VATA tiếp tục góp ý về quy định hoạt động vận tải đường bộ
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn số 107/CV-HHVT ngày 30/9/2024 gửi Bộ Giao thông vận tải về việc góp ý Dự thảo (lần 2) Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
Sau khi nghiên cứu dự thảo (lần 2) Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam góp ý một số nội dung như sau:
Tại Khoản 10 Điều 3, dự thảo là: “Bộ phận quản lý an toàn của đơn vị kinh doanh vận tải là bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi và quản lý công tác an toàn kinh doanh vận tải của đơn vị; phải có người trực tiếp điều hành vận tải và nhân lực đảm bảo an toàn giao thông cho lái xe, xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia hoạt động vận tải đường bộ". Theo VATA, Dự thảo nêu trên là không phù hợp vì bộ phận quản lý an toàn giao thông và bộ phận điều hành vận tải có thể là chung với nhau, có thể là 2 bộ phận riêng biệt, đối với hộ kinh doanh thì có thể chỉ là 1 người.
Vì vậy, VATA đề nghị sửa lại như sau: Bộ phận quản lý an toàn giao thông của đơn vị vận tải là tổ chức hoặc cá nhân được đơn vị vận tải giao nhiệm vụ tổ chức triển khai, duy trì, theo dõi, chấn chỉnh hoặc báo cáo người có thẩm quyền chấn chỉnh các vi phạm về công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động vận tải và quá trình điều khiển phương tiện của lái xe.
Tại Khoản 17 Điều 3, dự thảo là: “Người điều hành vận tải là người có trình độ chuyên môn về vận tải, có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải hoặc đường bộ trở lên.” Nội dung dự thảo như trên là không phù hợp vì nội dung như dự thảo là tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của người điều hành vận tải.
VATA đề nghị sửa lại như sau: “Người điều hành vận tải là người được giao nhiệm vụ bố trí phương tiện, người lái xe đủ điều kiện hoạt động trên đường giao thông công cộng để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển người, hàng hoá theo yêu cầu của chủ hàng hoặc hành khách”.
VATA đề nghị bổ sung điểm b Khoản 3 Điều 4: Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải có nhu cầu thay đổi hành trình chạy xe trên tuyến thì được đăng ký lại hành trình chạy xe để cơ quan quản lý cập nhật, điều chỉnh lại hành trình chạy xe cho phù hợp.
Tại Khoản 6 Điều 7, dự thảo là: “Vận tải hành khách theo hợp đồng, vận chuyển sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc.
a. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng ký hợp đồng vận tải bằng văn bản đối với người thuê vận tải;
b. Lái xe chỉ được đón, trả sinh viên, cán bộ công nhân viên theo đúng địa điểm trong hợp đồng đã ký kết; vận chuyển đúng đối tượng (sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc) và không phải thực hiện các nội dung được quy định tại điểm b Khoản 3, điểm b điểm c Khoản 4 điều này”.
Dự thảo nêu trên là không bao quát hết các đối tượng được điều chỉnh và dài dòng. VATA đề nghị sửa lại theo hướng hợp đồng vận tải hành khách có 2 loại: hợp đồng theo định kỳ chở cán bộ công nhân viên, chuyên gia... và hợp đồng theo chuyến. Theo đó, xe vận chuyển khách hợp đồng theo định kỳ thì không phải mang theo hợp đồng vận tải và danh sách hành khách.
Tại Khoản 5 Điều 8, dự thảo là: “... phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải”. VATA đề nghị xem lại nội dung dự thảo này: ý tưởng của cơ quan soạn thảo là yêu cầu niêm yết thông tin gì? Niêm yết để làm gì? Vì sao các xe khác không phải niêm yết mà xe ô tô đầu kéo lại phải niêm yết? Chi phí cho việc thực thi này là bao nhiêu? Nếu không làm rõ được thì đề nghị bỏ nội dung này.
Về nội dung dự thảo tại Khoản 2 Điều 17: Theo đó, tại điểm b yêu cầu trong hợp đồng vận tải phải ghi “Họ và tên lái xe, số định danh cá nhân (số căn cước công dân), số điện thoại, số giấy phép lái xe.” và tại điểm d dự thảo yêu cầu phải có “thông tin về xe: biển kiểm soát và sức chứa (trọng tải)”. Đây là quy định không có tính khả thi vì khi ký hợp đồng vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải trong nhiều trường hợp chưa xác định được sẽ bố trí cụ thể xe nào sẽ được bố trí để thực hiện hợp đồng vận chuyển đang được dự thảo đàm phán, ký kết.
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 25, dự thảo là: “Sử dụng xe ô tô có gắn động cơ phải...” có nhầm lẫn giữa xe ô tô với xe 4 bánh có gắn động cơ, đề nghị xem để sửa cho phù hợp.
Tại Điều 24, quy định về quản lý, sử dụng, cấp, cấp lại và thu hồi phù hiệu. Để phù hợp, VATA đề nghị sửa lại tiêu đề là: Quy định về cấp, cấp lại, quản lý sử dụng phù hiệu.
Về lựa chọn phương án trong dự thảo, VATA đề nghị lựa chọn phương án 2.