Hàng không sắp "bay vào mùa xuân"
Đánh giá về tiềm năng ngành hàng không nửa cuối năm 2022, giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ cao hơn nửa đầu năm. Có nhiều yếu tố được đưa ra với nhận định này.
Kết quả kinh doanh quý III/2022 các hãng bay vừa công bố có nhiều điểm khác biệt. Mặc dù doanh thu tăng mạnh và kết quả kinh doanh khả quan hơn nhưng Vietnam Airlines vẫn còn lỗ; Bamboo Airways lỗ 9 tháng còn cao hơn cả năm 2021. Trong khi, Vietjet có hơn 4.100 tỷ đồng doanh thu phụ trợ như bán đồ ăn, quảng cáo; ACV ngược dòng lãi đậm nhờ chênh lệch tỷ giá,...
Song, nhìn chung các doanh nghiệp hàng không kỳ vọng thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.
Vietnam Airlines từng bước phục hồi kinh doanh
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ công ty mẹ đạt 14.651 tỷ đồng, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lỗ gộp chỉ còn 268 tỷ đồng, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh giảm còn 2.217 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, Vietnam Airlines lỗ 2.210 tỷ đồng, tương ứng giảm 20%.
Hợp nhất toàn tổng công ty, Vietnam Airlines lỗ 2.546 tỷ đồng, giảm 28% so với quý III/2021. Lũy kế 9 tháng năm 2022, Tổng công ty báo lỗ 6.867,9 tỷ đồng, giảm 34%.
Bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền 13.034 tỷ đồng, tăng 1.678 tỷ đồng so với con số đầu năm. Tổng cộng tài sản 62.576 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho biết, lỗ hợp nhất quý III giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu nhờ công ty mẹ giảm lỗ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags đều kinh doanh có lãi. Đây là kết quả bước đầu khả quan sau khi Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga- Ukraine và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 3 và 09 tháng đầu năm 2022. Theo Vietnam Airlines, hàng không quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh Tổng công ty sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.
Bamboo Airways ước lỗ hơn 3.500 tỷ đồng
Quý III/2022, Công ty CP Tập đoàn FLC ( FLC) mang về hơn 430 tỷ đồng doanh thu, giảm 70% so với cùng kỳ. Giá vốn là hơn 525 tỷ đồng khiến FLC bị lỗ gộp hơn 96 tỷ đồng.
Được biết, FLC tiếp tục ghi nhận khoản lỗ hơn 317 tỷ đồng từ việc đầu tư vào các đơn vị liên doanh, liên kết chủ yếu trong mảng hàng không và dịch vụ khách sạn. FLC vẫn phải trích lập dự phòng đầu tư cho các đơn vị liên doanh liên kết, khiến chi phí tài chính công ty mẹ quý III lên tới hơn 512 tỷ đồng, tăng 259% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, FLC bị lỗ sau thuế 785 tỷ đồng trong quý III/2022 và lỗ lũy kế đến hết 30/9 là hơn 1.891 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, khoản đầu tư của FLC vào Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với giá gốc 4.015 tỷ đồng đang bị lỗ 1.269 tỷ đồng. Trước đó, báo cáo tài chính quý II/2022 của FLC cho biết lỗ lũy kế của FLC do khoản đầu tư vào Bamboo Airways tính đến các thời điểm cuối kỳ là 955 tỷ đồng. FLC đang nắm 21,7% vốn cổ phần của Bamboo Airways do đó, ước tính lũy kế 9 tháng 2022, Bamboo Airways lỗ 3.537 tỷ đồng. Mức lỗ này lớn hơn nhiều so với khoản lỗ gần 2.300 tỷ đồng của cả năm 2021.
Vietjet lãi nhờ bán quảng cáo, đồ ăn
Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJC) là một trong những hãng hàng không dẫn đầu về xu hướng phục hồi trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng doanh thu vượt trội so với mức trung bình 150% trong 9 tháng năm 2022 và đa số các hãng hàng không vẫn chưa có lợi nhuận.
Vietjet ghi nhận doanh thu 10.256 tỷ đồng riêng lẻ và 11.600 tỷ đồng hợp nhất, tăng lần lượt 652% và 337% so với cùng kỳ quý III/2021. Tính đến cuối tháng 9, Vietjet có tổng tài sản là 67.470 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn là 1,1 lần, nằm trong nhóm có chỉ số tốt trong ngành hàng không thế giới.
Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động phụ trợ (phí hành lý, bán đồ ăn, quảng cáo trên máy bay...) lại chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng cơ cấu, với hơn 4.100 tỷ đồng (đóng góp 35%), tăng 13% so với quý trước, lấn át các mảng còn lại. Trong khi đó, doanh thu từ mảng chính là vận chuyển khách nội địa đạt hơn 3.400 tỷ đồng (29%), mảng vận chuyển khách quốc tế với gần 1.200 tỷ đồng (10%).
Về lợi nhuận sau thuế TNDN, Vietjet ghi nhận lợi nhuận âm 767 tỷ đồng (Công ty mẹ) và 43 tỷ đồng (Hợp nhất). Nguyên nhân chính đến từ chi phí nhiên liệu bay tăng cao, bình quân 130 USD/thùng so với mức trung bình 80 USD/thùng năm 2019.
