Chuyên mục


Không lo lỡ tàu, thiếu xe dịp 2/9

23/08/2024 14:05 (GMT +7)

Dịp Quốc khánh 2/9, các đơn vị vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không đều lên kế hoạch tăng chuyến. Do đó, người dân không lo đối mặt với việc thiếu tàu xe để du lịch, đi lại thăm thân.

Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp từ 31/8 đến hết 3/9. Chính vì thế, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không, đường sắt và vận tải đường bộ đều lên kế hoạch huy động phương tiện, tàu xe, tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Người dân cũng không nên hoang mang, lo lắng giá vé tăng cao. Vì các đơn vị vận tải đường bộ đều công bố không tăng giá cước tuỳ tiện, vé tàu và vé máy bay tương đối ổn đinh.

Vận tải đường bộ không để xảy ra tình trạng quá tải

Với tâm lý nghỉ lễ "tranh thủ" đi chơi nên nhu cầu đi lại của người dân vào thời điểm này sẽ tăng cao. Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội dự kiến lưu lượng hành khách tăng từ chiều 30/8, ngày 31/8 và sau dịp nghỉ lễ từ chiều ngày 3/9. Tại bến Mỹ Đình, số lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 22.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 350% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 950 lượt xe/ngày, chủ yếu ở các tuyến đường như Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng.

Các bến xe cũng theo dõi lưu lượng khách, phương tiện vận tải trên từng tuyến để có kế hoạch điều chỉnh, tập trung, phục vụ các tuyến trọng điểm, không để ùn tắc, ứ đọng khách

Các bến xe cũng theo dõi lưu lượng khách, phương tiện vận tải trên từng tuyến để có kế hoạch điều chỉnh, tập trung, phục vụ các tuyến trọng điểm, không để ùn tắc, ứ đọng khách

Tại bến xe Giáp Bát, số lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 20.000 lượt/ngày, tăng 350% so với ngày thường; lượt xe dự kiến từ 850 - 900 lượt xe/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa... 

Do đó, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội sẽ tăng cường tăng cường 700 lượt xe cho các bến. Trong đó, Bến xe Giáp Bát được tăng cường 220 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 80 xe và Bến xe Mỹ Đình tăng cường 400 xe. Đơn vị này khuyến cáo người dân nên vào bến mua vé, không đón xe dọc đường để đảm bảo an toàn giao thông và tránh tình trạng một số nhà xe có thể tăng giá vé tùy tiện. 

Phía TP.HCM, tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), dự kiến hành khách đi lại trong 5 ngày lễ đạt khoảng 36.300 khách, trong đó hành khách tăng cao nhất ngày 30/8 với 9.000 lượt, tăng gấp đôi so với ngày thường. Hành khách chủ yếu đi các tuyến TP HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên…

Về giá vé, đại diện Bến xe Miền Đông mới cho biết các doanh nghiệp nếu điều chỉnh tăng giá vé bù chiều xe chạy rỗng chỉ tăng trong 2 ngày 30-8 và 31-8. Theo đó khu vực từ Đà Nẵng trở vào đến Bình Thuận, các tuyến khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực miền Tây phụ thu không quá 40% so với ngày thường.

Bến xe miền Tây (quận Bình Tân) là bến có lượng khách cao nhất kỳ nghỉ Lễ năm nay, với lợi thế là các tuyến có cự ly ngắn về các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 5 ngày nghỉ lễ, bến xe dự kiến sẽ phục vụ hơn 200.000 lượt khách (hơn 8.500 lượt xe). So với ngày thường, sản lượng hành khách dự kiến tăng hơn 114% và sản lượng xe tăng hơn 47%.

Bến xe miền Tây sẽ bán vé từ 5 giờ đến 21 giờ trong ngày đối với các đơn vị vận tải ủy thác bến xe bán vé và 24/24 giờ với các đơn vị vận tải tự bán vé. Ngoài ra, các đơn vị vận tải tự bán vé như Phương Trang, Thành Bưởi, Kumho Samco, Tuấn Nga, Hùng Cường cùng các nhà xe thương hiệu khác có kế hoạch bán vé trước qua tổng đài, trang web riêng.

Theo lãnh đạo Bến xe miền Tây, bến xe sẽ sắp xếp điều động phương tiện vận chuyển hành khách hợp lý để nhanh chóng giải tỏa hành khách. Bến xe cũng theo dõi lưu lượng khách, phương tiện vận tải trên từng tuyến để có kế hoạch điều chỉnh, tập trung, phục vụ các tuyến trọng điểm, không để ùn tắc, ứ đọng khách.

Đường sắt thêm nhiều chuyến tàu

Tương tự như vận tải đường bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lên kế hoạch tăng nhiều mác tàu khách trên các tuyến, đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội như: Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, sinh viên,... Đặc biệt, khi mua vé khứ hồi, hành khách sẽ được giảm 5% giá vé lượt về cho cá nhân và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên.

Dự kiến, lưu lượng hành khách sẽ tập trung vào một số địa phương có các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nhiều hoạt động giải trí. Theo đó, số lượng tàu chạy dịp này cũng được tăng cường. Chẳng hạn, riêng tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngoài việc chạy thường xuyên hằng ngày các đôi tàu đang chạy như SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, SE11/SE12 (Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội), SE21/SE22 (Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng), SNT1/SNT2 (Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang), SPT1/SPT2 (Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết), SE19/SE20 (Hà Nội - Đà Nẵng), HĐ1/HĐ2, HĐ3/HĐ4 (Huế - Đà Nẵng), NA1/NA2 (Hà Nội - Vinh), sẽ tổ chức chạy thêm các đoàn tàu từ ga Sài Gòn đến các ga Nha Trang, Quy Nhơn và ngược lại, từ Nha Trang đến Đà Nẵng và ngược lại, từ Hà Nội đến Quảng Bình và ngược lại.

