Vận tải siêu trường, siêu trọng "vượt khó"
Ngày 16/12, tại TP.HCM, Chi hội Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Năm 2022, ngành kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung và vận tải hàng STST nói riêng gặp nhiều khó khăn. Các nguyên nhân có thể kể như: Ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19 kéo dài từ năm 2020 đến gần hết Quý I/2022; khủng hoảng về tăng giá và thiếu nguồn cung xăng dầu, kéo dài từ Quý I đến đầu Quý IV/2022 làm giá thành vận tải tăng cao, nhưng giá cước vận tải không điều chỉnh kịp và phù hợp; nhiều công trình, dự án đang thi công bị ngừng trệ hoặc không thể triển khai công trình, dự án mới; nguồn vốn vay tín dụng, vay ngân hàng cũng bị siết chặt …
Bước qua năm 2022 nhiều khó khăn
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đã có Quyết định số 51/QĐ-HHVT ngày 2/8/2022 về việc thành lập Chi hội Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng là Hội viên chính thức trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Hiệp hội). Đến nay, Chi hội đã đi vào hoạt động được 5 tháng với 18 Hội viên. Trong đó có 16 hội viên doanh nghiệp vận tải hàng STST, 1 Hội viên là Chủ tịch Chi hội - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục ĐBVN, 1 Hội viên là Chánh Văn phòng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiêm nhiệm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục ĐBVN.
Vận tải hàng STST bằng ô tô chủ yếu theo quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT có hiệu lực kể ngày 1/12/2015 đã được áp dụng thực hiện đến nay là 7 năm, ghi nhận đem lại thuận lợi, hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân liên quan được điều chỉnh bởi quy định của Thông tư này; trong đó, có các doanh nghiệp vận tải hàng STST. Tuy nhiên, tại một số điều, khoản có nội dung quy định không chi tiết, cụ thể, nên một số cơ quan cấp GPLH khó áp dụng, thậm chí là máy móc áp dụng gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Văn Chung - Chủ tịch Chi hội Vận tải hàng STST, cuối Quý II/2022, việc đề nghị được cấp giấy phép lưu hành xe (GPLHX) cho các phương tiện vận chuyển hàng STST bắt đầu gặp khó khăn.
Khi Cục ĐBVN dừng cấp GPLHX cho các doanh nghiệp vận tải hàng STST thuộc đối tượng được Bộ GTVT có văn bản giao Tổng cục ĐBVN cấp GPLHX trước ngày 1/10/2022 và các Sở GTVT, các Khu QLĐB hạn chế hoặc không dám cấp GPLHX, đã gây vướng mắc cho doanh nghiệp vận tải hay các chủ hàng. Từ đó, xuất hiện tình trạng đứt gãy chuỗi vận tải cấu kiện, thiết bị là hàng STST phục vụ các công trình, dự án lớn, phá vỡ tiến độ công trình, dự án, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, xã hội và Nhà nước.
Theo thông báo của Khu QLĐB II, hiện nay trên QL.1 đoạn từ Cảng Hòn La đến Đông Hà, QL.9 đoạn từ Đông Hà đến Cửa khẩu Lao Bảo và Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có rất nhiều cầu yếu, bị hạn chế tải trọng, nên việc vận chuyển hàng siêu trọng cần phải có giải pháp tháo gỡ.
Về kết quả công tác năm 2022, thực hiện Quy chế tổ chức hoạt động, Phương hướng hoạt động của Chi hội Vận tải hàng STST Nhiệm kỳ I (2022 - 2027) và Chương trình công tác năm 2022 của Hiệp hội VT ô tô Việt Nam, Ban Chấp hành Chi hội và các Hội viên Chi hội, bước đầu đã triển khai thực hiện được một số nội dung đã đề ra và một số nội dung phát sinh theo đề nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, của một số tổ chức thành viên của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và của các cơ quan, đơn vị khác.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Lãnh đạo Hiệp hội nhận định năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Các công trình, dự án đang thi công tiếp tục bị ngừng trệ hoặc không thể triển khai công trình, dự án mới; nguồn vốn vay tín dụng, vay ngân hàng cũng bị siết chặt cũng chưa thấy sáng sủa; tình trạng một số cầu hạn chế phải sửa chữa, khắc phục chưa thể xong được ngay.
Trong khi, việc áp dụng khoa học công nghệ mới liên quan đến vận tải hàng hóa nói chung và vận tải hàng STST nói riêng chưa được làm "đến nơi, đến chốn". Do đó vận tải hàng siêu trường, siêu trọng năm 2023 mặc dù có phát triển nhưng không thể thuận lợi như trước năm 2022.
Theo đó, về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Ban chấp hành Chi hội sẽ triển khai vận động các doanh nghiệp vận tải hàng STST có năng lực, nhiệt tình và có trách nhiệm chung và một tổ chức ngành nghề liên quan đến hoạt động và dịch vụ vận tải hàng STST tham gia vào Chi hội để tăng cường giao lưu, gắn bó, phối hợp hoạt động và mở rộng thị trường, dịch vụ phục vụ vận tải hàng STST.
Trực tiếp hoặc theo phân công của Hiệp hội tiếp tục chủ động tham gia, góp ý vào dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) và các dự thảo văn bản QPPL khác có liên quan đến lĩnh vực vận tải và dịch vụ vận tải hàng siêu trường, siêu trọng.
Ban chấp hành Chi hội sẽ chủ động hoặc tham mưu Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu và có văn bản kiến nghị phù hợp gửi các cơ quan quản lý các cấp thực hiện các chính sách, nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho các Hội viên doanh nghiệp vận tải hàng STST; đề xuất hội thảo để tổng hợp ý kiến, sau đó kiến nghị Bộ GTVT tổ chức đối thoại với doanh nghiệp vận tải hàng STST; phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền cho hoạt động vận tải hàng STST với tính chất, đặc thù lớn hơn, quy mô hơn, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng STST, trên tinh thần chấp hành nghiêm pháp luật GTĐB, đảm bảo an toàn công trình cầu đường và ATGT.