Chuyên mục


Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngập, lụt vì đâu?

10/08/2023 14:13 (GMT +7)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cử Tổ công tác kiểm tra, đánh giá nguyên nhân gây ngập lụt tại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Công văn số 6075/VPCP-CN ngày 9/8/2023 của Văn phòng Chính phủ nêu: Ngày 29/7/2023, trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã xảy ra tình trạng ngập nước làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện.

Ô tô bị nước cuốn trôi trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vào sáng 29/7

Ô tô bị nước cuốn trôi trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vào sáng 29/7

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cử Tổ công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá đầy đủ, khách quan các nguyên nhân gây ngập lụt tại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (từ thiết kế, tính toán cao độ đường, thi công, phương án thoát nước,...) và đề xuất các giải pháp khắc phục, báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 20/8/2023.

Ngay lập tức, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã có văn bản thông báo kết quả kiểm tra ban đầu về sự việc ngập cục bộ tại lý trình km25+419 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân gây ngập là do đoạn tuyến nằm sát sông Phan, phía thượng lưu có đập Sông Phan cách vị trí ngập 8,6 km. Các đập nói chung sau khi đưa vào vận hành, dòng chảy phía hạ lưu thường có biến đổi. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia đánh giá từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan lòng sông, suối có hệ thực vật xâm lấn, bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy, gây dềnh ứ nước cục bộ dẫn đến mực nước tại khu vực cống dâng cao, gây ngập đường.

Mô phỏng đoạn đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập tại km25+419

Mô phỏng đoạn đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập tại km25+419

Các chuyên gia thống nhất đánh giá đây là tuyến mới, khu vực tuyến đi qua tại thời điểm khảo sát dân cư thưa thớt, việc điều tra số liệu thủy văn khó khăn, tư vấn chưa lường hết được việc thu hẹp dòng chảy phía hạ lưu cống dẫn đến dềnh ứ nước cục bộ. Các chuyên gia cũng đều thống nhất đánh giá việc tính toán cao độ thiết kế theo tần suất 1% tại vị trí cống mà chưa xét đến mực nước dềnh là trách nhiệm của đơn vị tư vấn mặc dù không phải là lỗi cố ý.

"Do đây là tuyến mới, đi sát sông Phan, dòng chảy quanh co, thượng lưu có đập sông Phan nên chế độ thủy văn rất phức tạp. Để xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp một cách khách quan, khoa học, cẩn trọng, Bộ GTVT đã cử đoàn công tác bao gồm các cơ quan chuyên môn, đơn vị xây lắp, đơn vị tư vấn, chuyên gia thủy văn có kinh nghiệm tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, đánh giá chi tiết điều kiện địa hình, thủy văn thượng lưu và hạ lưu khu vực ngập, rà soát hồ sơ khảo sát, thiết kế. Quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng", thông báo nêu.

Trước đó, dựa trên tiếp cận quản lý tổng hợp lũ lưu vực sông, trên cơ sở số liệu về địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, lượng mưa thu thập được nhóm nghiên cứu iWAT thuộc Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi do PGS.TS Triệu Ánh Ngọc, chuyên gia thủy văn – thủy lực, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đối ngoại, cùng các cộng sự đã tính toán, phân tích nguyên nhân đã mô phỏng ngập úng trên toàn bộ lưu vực trên tuyến cao tốc trong đó có các vị trí ngập úng cục bộ bằng hệ thống tính toán hiệu năng cao do Tecotec Group (Công ty cung cấp giải pháp công nghệ và thiết bị đo lường – kiểm định – hiệu chuẩn) cung cấp.

Nhóm đã lấy cao độ mặt đường thiết kế hiện hữu là +44.47m, với giả thiết thời gian mưa kéo dài khoảng 4 giờ rưỡi, với lượng mưa 25/50/100mm thì kết quả ngập tại km 25+419 như sau:

Qua phân tích, với cường độ mưa 25mm, thì độ sâu ngập khoảng lớn nhất là 50-65cm, chiều dài đoạn đường bị ngập nằm trong khoảng 68-93m. Ngập úng diễn ra sau 2 giờ rưỡi, tính từ thời điểm bắt đầu mưa và kéo dài 3-4 giờ.

Với cường độ mưa 50mm, độ sâu ngập khoảng lớn nhất là 70 - 95 cm, chiều dài đoạn đường bị ngập nằm trong khoảng từ 85 - 116m. Ngập úng diễn ra chỉ sau 1 giờ rưỡi tính từ thời điểm bắt đầu mưa và kéo dài 4-6 giờ.

Với cường độ mưa 100mm, độ sâu ngập khoảng lớn nhất 121-186cm, chiều dài đoạn đường bị ngập nằm trong khoảng từ 165 - 252m, ngập úng diễn ra chỉ sau 45 phút tính từ thời điểm bắt đầu mưa và kéo dài 7-9 giờ.

