Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Trên cơ sở bám sát tình hình và từ kiến nghị của các cơ sở, Hiệp hội đã phát hành 9 văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng
6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu tăng kỷ lục đẩy chi phí vận tải tăng cao, cộng với ảnh hưởng hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây nên khiến cho ngành vận tải ô tô vẫn trong tình trạng khó khăn. Tuy Nhà nước có ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nhìn chung các đơn vị vận tải bằng xe ô tô rất ít có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng.
Song với tinh thần vượt khó của các doanh nghiệp thành viên, hoạt động vận tải ô tô đã từng bước phục hồi. Theo thống kê chưa đầy đủ, vận tải hàng hóa ước đạt 90%, vận tải hành khách ước đạt 60% so với trước đại dịch Covid-19 năm 2019. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tích cực đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, bảo vệ quyền lợi của hội viên cũng như xây dựng chính sách pháp luật.
Trên cơ sở bám sát tình hình và từ kiến nghị của các cơ sở, Hiệp hội đã phát hành 9 văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Điển hình như:
Hiệp hội đã có Công văn số 02 ngày 18/1/2022 đề nghị lùi thời gian thực hiện trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe.
Ngày 26/2/2022, Hiệp hội ban hành công văn số 03 kiến nghị hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lắp camera trên xe ô tô theo quy định tại Nghị định số 10 và Thông tư số 12.
Ngày 28/2/2022, Hiệp hội ra Công văn số 08 gửi Bộ GTVT về “Thực hiện chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 1/3/2022, Hiệp hội có Công văn số 09 gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam về “Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại Cop26 trong lĩnh vực đăng kiểm giao thông vận tải”.
Ngày 29/3/2022, Hiệp hội ra Công văn số 14 gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về “Đề nghị kiểm tra xử lý đối với phương tiện vi phạm hoạt động vận tải khách tuyến cố định”.
Ngày 30/3/2022, Hiệp hội ban hành Công văn số 15 cũng gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về phối hợp tổ chức hội nghị “Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ”.
Ngày 18/4, Hiệp hội có Công văn số 16 gửi Bộ GTVT về “Tham gia ý kiến đối với dự thảo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính các bon và khí mê tan của ngành Giao thông vận tải”.
Ngày 25/5/2022, Hiệp hội lại có Công văn số 26 gửi Cục Kiểm soát thủ tục hành chính để “Tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo cơ chế tham vấn chính sách, quy định kinh doanh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên môi trường điện tử”.
Cuối cùng, ngày 13/6/2022, Hiệp hội ban hành công văn số 29 về việc “Xem xét giải quyết một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 04/TT-BGTVT ngày 22/4”.
Cũng trong 6 tháng đầu năm Thường trực Hiệp hội đã tham gia hai chương trình “Vấn đề hôm nay” của VTV1 và một chương trình Tọa đàm trực tiếp trên VTC1 nêu quan điểm và kiến nghị tháo gỡ những vấn đề nóng của ngành vận tải ô tô. Ngoài ra lãnh đạo Hiệp hội cũng đã trả lời trên 50 cuộc phỏng vấn của báo chí liên quan đến Dự án Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi) và những vấn đề khác như: hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quản lý đào tạo, sát hạch lái xe, công tác đăng kiểm xe cơ giới, an toàn giao thông đường bộ và thu phí BOT…
Trong hoạt động đối ngoại, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã thống nhất với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam (Traffic) chuẩn bị tổ chức hai hội nghị tuyên truyền ngăn ngừa buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới Việt – Trung. Dự kiến Hiệp hội sẽ ký kết với Traffic văn bản ghi nhớ về việc “Phối hợp tuyên truyền bảo vệ động vật, thực vật hoang dã 5 năm 2022 – 2027”. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hiệp hội đã làm việc với tập đoàn Winner về nội dung chuyển đổi năng lượng sạch trong vận tải hành khách tại Việt Nam.
Trong công tác tổ chức, 6 tháng đầu năm 2022, tiếp thu ý kiến của Bộ Nội vụ về việc “Tổ chức lại hiệp hội cơ sở theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ”, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã xin ý kiến chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc TW để tổ chức lại hệ thống tổ chức hiệp hội cho phù hợp. Thường trực hội đã xem xét, chỉ đạo chuyển đổi các tổ chức hội. Cụ thể, sẽ chuyển đổi Hiệp hội Bến xe thành Chi hội Bến xe; Hiệp hội các doanh nghiệp vận tải phía Bắc thành Chi hội các doanh nghiệp vận tải phía Bắc.
Thời gian qua, nhiều Hiệp hội Vận tải ô tô các địa phương đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ hoặc kiện toàn lại công tác tổ chức. Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã quyết định giải thể 3 hiệp hội: Vận tải hành khách liên tỉnh; Vận tải hành khác công cộng; Taxi TP. HCM để tiến tới thành lập Hiệp hội vận tải hành khách thành phố Hồ Chí Minh. Quý III/2022, Hiệp hội sẽ chỉ đạo Đại hội thành lập Chi hội vận tải hàng siêu trường siêu trọng.