Kiến nghị điều chỉnh niên hạn xe vận tải khách tuyến cố định
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 7/11, về việc đề nghị điều chỉnh lại quy định về niên hạn sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải khách tuyến cố định.
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 13 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, ngày 17/01/2020 của Chính phủ: “b) Xe ô tô kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki lô mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly từ 300 ki lô mét trở xuống”.
Đây là quy định phù hợp với giai đoạn lịch sử nhất định, vì cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trước đây chưa được đầu tư nâng cấp nên còn hạn chế về nhiều mặt. Hiện nay, hầu hết các tuyến quốc lộ đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng nên chất lượng đường sá đã được cải thiện rất nhiều và chất lượng xe ô tô vận tải hành khách cũng tốt hơn, hiện đại hơn rất nhiều so với xe ô tô sản xuất trước đây.
Trên cơ sở tổng hợp các báo cáo chưa đầy đủ từ Hiệp hội Vận tải ô tô ở các tỉnh, thành phố; kiến nghị từ Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Điện Biên tại Công văn số 24/CV-HH, ngày 8/10/2023 về việc “Đề nghị xem xét lại quy định về niên hạn sử dụng xe khách tuyến cố định” và thông qua khảo sát thực tế tại một số tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian vừa qua cho thấy: Hiện có hàng vạn xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đang chịu sự điều chỉnh của quy định này, trong đó có hàng nghìn xe đã hết hoặc sắp hết niên hạn sử dụng 15 năm, nhưng chất lượng phương tiện còn rất tốt, vẫn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu kiểm định xe cơ giới hiện hành. Nhưng những xe này lại không được phép hoạt động kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với cự ly trên 300 km, gây khó khăn và lãng phí lớn cho một số đơn vị kinh doanh vận tải không có tuyến vận tải hành khách cố định với cự ly ngắn.
Đây cũng là vấn đề chưa thực sự công bằng giữa loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định với loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng và đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới số xe kinh doanh theo tuyến cố định ngày càng giảm, số xe kinh doanh theo hợp đồng ngày càng tăng.
Về mặt đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện, hiện đã có quy định thời gian sử dụng phương tiện càng dài thì chu kỳ kiểm định càng ngắn và công tác kiểm định phương tiện ngày càng được nâng cao về chất lượng.
Do đó, VATA kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP tại Điểm b, Khoản 1, Điều 13 theo hướng thực hiện thống nhất về niên hạn sử dụng phương tiện như đã quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Nghị định số 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ đối với các loại xe chở người (trừ xe taxi), cụ thể đề nghị sửa đổi Điểm b, Khoản 1, Điều 13 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, ngày 17/01/2020 như sau:
“b) Xe ô tô kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất)”.