Giải ngân vốn công đang thấp hơn kế hoạch
Có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (32,65%), Thái Bình (31,7%), Lai Châu (27,3%).
Theo Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm, cả nước giải ngân được trên 44.600 tỷ đồng, đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,09%). Trong đó, vốn trong nước đạt 9,22%, vốn nước ngoài đạt 0,20%.
Có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Trong đó, có một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (32,65%), Thái Bình (31,7%), Lai Châu (27,3%).
2 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn tuy cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân là trong tháng 1, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2021 đến hết thành 31/1 và khiển khai phân bổ kế hoạch vốn năm nay. Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 2 và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại số địa phương đã ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 khẩn trương thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho các dự án theo đúng quy định của Chính phủ.
Với các dự án chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2022 do chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền giao danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này cho các dự án, thực hiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 sau khi các dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và kế hoạch của Thủ tướng.