Như vậy, với cao độ mặt đường hiện hữu tại vị trí km25+419 là +44.47m, thì chỉ cần mưa 25mm trở lên sau 2 giờ rưỡi sẽ ngập.

Nhóm cũng tính toán kiểm tra với giả thiết cao trình mặt đường tại vị trí này lần lượt là +45m, +46m và +47m kết quả cho thấy ở cao trình mặt đường +45m và +46m vẫn xảy ra ngập sâu. Trong khi đó từ cao trình mặt đường +47m trở lên ngập chỉ xảy ra trong thời gian ngắn với cường độ mưa lớn > 100mm liên tục trong vòng 4 giờ rưỡi.

Ngoài ra, nhóm cũng tính toán với các trường hợp cống thoát nước với khẩu độ khác nhau nhưng với khẩu độ lớn thậm chí 20m x 2,5m vẫn xảy ra ngập trên đoạn cao tốc này. 

Về giải pháp xử lý, trước mắt, các chuyên gia đề xuất cần tổ chức thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan để tăng khả năng thoát nước và hạ thấp cao độ mực nước dềnh tại vị trí cống. Giải pháp này có chi phí thấp, có thể thực hiện ngay và Chủ đầu tư đang chỉ đạo thực hiện hoàn thành trong tháng 8/2023. Toàn bộ chi phí thực hiện do tư vấn chi trả.

Để đảm bảo ổn định công trình lâu dài, do chế độ thủy văn khu vực hạ lưu các đập thường rất phức tạp, Chủ đầu tư cần thuê một đơn vị tư vấn đầu ngành để tiến hành khảo sát tính toán, xây dựng mô hình toán cho toàn bộ khu vực, từ đó xác định mực nước tương ứng với tần suất thiết kế của dự án. Căn cứ cao độ mực nước tính toán và các số liệu đảm bảo toàn diện, khoa học, có tính chính xác cao, sẽ xem xét, quyết định giải pháp. Trường hợp cần thiết, có thể nâng cao độ đường đỏ khu vực ngập nếu cao độ tính toán cao hơn cao độ tuyến hiện tại. Hiện nay, Ban QLDA Thăng Long đang chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nội dung này.

Bộ GTVT nhấn mạnh, "Bộ Giao thông vận tải luôn quán triệt quan điểm “không đánh đổi chất lượng công trình vì bất cứ lý do gì”. Đồng thời, coi đây là một bài học kinh nghiệm và đã yêu cầu các Chủ đầu tư tổng rà soát lại hồ sơ thiết kế đối với các Dự án đang thi công, đặc biệt là các Dự án triển khai tại những khu vực có yếu tố địa chất, thủy văn phức tạp, cần tính toán các điều kiện thủy văn bị tác động bởi các yếu tố biến đổi khí hậu và tác động bởi các hoạt động xây dựng, sản xuất… để kịp thời điều chỉnh (nếu cần) đảm bảo chất lượng bền vững của công trình. Bộ sẽ xử lý nghiêm các chủ thể liên quan nếu để xảy ra các tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng theo đúng hợp đồng đã ký kết".

Thu Châu
Hà Nội 'xanh hoá' mạng lưới xe buýt
UBND TP vừa ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".

Nguồn phát thải từ giao thông chiếm khoảng 56% ô nhiễm không khí
Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế gây ô nhiễm.

Triều cường dâng cao, giao thông TP Hạ Long bị gián đoạn
Sáng 20/11, triều cường dâng cao đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực thuộc phường Trần Hưng Đạo và phường Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tình trạng này kéo dài nhiều giờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và giao thông địa phương.

“Nạn” đốt lốp cao su lấy dầu ở Cụm công nghiệp Châu Khê, Bắc Ninh vẫn tái diễn
“Tái chế lốp xe” là một việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hình thức tái chế bằng phương pháp đốt lốp lấy dầu của một số cơ sở tại cụm Công nghiệp Châu Khê, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) lại đang hủy hại môi trường nghiêm trọng bởi khói bụi độc hại.

Bắc Ninh: Lập 6 chốt kiểm tra ở làng nghề, Cụm công nghiệp Mẫn Xá
Ngày 19/11, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh triển khai 6 Tổ chốt kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu, xỉ thải, chất thải, rác thải công nghiệp… ra, vào thôn và Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

Cận cảnh cầu nối Bắc Giang - Thái Nguyên sắp thông xe
Sau thời gian dài “đắp chiếu” không thể đi vào sử dụng, cuối cùng cầu Hòa Sơn có kinh phí hơn 540 tỷ đồng, nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên sắp chính thức thông xe kỹ thuật.

Thêm vốn để xây cầu Phong Châu mới
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1389 bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.