VATA đề xuất giải pháp gỡ vướng trong đào tạo, sát hạch lái xe
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn số 04/CV-HHVT đề xuất tháo gỡ khó khăn trong đào tạo, sát hạch lái xe trong bối cảnh 100% cơ sở đang phải tạm dừng hoạt động vì thiếu phần mềm quản lý và bất cập về phương tiện.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB) và Luật Đường bộ (Luật ĐB) đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2024, đồng thời các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư, các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia liên quan đến hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe được ban hành trong Quý IV/2024 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2025, hầu hết các quy định trong các văn bản QPPL nói trên cơ bản phù hợp với thực tế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng để cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam từ khi triển khai thực hiện các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 đến nay tiếp tục phát sinh một số khó khăn, vướng mắc tại hầu hết các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong cả nước, cụ thể như sau:
Về phần mềm quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe
Kể từ ngày 01/01/2025 đến nay (14 ngày), 100% các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong toàn quốc đang phải tạm dừng hoạt động, với lý do là chưa có “Phần mềm quản lý công tác đào tạo lái xe” và “Phần mềm quản lý công tác sát hạch lái xe cơ giới đường bộ”, do vậy các cơ sở đào tạo lái xe không thể chuyển các báo cáo cho Sở Giao thông vận tải theo quy định: Báo cáo mở lớp đào tạo (Báo cáo 1) và Báo cáo kết thúc khóa đào tạo, đăng ký sát hạch (Báo cáo 2).
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe và người dân có nhu cầu học và sát hạch lái xe, Hiệp hội đề nghị, Bộ GTVT và Bộ Công an quan tâm giải quyết theo hướng “Cho phép tiếp tục sử dụng phần mềm quản lý đào tạo lái xe và phần mềm quản lý sát hạch lái xe cũ" (phần mềm đã sử dụng từ trước đây đến ngày 31/12/2024) cho đến khi cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý đào tạo và phần mềm quản lý sát hạch lái xe mới để thay thế các phần mềm cũ.
Về xe ô tô sử dụng để đào tạo Hạng C1 và Hạng C
Theo quy định của Luật TTATGTĐB đã phân hạng xe để đào tạo lái xe vận tải hàng hóa theo khối lượng toàn bộ của xe, cụ thể: Loại xe có khối lượng toàn bộ từ 3,5 tấn đến 7,5 tấn dùng để đào tạo Hạng C1 (đào tạo mới); loại xe có khối lượng toàn bộ từ trên 7,5 tấn trở lên dùng để đào tạo Hạng C (đào tạo nâng hạng).
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Chi hội Đào tạo - Sát hạch lái xe và các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên toàn quốc, hiện các cơ sở đào tạo lái xe đang thiếu trầm trọng loại xe có khối lượng toàn bộ từ 3,5 đến 7,5 tấn dùng để đào tạo Hạng C1, trong khi đó loại xe có khối lượng toàn bộ trên 7,5 tấn (chủ yếu từ 8,0 đến 8,5 tấn) thì đang thừa rất nhiều (loại xe này sử dụng làm xe sát hạch lái xe Hạng C cũ, nhưng không phù hợp để sử dụng làm xe sát hạch Hạng C mới).
Hiện tại, theo thống kê chưa đầy đủ từ các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong cả nước có từ 8.000 đến 8.500 xe có khối lượng toàn bộ trên 7,5 tấn, loại xe này phù hợp để đào tạo lái xe Hạng C mới, nhưng nhu cầu sử dụng xe có khối lượng toàn bộ trên 7,5 tấn để đào tạo lái xe Hạng C cần từ 1.000 đến 1.500 xe, dư thừa 6.000 đến 7.000 xe, hiện đang xuống cấp, hư hỏng rất nhanh.
Để thão gỡ khó khăn, tránh lãng phí cho các cơ sở đào tạo và xã hội, Hiệp hội đề nghị Bộ GTVT và Bộ Công an xem xét giải quyết theo hướng: Một là, trước mắt cho phép các cơ sở đào tạo lái xe sử dụng loại xe có khối lượng toàn bộ trên 7,5 tấn để đào tạo Hạng C1; hai là, có lộ trình phù hợp thay thế phương tiện sử dụng cho đào tạo lái xe hạng C1 để các cơ sở đào tạo đầu tư phương tiện theo quy định hiện hành.