VATA đề nghị xem xét kỹ lưỡng tuyến buýt Hà Nội - Nam Định
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn gửi tới UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Nam Định về việc xem xét kỹ lưỡng việc mở tuyến xe buýt Hà Nội - Nam Định.
Trước đó, VATA nhận được văn bản số 01-HH2024 ngày 13/1/2024 của Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định (kèm theo Đơn kiến nghị của 12 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trên địa bàn tỉnh Nam Định) đề nghị báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét: Việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản số 4329/UBNDKTN ngày 22/12/2023 chấp nhận chủ trương và giao Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện mở tuyến xe buýt kế cận không trợ giá theo đúng trình tự quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Chủ trương này nếu được thực hiện sẽ gây khó khăn tác động lớn đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Nam Định. Do đó, nghiên cứu đơn kiến nghị và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Hiệp hội vận tải ô tô có báo cáo và có ý kiến đề xuất như sau:
Thứ nhất, Những quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt.
Điểm b Khoản 1 Điều 66 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và chạy xe theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định.
Việc công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định tại Khoản 1 Điều 32 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT: Theo đó, giao Sở Giao thông vận tải công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt tại địa phương, theo danh mục mạng lưới tuyến được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; với các tuyến xe buýt đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, căn cứ danh mục mạng lưới tuyến đã được phê duyệt, việc công bố mở tuyến do Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thực hiện sau khi có văn bản thống nhất của Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia và Sở Giao thông vận tải có hành trình tuyến đi qua.
Điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định: Về nội dung quản lý tuyến cơ quan quản lý tuyến quy định và tổ chức đấu thầu, đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến.
Về thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt tại khoản 5 Điều 33 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: Quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tuyến xe buýt đi qua để thống nhất thực hiện các nhiệm vụ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
Thứ hai, tình hình hoạt động vận tải hành khách trên tuyến Nam Định - Hà Nội và ngược lại.
Nam Định là tỉnh có nhiều tuyến xe khách cố định đến Hà Nội và ngược lại. Trước đây các tuyến xe khách hoạt động theo danh mục tuyến được Bộ Giao thông vận tải công bố, các tuyến có điểm xuất phát từ các bến xe trên địa bàn tỉnh Nam Định kết thúc tại các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội và ngược lại.
Từ năm 2016, sau khi thành phố Hà Nội có chủ trương tổ chức lại vận tải để đảm bảo trật tự An toàn giao thông, tất cả các tuyến vận tải khách từ Nam đến bến xe Mỹ Đình đều được chuyển về Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước ngầm; các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn doanh thu giảm từ 30 - 50% một bộ phận doanh nghiệp, hợp tác xã đã không còn tồn tại, còn một số đơn vị đã kiên trì khắc phục khó khăn và duy trì hoạt động cho đến nay.
Nếu theo chấp thuận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép một số đơn vị được mở tuyến xe buýt không trợ giá có điểm xuất phát tại huyện Nam Trực tỉnh Nam Định và kết thúc tại Mỹ Đình Hà Nội và ngược lại thì tình hình trật tự vận tải sẽ rất lộn xộn, làm gia tăng tình trạng tranh giành khách trên đường, sẽ gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông. Mặt khác với xe buýt theo quy định là phải có chỗ ngồi và chỗ đứng, với cự ly trên 100km từ Mỹ Đinh về Nam Định thời gian thực hiện hành trình là hơn 2 giờ, hành khách đứng trên xe ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhìn nhận từ những lý do trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị, đây là tuyến xe buýt chưa có trong danh mục mạng lưới tuyến được cơ quan quản lý Nhà nước công bố nên đề nghị ủy ban Nhân dân tỉnh Nam định, ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cần nghiên cứu thật kỹ sự cần thiết mở tuyến buýt không trợ giá nói trên.
Việc mở tuyến xe buýt với cự ly dài, đi qua nhiều tỉnh sẽ có tác động đến nhiều đơn vị vận tải; tác động đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nên cần có nghiên cứu kỹ. Cần giao cho Sở Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng đề án theo đó xác định điểm đầu, điểm cuối, lộ trình, điểm dừng đón trả khách, thiết lập biển báo, hạ tầng, phương tiện vận tải, giá vé...; đánh giá tác động; lấy ý kiến các cơ quan đơn vị có liên quan, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố theo quy định.
Việc lựa chọn đơn vị vận tải cung ứng dịch vụ trên tuyến cần tổ chức đấu thầu hoặc có hình thức lựa chọn phù hợp với quy định của pháp luật.