Tháng 3, nên quan tâm cổ phiếu nào?
Khan hiếm container và tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới nên giá cước vận tải đã bị đẩy lên cao, khiến cho lượng hàng hóa lưu thông qua cảng giảm. Giá dầu tăng cũng làm tăng chi phí vận chuyển và giảm nhu cầu vận tải biển.
Trong Báo cáo chiến lược công bố mới đây, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định thị trường chứng khoán trong tháng 3 có thể tiếp tục giằng co và dao động trong biên độ 1.450 - 1.535 điểm.
Thị trường có thể tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức như xung đột Nga - Ukraine. Căng thẳng chính trị tuy không tác động trực tiếp tới Việt Nam nhưng có thể tiếp tục làm cho giá cả các hàng hóa, đặc biệt là giá dầu leo thang, làm tăng áp lực lạm phát cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, cuộc họp của Fed dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3 và có thể tăng lãi suất ngay trong tháng này nhằm kiềm chế lạm phát. ABS cho rằng yếu tố này đã phần nào tác động tâm lý thị trường trong thời gian qua nên mức độ ảnh hưởng thời gian tới có thể không lớn. Ngoài ra, việc giá dầu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine có thể phần nào ảnh hưởng tới quyết định của Fed.
Cuối cùng là hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF vào tuần thứ 3 của tháng 3 cũng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý NĐT.
Tuy nhiên, thị trường cũng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, phải kể đến việc chính phủ có thể thúc đẩy tiến độ triển khai gói kích thích kinh tế và đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công, kết quả kinh doanh quý I và hướng tới mùa đại hội cổ đông.
Báo cáo tài chính năm 2021 của các ngân hàng cho thấy nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số ngân hàng như VPBank (tăng 60%), Vietinbank (49%), VIB (58%), HDB (43%). Bình quân số dư nợ xấu 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.
Tuy nhiên, ABS vẫn duy trì quan điểm lạc quan đối với cổ phiếu ngành ngân hàng nhờ kỳ vọng các thông tin về việc tăng vốn, nới room ngoại cũng như động thái chuyển sàn của một số nhà băng sẽ là động lực giúp nhóm này bật tăng trở lại, dẫn dắt thị trường. Đồng thời, lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ tăng trưởng nhờ vào sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của chính phủ.
Ngược lại, áp lực cải thiện NIM đang dần đè nặng lên các ngân hàng. Lãi suất cho vay dự báo khó tăng trong năm 2022 do mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, trong khi đó lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trở lại khi thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần bớt dồi dào do áp lực mùa vụ cận Tết nguyên đán. Ngoài ra, áp lực nợ xấu của ngân hàng có nguy cơ gia tăng và sẽ dần lộ rõ bản chất khi Thông tư (01, 03 và 14) về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực.
Nhận định về ngành chứng khoán, nhóm phân tích cho rằng ngành này nhiều khả năng sẽ giảm nhiệt so với năm 2021 vì có nhiều áp lực từ kiềm chế lạm phát, song nhìn chung vẫn là kênh đầu tư tiềm năng bởi lợi suất trái phiếu ước tính chỉ 2%/năm, còn cổ phiếu đến 6%/năm. Thị trường trái phiếu và cổ phiếu là bình thông nhau nên nếu không điều chỉnh gì thì cổ phiếu vẫn thu hút nhà đầu tư rót vốn.
Ngoài ra, áp lực rút vốn khối ngoại không còn nhiều và sự chuyển dịch dòng tiền sang thị trường mới nổi và thị trường cận biên có thể xảy ra do tương quan hấp dẫn giữa tăng trưởng và định giá hợp lý.
Tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng nhanh tạo điều kiện mở cửa và thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như cơ hội thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 - 3 năm tới sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Việt Nam.
Đặc biệt, hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022. Hệ thống giao dịch mới cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam.
Dù vậy, thách thức đối với ngành chứng khoán trong năm 2022 là thanh khoản có khả năng chậm lại hoặc không tăng trưởng thêm, gây áp lực lên doanh thu mảng môi giới của các công ty chứng khoán.
Hai là, hoạt động cho vay margin. Tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi quý trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 15% và 19%. Theo đó, dư nợ margin hiện tại đang ở mức cao nhất lịch sử, xấp xỉ 170 nghìn tỷ đồng, tăng 98,7%. Nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn để có thể cải thiện năng lực cho vay margin. Thêm đó, lãi suất tăng mạnh ngay từ đầu năm 2022 nhằm thu hút dòng tiền quay về ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Tiếp đó, hoạt động tự doanh vốn dĩ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các công ty chứng khoán lại được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong năm 2022 do chứng khoán không còn hấp dẫn như năm 2021.
