VATA kiến nghị sửa đổi tiêu chuẩn về giáo viên dạy thực hành lái xe
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT sửa đổi về tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô.
Thời gian vừa qua, VATA cho biết đã nhiều lần dự họp để tham gia ý kiến và gửi văn bản kiến nghị đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Những nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung của Hiệp hội đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu trong đó có nội dung về sửa đổi tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô.
Tuy nhiên, đến dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ thì nội dung sửa đổi về tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe đã không được sửa đổi như các bản dự thảo trước đó. Đây là vấn đề bất hợp lý, hiện đang gây lãng phí và ách tắc rất lớn trong lĩnh vực đào tạo lái xe.
Vì vậy, VATA có báo cáo, giải trình và kiến nghị với Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải như sau:
Theo quy định hiện hành tại điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 65/2016/NĐ-CP thì tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe gồm: “a, Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp”.
Theo đó, tiêu chí quy định tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe phải có trình độ trung cấp được hiểu là của bất cứ chuyên ngành gì, kể cả các chuyên ngành không có liên quan đến chuyên môn về lĩnh vực đào tạo lái xe. Đây là vấn đề các cơ sở đào tạo đang khó khăn trong tuyển dụng giáo viên vì không có nguồn ứng tuyển; nhiều đơn vị phải hợp thức hóa, nhiều giáo viên không đủ điều kiện phải nghỉ việc hoặc tìm kiếm bằng trung cấp bằng các hình thức không chính đáng... Vì bất hợp lý này nên hiện nay, hầu như các cơ sở đào tạo lái xe đều đang tạm ngưng tuyển sinh để chờ sửa đổi quy định này...
Vì vậy, trong quá trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2016/NĐ-CP, đã dự thảo sửa điểm a, Khoản 3, Điều 7 như sau: Giáo viên dậy thực hành lái xe phải có chứng chỉ sư phạm; có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc trình độ văn hóa lớp 12. Các tiêu chuẩn khác được giữ nguyên như quy định hiện hành.
Theo VATA, việc sửa đổi như trên vừa phù hợp thực tế vừa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát để loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp gây ách tắc, lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội; đồng thời không trái với quy định trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vì chương trình đào tạo lái xe đã được Bộ Giao thông vận tải sửa đổi với thời gian đào tạo dưới 3 tháng, do đó lĩnh vực này thuộc diện giáo dục thường xuyên nên yêu cầu về trình độ của giáo viên không nhất thiết phải có trình độ trung cấp trở lên.
Nếu không sửa đổi nội dung trên sẽ gây lãng phí và phát sinh nhiều hệ lụy trên lĩnh vực đào tạo lái xe, cụ thể như sau:
Theo báo cáo từ Chi hội Đào tạo – Sát hạch lái xe ô tô và qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở đào tạo cho thấy hiện nay giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô có đủ các tiêu chí theo quy định tại các điểm b,c,d Khoản 3 Điều 7 Nghị định 65/2016/NĐ-CP và đã qua nhiều năm làm giáo viên dạy thực hành lái xe. Tuy nhiên, khoảng 70% trong số hàng chục ngàn giáo viên dạy thực hành lái xe không có bằng trung cấp (số giáo viên này đủ tiêu chuẩn theo quy định cũ trước khi ban hành Nghị định 65) những thiếu tiêu chí phải có trình độ trung cấp dẫn tới việc hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe đã phải dừng tuyển sinh từ đầu năm cho đến nay;
Quy định giáo viên dạy thực hành lái xe phải có trình độ Trung cấp trở lên chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức, hầu như không có tác dụng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cũng không nâng cao được chất lượng đào tạo lái xe ô tô, bởi: Để đảm bảo đủ điều kiện về tiêu chuẩn giáo viên thì các cơ sở đào tạo đã cử giáo viên đi học tại một số trường đào tạo trình độ Trung cấp, nhưng lại không có liên quan gì tới đào tạo lái xe ô tô, như: Xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, chế biến gỗ, điện dân dụng, hàn dân dụng....vv) bằng nhiều hình thức như học trực tuyến, học từ xa và không loại trừ có nhiều người đi mua bằng;
Theo định hướng chung của ngành Giáo dục đào tạo đã và đang triển khai việc phân luồng cho một bộ phận lớn học sinh học hết Trung học cơ sở (học hết lớp 9) tiếp tục theo học hệ vừa học vừa làm tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên hoặc các trường Trung cấp nghề, sau khi kết thúc khóa học được cấp Bằng Trung cấp nghề (nhưng không có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học). Theo quy định hiện hành thì vẫn đủ điều kiện giáo viên dạy thực hành lái xe.
Từ những cơ sở pháp lý và thực tiễn đã nêu ở phần trên, VATA kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để sửa đổi về tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô, quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 7 của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP như sau: a, Có bằng trung cấp trở lên hoặc tốt nghiệp trung học phổ thông. Các nội dung khác quy định về tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe tại Khoản 3, Điều 7 giữ nguyên.