Còn ở khu vực phía Bắc, tuyến Hà Nội - Lào Cai, chạy thêm tàu SP7 xuất phát tại Hà Nội ngày 30/8; tàu SP8 xuất phát từ ga Lào Cai ngày 31/8. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tổ chức chạy thêm các tàu LP9, HP3 xuất phát từ ga Hà Nội; chạy thêm các tàu LP10, HP4 xuất phát từ ga Hà Nội và tàu HD2 xuất phát từ ga Hải Dương.

 

Giá vé máy bay dịp 2/9 có chiều hướng tăng, tuy nhiên xuất hiện chủ yếu vào ngày bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ lễ. Còn trong những ngày giữa kỳ nghỉ, giá vé cơ bản tương đối ổn định, giữ mức tương đương với các ngày trước kỳ nghỉ

Giá vé máy bay dịp 2/9 có chiều hướng tăng, tuy nhiên xuất hiện chủ yếu vào ngày bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ lễ. Còn trong những ngày giữa kỳ nghỉ, giá vé cơ bản tương đối ổn định, giữ mức tương đương với các ngày trước kỳ nghỉ

Hàng không “ổn định” giá vé, ưu tiên khách nội địa

Các hãng hàng không Việt Nam đều đã có kế hoạch triển khai tăng số lượng chuyến bay trên các đường bay khai thác. Đặc biệt là tăng các đường bay du lịch nội địa, giảm bớt khai thác trên các đường bay quốc tế (giảm nhẹ 2%).

Được biết, dịp này các hãng hàng không Việt Nam sẽ khai thác tổng số 4.257 chuyến bay, bình quân 840 chuyến/ngày, tăng 3% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số chuyến bay nội địa bình quân là 600 chuyến/ngày, tăng 5% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023; số chuyến bay quốc tế bình quân là 241chuyến/ngày, giảm 2% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Với các đường bay kết nối 3 thành phố lớn: Hà Nội - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh, các hãng hàng không đẩy mạnh khai thác có số chuyến bay tăng cao, với bình quân 241 chuyến/ngày, tăng 8% so với tuần trước lễ và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các đường bay du lịch nội địa đến các địa phương như Vinh, Bình Định, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc,… và đường bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến các địa phương cũng được các hãng đẩy mạnh khai thác, với bình quân 171 chuyến/ngày trên các đường bay du lịch nội địa và 187 chuyến/ngày đến các địa phương khác, tăng lần lượt 2% và 4% so với tuần trước nghỉ lễ.

Về giá vé, do vào dịp Lễ lại được nghỉ dài ngày nên giá máy bay dịp 2/9 có chiều hướng tăng, tuy nhiên xuất hiện chủ yếu vào ngày bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ lễ. Còn trong những ngày giữa kỳ nghỉ, giá vé cơ bản tương đối ổn định, giữ mức tương đương với các ngày trước kỳ nghỉ.

Nếu so sánh với dữ liệu với dịp cao điểm nghỉ Lễ 30/4-1/5/2024, dù cũng là giai đoạn cao điểm trong năm, giá vé dịp Lễ 2/9 đã giảm hơn đáng kể và duy trì nhịp ổn định. Theo đó, giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa trong giai đoạn này đều thấp hơn, dao động 40%-60% với mức tối đa theo quy định.

Hồng Mến
Ngành đường sắt nỗ lực khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3
Bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho hệ thống đường sắt phía Bắc, với tổng thiệt hại ước tính hơn 200 tỷ đồng. Hiện tại, ngành đường sắt đang tập trung toàn lực khắc phục sự cố để sớm khôi phục hoạt động.

Cần gần 3.000 tỷ đồng để khắc phục các tuyến quốc lộ sau bão
Theo Bộ GTVT, ước tính giá trị thiệt hại ban đầu cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra các tỉnh miền Bắc vào khoảng 2.900 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng 800 tỷ đồng).

Đề xuất xây cầu Phong Châu 865 tỷ đồng
Hai là, gia cố, nâng cấp đoạn đê, kè xung yếu và hệ thống tường ngăn lũ thuộc đê tả, hữu sông Thao (kết hợp Quốc lộ 2D và Quốc lộ 32C) với quy mô dự kiến là 18 km; tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 100%).

Đề nghị miễn phí đường bộ cho xe chở hàng cứu trợ vùng ảnh hưởng bão lũ
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án BOT đề nghị miễn phí đường bộ cho xe chở hàng cứu trợ.

Vietnam Airlines kịp thời chuyển gần 30 tấn hàng đến vùng bão lũ
Chỉ sau 2 ngày triển khai, Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 30 tấn hàng hóa như: áo phao, thuốc men, thực phẩm, đồ uống... cứu trợ vùng bão lũ miền Bắc.

Giải pháp vận hành trở lại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau bão số 3
Bão số 3 - siêu bão Yagi tuy không có thiệt hại về người trên tuyến Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp và để lại thiệt hại lớn về kết cấu hạ tầng và các công trình giao thông trên tuyến.

Phà ra đảo Cát Bà hoạt động trở lại
Sau nhiều giờ dừng phục vụ để đảm bảo an toàn trong bão số 3, từ 12 giờ trưa nay (9/9), phà Đồng Bài – Cái Viềng nối đảo Cát Bà với đảo Cát Hải của Hải Phòng đã chính thức hoạt động trở lại.