Chuyên mục


"Vạch hành lang pháp lý, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh xe hợp đồng"

19/12/2023 11:30 (GMT +7)

Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) trong buổi Toạ đàm "Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở" do Báo Giao thông tổ chức mới đây.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị giải pháp quản lý xe Hợp đồng tại Toạ đàm ngày 18/12/2023

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị giải pháp quản lý xe Hợp đồng tại Toạ đàm ngày 18/12/2023

Theo Chủ tịch VATA, với số lượng khoảng 240 nghìn xe, gấp 14 lần ô tô tuyến cố định, song không phải tất cả xe hợp đồng đều chạy trá hình tuyến cố định. Hiện nay, xe hợp đồng có thể tạm chia thành ba nhóm:

Nhóm thứ nhất là xe hợp đồng theo định kỳ chở công nhân, đưa đón chuyên gia đến các khu công nghiệp, đưa đón học sinh. Số này chiếm phần lớn và có xu thế tăng lên nên việc gia tăng xe hợp đồng là dễ hiểu.

Nhóm thứ hai là xe hợp đồng theo chuyến, thường chở khách đám cưới hỏi, tổ chức sự kiện ở các trường học.

Nhóm thứ ba hay được gọi là xe hợp đồng trá hình. "Tôi cho rằng đây chính là loại xe hợp đồng chia sẻ, nhiều hành khách khác nhau cùng sử dụng chung một dịch vụ trên một chuyến xe. Và đây là hình thức xe hợp đồng cần phải bàn để quản lý. Song số lượng xe này hiện nay chưa có thống kê”, ông Nguyễn Văn Quyền nhận định.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng. Ảnh nguồn: Báo Giao thông

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng. Ảnh nguồn: Báo Giao thông

Từ góc độ các đơn vị vận tải, nhiều ý kiến cho rằng, sự nở rộ của xe hợp đồng bên cạnh xe tuyến cố định xuất phát từ nhu cầu của người dân muốn có dịch vụ tốt hơn. Không thể nói xe hợp đồng đang “bóp chết” xe tuyến cố định.

Bàn về vấn đề siết hay mở xe kinh doanh hợp đồng, ông Khúc Hữu Thanh Hải -  Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, xe hợp đồng phát triển là nhu cầu thực tế của người dân. Họ muốn dịch vụ tốt, hoàn hảo hơn, được phục vụ tốt hơn dù phải trả chi phí cao hơn. Từ đó, các doanh nghiệp vận tải không còn cách nào khác là đáp ứng theo nhu cầu người dân. 

“Đơn cử, trước đây vào dịp lễ Tết, việc đi lại, vận tải ở bến xe rất cực khổ và người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, người dân ra bến xe rất thoải mái và đi lại không còn khó khăn. Do đó, không thể nói xe hợp đồng đang “bóp chết” xe tuyến cố định. Việc nói xe hợp đồng là nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn cũng chỉ là cảm tính bởi chưa có thống kê về điều này”, ông Khúc Hữu Thanh Hải khẳng định.

Chất lượng dịch vụ tốt, nhanh chóng, tiện lợi là lý do hành khách lựa chọn xe Hợp đồng

Chất lượng dịch vụ tốt, nhanh chóng, tiện lợi là lý do hành khách lựa chọn xe Hợp đồng

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát đồng tình việc vần phải hiểu rõ mục đích, vai trò của ngành vận tải và không nên đưa vận tải hành khách như một "tội đồ". Nói về vai trò của vận tải, có thể nhìn lại thời điểm năm 2017, lực lượng chức năng luôn phải căng mình giải quyết tình trạng ùn tắc mỗi dịp cao điểm Lễ, Tết; nhiều người dân tham gia vận tải hành khách phải nếm cảnh ăn "cơm tù" giữa đường vì ùn tắc kéo dài không đường thoát. Những năm gần đây, dễ dàng thấy không phải lo lắng tình trạng đó nữa, chất lượng dịch vụ vận tải cũng không ngừng tăng với giá thành hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân.

"Là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, tôi cũng kỳ vọng, Nghị định 10 hiện nay và Nghị định 10 sửa đổi, bổ sung tới đây sẽ cởi bỏ một số quy định, giúp xe tuyến cố định có thể cạnh tranh bình đẳng với xe hoạt động theo hình thức hợp đồng. Nói cách khác, các cơ quan quản lý cần xem xét siết cái đang được cởi bỏ và cởi cái đang bị siết quá chặt", Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định con số xe chạy hợp đồng đang rất lớn thể hiện xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng đã được người dân tin dùng khi nhiều xe sử dụng tuyến cố định đã chuyển sang xe hợp đồng, tuy nhiên, ông Thống nhìn nhận một số xe kinh doanh vận tải hoạt động đúng quy định nhưng cũng có xe lại chạy theo hợp đồng trá hình.

Trong khi, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận, công tác quản lý xe hợp đồng của Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung đang gặp những khó khăn nhất định do thiếu công cụ quản lý. Chẳng hạn, một ngày có hàng ngàn hợp đồng gửi về cũng khiến hệ thống mail của Phòng quản lý vận tải bị quá tải. Trong lúc chờ các giải pháp công nghệ, trước mắt, vẫn phải làm thủ công, dù mất sức người vẫn phải làm.

