Zoomcar "đặt cược" thị trường Việt Nam
Zoomcar bạo tay chi thưởng cho các chủ xe đối tác, những người đưa xe của họ lên nền tảng (thường được gọi là treo xe lên ứng dụng) cho khách hàng chọn thuê.
'Đốt tiền' để hút người dùng những ngày đầu xuất hiện như các ứng dụng gọi xe khác, startup Zoomcar từ Ấn Độ đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam. Thực tế, Ấn Độ và tất cả các nước mà ứng dụng này hiện diện đều có điểm chung là nền kinh tế đang phát triển rất nhanh, nhưng cơ sở hạ tầng và tỷ lệ sở hữu ôtô thấp.
Với đại đa số người dùng Việt Nam, Zoomcar vẫn là cái tên xa lạ. Bởi startup này mới hoạt động được 4 tháng, với thị trường đầu tiên là TP.HCM. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, đây là công ty hàng đầu trong hệ sinh thái cho thuê xe ôtô tự lái. Nền tảng này ra đời năm 2013 với trụ sở chính ở Bangalore. Hiện công ty có hơn 300 nhân viên, hoạt động tại hơn 50 thành phố. Tính chung tại tất cả thị trường, họ có khoảng 10.000 xe trên khắp châu Á và khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi), để khách hàng thuê theo giờ hoặc theo ngày.
Hiện tại, Zoomcar đang có trên sàn khoảng 1.000 xe tại thị trường Việt Nam sau 4 tháng thâm nhập. Để có được lượng xe này, Zoomcar bạo tay chi thưởng cho các chủ xe đối tác, những người đưa xe của họ lên nền tảng (thường được gọi là treo xe lên ứng dụng) cho khách hàng chọn thuê. Hàng tuần, hàng tháng, các xe đối tác có đủ số chuyến đặt xe và giờ treo xe tối thiểu sẽ được thưởng tiền. Thậm chí, dịp lễ 30/4-1/5, chủ xe chỉ cần treo xe lên ứng dụng đã được thưởng nóng 3 triệu đồng.
Không chỉ tung tiền ra thưởng chủ xe, ứng dụng này còn tặng nhiều mã khuyến mãi đậm cho người thuê xe. Có thể nói, phương thức chào sân này tương tự như lúc các ứng dụng gọi xe mới vào Việt Nam. Đó là "đốt tiền" thưởng đối tác và tặng mã khuyến mại cho người dùng để tạo thói quen, tập khách hàng và chiếm thị phần.
Ứng dụng này có những quả ngọt đầu tiên khi số cuốc xe tháng sau thường tăng gấp đôi tháng trước. Tuy nhiên, tương tự các ứng dụng gọi xe khác trong những ngày đầu thâm nhập, tỷ lệ tăng trưởng này đến từ các chiến dịch vung tiền làm khuyến mại rầm rộ.
Zoomcar Việt Nam cho hay trước đây người có nhu cầu thuê xe thường tốn 15-20 triệu tiền đặt cọc, phải để sổ hộ khẩu và thuê ít nhất một ngày còn ứng dụng có thể cho thuê chỉ 6 tiếng, không cần đặt cọc tiền hay bất kỳ giấy tờ gì.
Nhưng điều thách thức với Zoomcar khi thâm nhập thị trường Việt Nam là chính sách chiết khấu với tỷ lệ quá cao, lên đến 40% - một con số mà có người khi tìm hiểu hợp tác - đã thoái lui. Nhìn nhận đây là khó khăn nhưng Zoomcar Việt Nam cho rằng tỷ lệ này hợp lý vì cần nguồn lực để phát triển thị trường, chịu trách nhiệm rủi ro và vận hành hệ thống. Trong khi đó, chủ xe chỉ việc treo xe lên và không phải bận tâm việc kiếm khách, xác minh độ tin cậy của khách hay giao nhận xe.
Tiếp đến, cũng chính vì câu chuyện thời gian nhàn rỗi lại phát sinh ra thách thức khác. Đó là dù lượng đặt xe ngày càng tăng nhưng ứng dụng lại "đau đầu" vì các chủ xe có tỷ lệ treo xe thấp, trung bình chỉ 50%. Nguyên nhân là một số chủ xe chỉ treo xe khi rảnh. Chưa kể, xe trên nền tảng đa số là phổ thông và trung cấp mà thiếu vắng các dòng hạng sang.
Ngoài ra, việc phát triển thị trường đến đâu cũng là vấn đề. Vì cho thuê xe tự lái nên nền tảng này bị khống chế dư địa bởi lượng người có bằng lái ôtô còn ít. Ví dụ, tại TP.HCM, ước tính chỉ 3% dân số có bằng B1, B2.
Dù có những thách thức sẽ phải vượt qua, Giám đốc Zoomcar Việt Nam tin chắc rằng thuê xe tự lái sẽ là một xu hướng của tương lai. Ở Việt Nam, số người tìm kiếm từ khoá cho "thuê xe tự lái" từ tháng 10 năm ngoái đã vượt hẳn lên so với những năm trước đại dịch. Còn trước mắt, Zoomcar đang có kế hoạch mở rộng thị trường ở Hà Nội ngay quý II này.