Xi măng đối diện với áp lực giá xăng
Gần đây, giá than, xăng dầu và nhiều nguyên nhiên liệu khác tăng cao làm đội giá thành sản xuất, khiến lợi nhuận các doanh nghiệp xi măng suy giảm.
Kết thúc quý I/2021, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp xi măng kém khả quan chủ yếu do áp lực chi phí lớn. Công ty Vicem Hà Tiên cho biết trong quý đầu năm, giá than, dầu, thạch cao và nhiều nguyên liệu khác tăng vọt dưới tác động của xung đột Nga - Ukraine. Theo đó, công ty giảm hơn 76 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Hiện tại, dù doanh thu quý I tăng trưởng, lợi nhuận CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên, HoSE: HT1) vẫn giảm gần 74% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 25 tỷ đồng.
Còn CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) có lãi sau thuế nhích nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh lại giảm đến 93%, chỉ ở mức 19 triệu đồng. Vicem Hoàng Mai cho biết công ty chịu ảnh hưởng nặng từ giá than, dầu tăng. Trong tài liệu gửi cổ đông gần đây, ban lãnh đạo công ty thông tin giá than thế giới "tăng sốc" từ 230 USD một tấn vào cuối tháng 2 lên 415 USD một tấn trong giai đoạn đầu tháng 3. Giá dầu thô cũng đạt đỉnh 125 USD một thùng, cao nhất 14 năm qua khiến chi phí đầu vào của công ty tăng mạnh. Lãi của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến gấp 3 lần.
CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) có doanh thu giảm hơn 17%, lợi nhuận sau thuế giảm 8% so với quý đầu năm ngoái. Trong khi đó, CTCP Vicem Thạch cao Xi măng (TXM) quý vừa qua lỗ thêm gấp đôi so với cùng kỳ 2021 và là mức lỗ nặng nhất 13 năm qua. Vicem Thạch cao Xi măng còn phải chịu sức ép từ chi phí vận chuyển, bốc xếp. Khoản này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá than tăng cao trong khi ngành xi măng phụ thuộc đến 66% vào nhập khẩu. Trước áp lực chi phí, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán xi măng với mức tăng phổ biến khoảng 100.000 đồng một tấn vào nửa cuối tháng 3, có đơn vị nâng giá đến 150.000 đồng một tấn. Gần đây, các doanh nghiệp tiếp tục tăng giá. Vicem Bút Sơn điều chỉnh tăng 50.000-70.000 đồng một tấn, Xi măng Bỉm Sơn tăng thêm 70.000-95.000 đồng một tấn, Xi măng The Vissai nâng giá thêm 80.000 đồng một tấn.
Đúng như dự báo của nhóm phân tích Mirae Asset, ba rủi ro cần lưu ý đối với nhóm cổ phiếu xi măng trong giai đoạn dịch bệnh đó là: Thứ nhất, rủi ro về biến động giá than và giá điện. Giá than và giá điện chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất clinker. Đặc biệt, giá clinker chiếm hơn 60% chi phí nguyên liệu đầu vào của xi măng, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo giá điện và giá than.
Thứ hai, rủi ro về Covid-19 vẫn hiện hữu khi việc tiêm chủng trên diện rộng chưa diễn ra, do đó có thể ảnh hưởng tới quá trình phục hồi ngành vật liệu kéo dài hơn dự kiến. Thứ ba, rủi ro về thị trường xuất khẩu khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Còn theo hiệp hội Xi măng Việt Nam, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Gần đây, giá than, xăng dầu và nhiều nguyên nhiên liệu khác tăng cao làm đội giá thành sản xuất, khiến lợi nhuận các doanh nghiệp xi măng suy giảm.
Cụ thể, gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu khiến giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, xi măng là ngành sản xuất thâm dụng điện năng, chi phí điện chiếm tới 15-20% giá thành thành phẩm. Mặc dù EVN đã cam kết không tăng giá điện trong năm 2022, dự đoán chi phí sản xuất điện của các doanh nghiệp xi măng sẽ tăng lên.
Dự báo tình hình chung cả năm, VnDirect cho rằng các doanh nghiệp xi măng niêm yết có thể cải thiện kết quả kinh doanh nhờ thị trường căn hộ chung cư tại TP.HCM, Hà Nội và các dự án bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi. Điều này làm giảm bớt việc xuất khẩu bán thành phẩm - clinker, giúp doanh nghiệp dần thoát cảnh chịu chi phí vận chuyển tăng cao, phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài khiến kinh doanh kém hiệu quả.
Việc hàng loạt các dự án cao tốc được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025 cũng sẽ mở ra cơ hội bức phá lợi nhuận cho nhóm doanh nghiệp xây dựng. Từ đó tác động tích cực tới giá cổ phiếu các doanh nghiệp kinh doanh thép, đá, nhựa và xi măng xây dựng trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng sản lượng tiêu tụ nội địa sẽ tăng mạnh trở lại do nhu cầu xây dựng tăng lên ở mức rất cao, dự đoán tăng 32% so với năm 2021. Đại dịch Covid 19 đã dần được kiểm soát nhờ vào tiến độ tiêm vacxin, do đó năm 2022 sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho tất cả các ngành nghề, trong đó có xuất nhập khẩu xi măng.