'Làm luật' thông quan sớm: Hải quan nói gì?
Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện công tác đăng ký tờ khai, thực hiện giám sát hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ nộp duy nhất 1 khoản tiền lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật do Kho bạc nhà nước thu là 20.0000 đồng/tờ khai.
Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi báo chí đăng tải loạt bài về vụ việc chi tiền làm "luật ngầm" mới được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Tổng cục Hải quan đã kịp thời chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn và Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh rà soát, đánh giá lại việc thực hiện quy trình thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Đồng thời, cũng thực hiện các biện pháp kiểm soát nội ngành, bảo vệ chính trị nội bộ như yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ của công chức hải quan; nâng cao công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đảm bảo công chức hải quan không thực hiện, tiếp tay, bảo kê cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật.
Tổng cục Hải quan cũng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, quan tâm các giải pháp tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo công tác quản lý hải quan.
Theo Cơ quan Hải quan, trong công tác quản lý hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu, việc quản lý phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có sự tham gia trực tiếp của nhiều lực lượng như Ban Quản lý cửa khẩu, Biên phòng, Hải quan.
Việc sắp xếp thứ tự các phương tiện vận tải chuyên chở hàng nông sản xuất khẩu trong khu vực cửa khẩu là do lực lượng Biên phòng và Ban quản lý của cửa khẩu thực hiện, Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện công tác đăng ký tờ khai, thực hiện giám sát hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ nộp duy nhất 1 khoản tiền lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật do Kho bạc nhà nước thu (20.0000 đồng/tờ khai).
Đối với một trường hợp là ông Ngô Xuân Trường bị phát hiện vi phạm:
Ông Trường đã dùng mối quan hệ cá nhân để nhờ vả, kết nối dàn xếp vụ làm thủ tục xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giúp người thân, hoàn toàn không có sự tác động, can thiệp của lực lượng Hải quan trong việc xếp “lốt”, chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan
Hầu hết các lô hàng nông sản xuất khẩu đều thuộc luồng xanh, không phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức hải quan phải thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid–19 trong khu vực cửa khẩu nên công chức hải quan không tiếp xúc, làm việc trực tiếp với lái xe mà thực hiện thủ tục hải quan với người khai hải quan.
Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, các Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không có việc chỉ đạo, tiếp tay của lãnh đạo, công chức hải quan cho các hoạt động cho các hoạt động “luật ngầm”, chưa phát hiện có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực trong việc xếp “lốt”, chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Đối với một trường hợp là ông Ngô Xuân Trường bị phát hiện vi phạm, Tổng cục Hải quan cho biết, tại thời điểm phát hiện thông tin có liên quan đến việc đưa hối lộ để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, ông này đang là công chức Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn.
Thời điểm vi phạm, ông Trường đang công tác tại Trạm Kiểm soát Liên hợp Dốc Quýt (gồm nhiều lực lượng chức năng thuộc UBND tỉnh Lạng Sơn trực tiếp quản lý).
Sau khi nhận được thông tin về trường hợp này, Tổng cục Hải quan cho biết đã yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để nắm tình hình diễn biến vụ việc. Đồng thời, rà soát, kiểm tra trong nội bộ đơn vị để đánh giá mức độ của vụ việc nêu trên, từ đó có phương án ngăn chặn, xử ký kịp thời các dấu hiệu, hành vi vi phạm nếu có.
Để xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, Tổng cục Hải quan đã có nhiều giải pháp xử lý việc ùn tắc tại cửa khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp thông quan hàng hoá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo quản hàng hóa thuận lợi, đặc biệt là hàng hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian tới, sẽ phối hợp xây dựng cửa khẩu số nhằm ứng dụng công nghệ số hiện đại vào quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại cửa khẩu, công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước.
Đẩy mạnh tự động giám sát lưu lượng xe trên bản đồ số. Tự động hóa quy trình kiểm tra, giám sát qua phân tích dữ liệu khai báo của doanh nghiệp và qua hệ thống camera AI, giảm tác động của con người, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; tối ưu hóa quy trình, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp theo Chỉ thị số 384/CT-TCHQ ngày 08/02/2022 về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022.
Tổng cục Hải quan cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông xem xét sớm ký Hiệp định kiểm dịch các loại hoa quả với Trung Quốc để giảm tỷ lệ kiểm tra, nâng cao hiệu suất thông quan.