Về cảng biển, theo nhóm nghiên cứu, hoạt động giao thương xuất nhập khẩu là động lực chính cho ngành cảng biển tăng trưởng khi kinh tế thế giới hồi phục và mở cửa trở lại. Ngoài ra, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, các Hiệp định FTA.
Bộ Giao thông vận tải đang trình chính phủ dự thảo sửa đổi TT 54/2018/TT-BGTVT về khung giá dịch vụ xếp dỡ tại các cảng biển Việt Nam. Theo đó, giá dịch vụ xếp dỡ tại cảng sẽ tăng 10% trong giai đoạn 2022 - 2024 tùy từng khu vực cảng. Nếu xảy ra, điều này sẽ giúp gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp cảng biển.
Tuy nhiên, ngành cảng biển có thể đối mặt với thách thức giá cước vận tải tăng làm gia tăng rủi ro ngắn hạn. Chỉ số BDI (cước hàng rời) sau khi tăng lên mức cao 5.650 hiện đã giảm về 2.148. Tuy đã giảm mạnh so với hồi tháng 10/2021 nhưng chỉ số BDI hiện tại vẫn cao hơn thời điểm đầu năm 60%. Nguyên nhân là khan hiếm container và tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới nên giá cước vận tải đã bị đẩy lên cao, khiến cho lượng hàng hóa lưu thông qua cảng giảm. Giá dầu tăng cũng làm tăng chi phí vận chuyển và giảm nhu cầu vận tải biển.
Diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn đang phức tạp trên toàn cầu khi làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới và làm giảm nhu cầu tiêu thụ, đồng thời ảnh hưởng tới cả khía cạnh nhân sự của ngành.
Nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công, Luật Đất đai 2013 có thể sẽ được xúc tiến sửa đổi trong năm 2022 để hoàn thành vào tháng 5/2023 như dự kiến sẽ có thể đưa ra quy định cụ thể về hệ số đền bù giá đất nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng vốn là điểm vướng của nhiều dự án bất động sản hiện nay.
Ngoài ra, việc chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế, đặc biệt GDP được dự báo tăng 6,5 - 7% trong năm 2022 không chỉ tạo cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội.Theo công ty chứng khoán, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng dự kiến sẽ hưởng lợi từ điều này.
Trong thời gian tới, triển vọng ngành bất động sản KCN vẫn được đánh giá khả quan nhờ các yếu tố các doanh nghiệp bất động sản nắm giữ quỹ đất khu công nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi nhờ nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp theo hợp đồng ghi nhớ (MOU) đã ký trong năm 2021 sẽ được hoàn tất trong 2022. Hiện, diện tích đã ký MOU tại Bình Dương đạt 250ha, tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An đạt khoảng 200ha.
Việc giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam dần được cải thiện cũng là điểm sáng cho sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới khi giá đất trước đó vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, đầu tư công được đẩy mạnh cũng là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong năm 2022. Các dự án hạ tầng như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Dây – Phan Thiết, cao tốc Bắc – Nam, cảng Thị Vải – Cái Mép, cảng Gemalink sẽ tạo giao thông thuận tiện kết nối các khu công nghiệp.
Việc thích ứng linh hoạt với đại dịch, chủ trương tiến đến trạng thái bình thường mới cùng việc mở lại các đường bay quốc tế cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến các dự án bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.
Nhóm phân tích lưu ý một số rủi ro của ngành bất động sản KCN như rủi ro đến từ chính sách giá mới của chính phủ đối với đất KCN có thể tăng chi phí đền bù của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản KCN từ năm 2022.
Bên cạnh đó, rủi ro đến từ việc chi phí vận chuyển cao nhất so với các quốc gia khác, ở mức 25% sẽ gây khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa.
Nhóm nghiên cứu dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 9,2 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là điểm sáng của ngành. Theo VASEP, dự báo xuất khẩu tôm năm 2022 của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10%, đạt 4,3 tỷ USD trong khi đó kim ngạch xuất khẩu cá tra dự báo đạt trên 1,6 tỷ USD.
Giá cá tra và giá tôm dự báo tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong quý I và II do tình trạng thiếu nguyên liệu và nhu cầu phục hồi tại các thị trường tiêu thụ. Đồng thời, ngành thủy sản của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại như EVFTA & UKVFTA.
Ngành thủy sản cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức như giá thức ăn cho tôm và cá tăng cao, chi phí vận chuyển logistics tăng, giá dầu tăng làm tăng chi phí vận chuyển, cũng như áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.