên chế và quỹ thời gian xử lý công việc của công chức ở các Sở Giao thông có hạn... VATA đề nghị giải trình rõ thêm về sự cần thiết, tính khả thi của quy định này.
Những đề xuất trên của VATA đều xuất phát từ thực tiễn hoạt động của ngành vận tải đường bộ. Việc điều chỉnh các quy định theo hướng linh hoạt và phù hợp hơn sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu an toàn giao thông. Hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ xem xét kỹ lưỡng những kiến nghị này để hoàn thiện dự thảo Nghị định, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành vận tải đường bộ Việt Nam.