Đơn cử như, Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội từng phối hợp với lực lượng CSGT trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bố trí hai cán bộ trực 24/24 để khi CSGT đề nghị rà soát phương tiện có gửi hợp đồng về trước chuyến đi hay không sẽ kịp thời rà soát, phối hợp xử lý.

Hạ tầng xuống cấp, phát sinh nhiều khoản thu vô lý là nguyên nhân khiến hành khách quay lưng với các bến xe hiện nay. Ảnh: Lê Minh

Hạ tầng xuống cấp, phát sinh nhiều khoản thu vô lý là nguyên nhân khiến hành khách quay lưng với các bến xe hiện nay. Ảnh: Lê Minh

Nhưng, vấn đề thực tế đặt ra là, nhu cầu đi lại của hành khách hiện rất lớn, hành khách mong muốn có một sự đi lại tiện lợi hơn, chất lượng cao hơn, đi nhanh hơn. Đặc biệt, trong điều kiện chuyển đổi số diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay thì điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải với hành khách dễ dàng hơn nhiều. Do đó, quản lý Nhà nước cần đặt ra sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh, đảm bảo yêu cầu về trật tự an toàn giao thông.

Cơ quan quản lý Nhà nước nhân việc đang sửa đổi Luật giao thông đường bộ, sửa đổi các Nghị đinh về kinh doanh vận tải, cần phải nghiên cứu để tổ chức kinh doanh vận tải hành khách theo Hợp đồng "Chia sẻ" hay không? Nếu cho phép kinh doanh theo hình thức này thì các điều kiện quản lý đi kèm thế nào; phạm vi, thời gian và mô hình hoạt động ra sao? Từ đó cơ quan quản lý nhà nước cần vạch ra hành lang để tổ chức quản lý tạo ra một môi trường bình đẳng để các đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mong muốn thiết tha: "Cơ quan quản lý Nhà nước thực sự vào cuộc, đối diện với thực tiễn để đổi mới trong quá trình đang diễn ra chuyển đổi số rất mạnh mẽ; yêu cầu đi lại của người dân đang muốn nâng cao chất lượng, tiện nghi hơn. Cần mạnh dạn sửa đổi Nghị định 10 và tổ chức nghiên cứu bài bản, lấy ý kiến rộng rãi để phù hợp với thực tiễn.

Còn việc có cho phép loại hình kinh doanh xe Hợp đồng vào Bến hay không thì phải tuỳ theo đặc thù của từng chuyến đi, từng doanh nghiệp. Không nên bắt buộc tất cả các xe phải vào bến bởi vì những gì thì trường đặt ra thì nên để thị trường điều chỉnh không nên cứng nhắc tất cả những xe phải vào bến và kết thúc ở bến".

Các chuyên gia giao thông đồng tình rằng, siết hay mở là điều các cơ quan quản lý rất trăn trở, nhưng nếu siết cũng cần đặt vấn đề, khi ấy, việc đi lại của người dân có còn thuận lợi, hành khách lại quay về những ngày phải đi xe giá vé cao. Quy định pháp luật cần giúp xe tuyến cố định cạnh tranh bình đẳng với xe hợp đồng. Nói cách khác, các cơ quan quản lý cần xem xét siết hay gỡ bỏ sao cho tính pháp lý được bảo đảm nhưng doanh nghiệp vẫn có điều kiện phát triển, người dân được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hợp lý, giao thông ngày càng thông thoáng, an toàn.

Thanh Hải
Tags:
Xem xét cải tạo, nâng cấp QL.37 đoạn qua tỉnh Hải Dương
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3029/VPCP-CN ngày 6/5/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37, đoạn từ quốc lộ 18 đến ngã ba An Lĩnh, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đông Nam Bộ đã triển khai 9/29 dự án giao thông quan trọng
Đến nay, trong 29 dự án giao thông quan trọng, liên kết vùng Đông Nam Bộ, đã có 4 dự án khởi công, 5 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư và 20 dự án đang được nghiên cứu, trong đó có tuyến Vành đai 4 TP. HCM và dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Hơn 1.350 tỷ đồng làm tuyến tránh Quốc lộ 57
Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 57 có quy mô đường gồm 2 làn xe, tổng bề rộng mặt đường 12 m. Thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2025.

Hà Nội 'nhân đôi' đường Láng
Sở Giao thông Vận tải vừa có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng).

Hà Nội - Nhiều dự án giao thông trọng điểm sắp khởi công
Nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc, thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm.

Nền kinh tế giữ đà phát triển tích vực trong 4 tháng đầu năm
Ngày 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024. Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong 4 tháng đầu năm 2024, đồng thời xem xét nhiều nội dung quan trọng khác.

Du lịch Điện Biên khởi sắc trong dịp Lễ
Trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, tỉnh Điện Biên đã đón khoảng 180.000 lượt khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Trong đó có 123 lượt khách quốc tế, 35.000 lượt khách du lịch có lưu trú.