Vietravel lỗ vì hàng không
Trong kỳ, Vietravel có doanh thu đạt 1.479 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh đạt 145 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 44 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết, cụ thể là hãng bay Vietravel Airlines. Tuy nhiên, VTR vẫn đạt gần 7 tỷ lợi nhuận ròng, cải thiện so với cùng kỳ.
Mảng du lịch có sự hồi phục đáng kể so với dự báo với doanh thu đạt gần 1.500 tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch đã đặt ra và tăng 25% so với kết quả kinh doanh của cả 6 tháng đầu năm 2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, VTR ghi nhận doanh thu 2.681 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Dù lợi nhuận gộp thu về 282 tỷ đồng nhưng gánh lỗ gần162 tỷ từ công ty liên doanh liên kết và lỗ tài chính khiến VTR lỗ ròng 108 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 485 tỷ đồng.
VTR cho biết, so với quý III/2021 phải giãn cách chống Covid-19, thì quý này nhờ mở cửa du lịch cũng như rơi vào cao điểm dịp hè, chỉ tính riêng mảng du lịch thì doanh thu VTR gần 1.500 tỷ đồng, gấp 26 lần cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận từ mảng du lịch đạt hơn 144 tỷ đồng.
Với mảng hàng không, lợi nhuận từ các đường bay nội địa của Vietrave Airlines đang triển khai vẫn chưa bù đắp được cho các khoản chi phí, do vậy khi hợp nhất số liệu làm Công ty chỉ còn lãi thấp. Hiện, Vietravel Airlines đang trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp phép để mở rộng đường bay quốc tế vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Với các đường bay quốc tế được đưa vào khai thác, Vietravel Airlines nhiều khả năng cân đối được chi phí và tạo được lợi nhuận cho VTR.
ACV lãi đậm nhờ chênh lệch tỷ giá
Ngược lại với bức tranh lợi nhuận, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - Công ty CP (ACV) mang về 917 tỷ đồng doanh thu tài chính trong quý này, tăng 98% so với cùng kỳ. Nguồn thu tài chính đột biến trong kỳ đến từ khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 470 tỷ đồng, tăng gấp 25 lần cùng kỳ.
Các hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, trong khi lượng khách du lịch còn rất hạn chế.
Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt, do các quốc gia này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau”.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không
Tính chung 9 tháng năm 2022, ACV thu về 3.486 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó khoản lãi chênh lệch tỷ giá là 2.214 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, ACV có khoản nợ vay tổng cộng gần 11.363 tỷ đồng đều bằng đồng yen Nhật (khoảng 67 triệu yen). Trong bối cảnh đồng yen liên tục mất giá so với VND từ đầu năm tới nay đã giúp công ty ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá hàng trăm tỷ đồng đối với khoản vay nói trên.
Ngoài ra, nguồn thu tài chính của ACV cũng ghi nhận khoản lãi tiền gửi 413 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. ACV ghi nhận doanh thu quý III/2022 đạt 4.187 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần cùng kỳ năm 2021. Theo đó, ACV báo lãi ròng 2.397 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, ACV đạt 9.725 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 156% và lãi ròng 5.838 tỷ đồng, gấp gần 12 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không nhận định, hàng không Việt Nam đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, trong khi lượng khách du lịch còn rất hạn chế. Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt, do các quốc gia này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau.
Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đưa ra những phân tích cụ thể và khẳng định: "Thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc, biểu hiện ở việc thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước năm 2022 tăng 12% so với năm 2019".
Trong khi đó, vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng nhưng nội địa giảm. Doanh thu của ngành được đánh giá là không tương ứng do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên.
Trước đó, vào tháng 11/2021, Vietnam Airlines từng xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1. Tuy nhiên sang năm 2022, bình quân 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu lên tới 116 USD/thùng Jet A1, đến tháng 7 là 165 USD/thùng Jet A1, gấp đôi dự kiến. Nguyên nhân trên dẫn tới thực trạng các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.
Bên cạnh đó, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ thì các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Đánh giá về tiềm năng ngành hàng không nửa cuối năm 2022, giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ cao hơn nửa đầu năm, dựa trên ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhu cầu đi lại trong nước có xu hướng hồi phục mạnh.
Tháng 7 vừa qua, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt. Trong đó, lượng khách trên các chuyến bay nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt hành khách, tăng bùng nổ 40,3% so với cao điểm hè tháng thời điểm trước đại dịch (tháng 7/2019) và tăng gần 6% so với tháng trước. Năm 2022, lượng hành khách trong nước ước tính đạt 89 triệu lượt khách, tăng mạnh mẽ 200% so với cùng kỳ và tăng 20% so với thời điểm trước dịch vào năm 2019.
Thứ hai, khách quốc tế ước tính tăng dần đến cuối năm. Những tháng đầu năm, khách quốc tế chỉ đạt trên 10% trước dịch do Việt Nam nới lỏng các quy định, không còn kiểm soát biên giới hay cách ly, xét nghiệm Covid-19.
Thứ ba, nhu cầu tăng giúp các hãng hàng không chuyển chi phí nhiên liệu cho khách hàng, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ. Nếu giá dầu bình thường hóa có thể giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận của các hãng hàng không trong năm nay.