VATA đề xuất gỡ vướng về thủ tục đăng kiểm và cấp phép lưu hành xe
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa ban hành công văn 01/CV- HHVT xử lý một số bất cập, gây khó khăn, ách tắc, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp vận tải khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với việc đổi chứng nhận đăng ký xe và thủ tục cấp giấy phép lưu hành xe.
Theo VATA, kể từ ngày 01/01/2025, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), Luật Đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn bắt đầu có hiệu lực. Khi vào thực tế, hai nội dung trong thông tư hướng dẫn của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang khó khăn, đình trệ hoạt động và thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Về đổi chứng nhận đăng ký xe
Về đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen đối với xe hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, theo quy định tại khoản 2 điều 11 Thông tư số 58/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an “Quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng”, chỉ bắt buộc:
“Đối tượng cấp đổi, cấp lại biển số xe:..; xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được đăng ký cấp biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen”. Không bắt buộc phải đổi “giấy chứng nhận đăng ký xe”.
Tuy nhiên, quy định mới tại điểm b, khoản 3 Điều 39 Luật TTATGTĐB; khoản 3 Điều 18 Thông tư số 79/TT-BCA ngày 15/11/2024 của Bộ Công an “Quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng”, yêu cầu “đổi chứng nhận đăng ký xe” khi “biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen”.
Khoản 3 Điều 18 Thông tư số 79/TT-BCA “xe đã đăng ký, cấp biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô) và ngược lại”.
Từ đầu tháng 01/2025 đến nay, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được rất nhiều phản ánh về tình trạng các Trung tâm đăng kiểm từ chối không kiểm định đối với xe ô tô kinh doanh có “biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen” nhưng chưa “đổi chứng nhận đăng ký xe” phù hợp với các quy định pháp luật mới nêu trên.
Thực tế hiện nay đa số xe kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân bao gồm xe khách, xe tải, xe tác xi... đều vay thế chấp ngân hàng bằng “chứng nhận đăng ký xe”. Việc rút, mượn “chứng nhận đăng ký xe” từ ngân hàng ra để đem đến cơ quan CSGT “đổi chứng nhận đăng ký xe” là không thể thực hiện được. Nếu không “đổi chứng nhận đăng ký xe” phù hợp với “biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen” thì các Trung tâm đăng kiểm từ chối không kiểm định, như vậy xe không thể hoạt động được. Điều này đã gây vô cùng khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, xe phải dừng hoạt động. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, đi lại của người dân, xã hội rất lớn mà có xe nhưng không đủ điều kiện lưu thông trên đường.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, tham mưu theo hướng:
Những xe đã đổi “biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen”, nhưng chưa “đổi chứng nhận đăng ký xe” theo các quy định pháp luật mới nêu trên, thì đề nghị Cục CSGT cập nhật lên hệ thống dữ liệu của Cục CSGT, không yêu cầu chủ phương tiện phải “đổi chứng nhận đăng ký xe” ngay vì không khả thi, hoặc nếu có yêu cầu “đổi chứng nhận đăng ký xe” thì phải có lộ trình dài thì doanh nghiệp vận tải mới giải quyết được, như vậy mới là chuyển đổi số tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, Nghị định số 166/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ “Quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tổ chức, hoạt động của cơ sở đăng kiểm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới”, tại “Điều 12. Cảnh báo phương tiện”, không có quy định cảnh báo về trường hợp này. Do đó, đề nghị Cục ĐKVN cần báo cáo Bộ GTVT giải quyết theo như hướng “Áp dụng chuyển đổi số” nêu trên.
(Điểm d Điều 12 chỉ quy định: “Có sự sai khác giữa chứng nhận đăng ký xe với phương tiện thực tế khi làm thủ tục kiểm định”, không có quy định “có sự sai khác giữa chứng nhận đăng ký xe” với “chứng nhận đăng ký xe”).
Trước mắt cần tiếp tục thực hiện việc kiểm định cho các phương tiện đã hết hạn kiểm định nhưng chưa “đổi chứng nhận đăng ký xe” theo quy định của Thông tư số 79/TT-BCA.
Về việc cấp giấy phép lưu hành xe (GPLHX)
Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 23 “Thủ tục cấp giấy phép lưu hành xe” của Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ GTVT “Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích trên đường bộ; hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ; cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ” (Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT), cụ thể:
Từ đầu tháng 01/2025 đến nay, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được rất nhiều phản ánh về tình trạng các cơ quan cấp GPLHX từ chối nhận đơn đề nghị và không cấp GPLHX đối với các trường hợp phương tiện không vượt quá khổ giới hạn và tải trọng của đường bộ, nếu “Thành phần hồ sơ” khi xin GPLHX không có “báo cáo kết quả khảo sát” theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 23 Thông tư số
39/2024/TT-BGTVT.
Việc vận dụng quy định này là trái với quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 52 Luật TTATGTĐB “a)Trường hợp xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của công trình đường bộ thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu lưu hành xe chịu trách nhiệm khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ”. Một số cơ quan cấp GPLHX hiểu rằng, những xe đó có chiều rộng vượt quá kích thước của phương tiện (theo quy định là 2,5m). Do đó, yêu cầu phải có “báo cáo kết quả khảo sát”. Thực tế, những trường hợp này chỉ là xe quá khổ giới hạn của phương tiện hoặc chở hàng siêu trường có kích thước bao không vượt quá khổ giới hạn và tải trọng đường bộ (đã được công bố, không bị hạn chế khổ giới hạn và tải trọng theo quy định), tức là chiều rộng xe không vượt quá chiều rộng 01 làn đường (làn đường có chiều rộng tối thiểu là 3,5m), trừ đường có cấp kỹ thuật thấp. Nhưng phương tiện trên có chiều rộng khoảng 2,78m đến nhỏ hơn 3,5m.
Trước tình hình trên Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, tham mưu theo hướng:
Cục ĐBVN tổ chức hướng dẫn cho các Sở GTVT, các Khu QLĐB hiểu được quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 52 Luật TTATGTĐB để áp dụng cho quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 23 Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT.
Đồng thời đề nghị Cục ĐKVN phối hợp hướng dẫn để cơ quan cấp phép hiểu được khổ giới hạn và khối lượng toàn bộ của phương tiện khác với khổ giới hạn và tải trọng của đường bộ.
Khẩn trương nhận hồ sơ và cấp GPLHX kịp thời cho doanh nghiệp vận tải đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 52 Luật TTATGTĐB.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo, Cục Cảnh sát giao thông, Cục ĐKVN và Cục ĐBVN khẩn trương tham mưu giải quyết các kiến nghị nêu trên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, người dân và xã hội. Nhằm phát triển kinh tế doanh nghiêp và nguồn thu ngân sách Nhà nước, ổn định hoạt động vận tải của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội và người dân.