Chuyên mục


Siết chặt quản lý xe đưa đón học sinh trước thềm năm học mới

29/08/2024 12:50 (GMT +7)

Chỉ còn vài ngày nữa là đến năm học mới 2024-2025, để bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển, đưa đón học sinh, các cơ quan liên ngành của TP.Hà Nội đã và đang vào cuộc, tăng cường rà soát, kiểm tra, quản lý hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Nguy cơ sự cố vẫn luôn rình rập

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 100 đơn vị vận tải làm dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô, phục vụ hơn 19.000 học sinh mỗi ngày.

Dù tạo thuận tiện cho phụ huynh nhưng thực tế, dịch vụ xe đưa đón học sinh còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu sót trong quy định pháp luật và giám sát thực hiện. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số trường hợp xe đưa đón học sinh không có phù hiệu "xe hợp đồng" hoặc sử dụng xe không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Thời gian qua đã xảy ra một số sự cố liên quan đến hoạt động đưa đón học sinh, gây hậu quả đáng tiếc. Mới đây nhất, hồi tháng 5/2024, một học sinh mầm non ở Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong. Tương tự, năm 2019, một học sinh lớp 1 ở Hà Nội cũng tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe.

Ngoài ra, còn ít nhất 3 trường hợp khác học sinh bị bỏ quên trên xe nhưng may mắn tự thoát hoặc được cứu thoát kịp thời. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do sử dụng xe hết niên hạn, xe không đủ điều kiện, nhưng không được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Tăng cường kiểm tra xe đưa đón học sinh bằng ô tô

Tăng cường kiểm tra xe đưa đón học sinh bằng ô tô

Trẻ em là đối tượng yếu thế, thiếu kỹ năng tự thoát hiểm, cho nên trong những trường hợp rủi ro, mức độ nguy hiểm cao hơn, nguy cơ thương tích lớn hơn. Tuy nhiên, hiện quy định về xe đưa đón học sinh chưa được luật hóa. Hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô hiện nay chủ yếu thông qua hợp đồng kinh doanh vận tải.

Bên cạnh quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, thì quy trình kiểm soát an toàn đưa đón học sinh do nhà trường tự xây dựng. Nếu doanh nghiệp vận tải và nhà trường chủ động kiểm tra, giám sát, quản lý lái xe, phương tiện và tuân thủ quy trình thì việc đưa đón học sinh bảo đảm an toàn; ngược lại, nguy cơ sự cố sẽ luôn rình rập.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Để hạn chế những vụ việc thương tâm như trên, Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã dành 1 điều với 6 khoản quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.

Cụ thể, tại Điều 46 Luật Trật tự An toàn giao thông quy định: Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh; phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.

Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

Bên cạnh đó, luật cũng tăng cường trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông của cơ sở tổ chức đưa đón trẻ.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long đánh giá, thời điểm sắp bước vào năm học mới, công tác bảo đảm an toàn giao thông trong việc đưa đón học sinh qua dịch vụ xe hợp đồng rất quan trọng.

Để bảo đảm chất lượng xe phục vụ vận chuyển học sinh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện, chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe không đủ điều kiện quy định.

Các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá tải cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu "xe hợp đồng" hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển…

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo Thanh tra Sở GD&ĐT phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đặc biệt đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô.

Theo các chuyên gia, trước hết doanh nghiệp vận tải và nhà trường phải thường xuyên kiểm tra, chủ động rà soát, tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh. Việc kiểm tra gồm đánh giá lại quy trình, tiêu chuẩn, cập nhật, bổ sung thêm khi cần thiết.

Đặc biệt, doanh nghiệp và nhà trường cần tập huấn, hướng dẫn nhân viên, giáo viên, học sinh cách thức lên xuống xe, kiểm tra xe trước khi đón, trả và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ, va chạm giao thông, phương tiện hư hỏng hay bị quên trên xe…

Về phía cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra, rà soát các trường học có sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh, qua đó chấn chỉnh khi quy trình có vấn đề, xử lý khi phương tiện không bảo đảm quy định…

Với tính chất đặc biệt của loại hình vận tải, đưa đón học sinh bằng xe ô tô, cơ quan chức năng cần sớm luật hóa, ban hành quy trình, tiêu chuẩn riêng với phương tiện, người lái, cách vận hành…

Theo Báo điện tử Chính phủ
Giải pháp vận hành trở lại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau bão số 3
Bão số 3 - siêu bão Yagi tuy không có thiệt hại về người trên tuyến Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp và để lại thiệt hại lớn về kết cấu hạ tầng và các công trình giao thông trên tuyến.

Phà ra đảo Cát Bà hoạt động trở lại
Sau nhiều giờ dừng phục vụ để đảm bảo an toàn trong bão số 3, từ 12 giờ trưa nay (9/9), phà Đồng Bài – Cái Viềng nối đảo Cát Bà với đảo Cát Hải của Hải Phòng đã chính thức hoạt động trở lại.

Phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Pleiku tầm nhìn đến năm 2050
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Pleiku thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vietjet tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet vừa công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Cật nhật giá xăng, dầu từ ngày 5/9
Giá xăng và dầu cùng giảm từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính. Trong đó, giá xăng về dưới 21.000 đồng một lít.

Quảng Ninh: Mở tuyến vận tải hành khách du lịch tới Nam Ninh - Trung Quốc
Ngày 4/9, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin về tuyến vận tải xuyên quốc gia kết nối Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Cước vận tải biển hạ nhiệt
Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, cước vận tải biển giảm mạnh ở tuyến châu Á - bờ Tây nước Mỹ và châu Âu là tín hiệu tích cực cho thị trường vận tải biển giúp giảm chi phí vận tải, dễ dàng hơn trong việc đặt chỗ và tăng hiệu quả kinh doanh