Chuyên mục


Mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp

17/05/2024 14:15 (GMT +7)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng phải xác định rõ trách nhiệm chính trị trong việc bảo đảm cung cấp vật liệu san lấp để hoàn thành đúng tiến độ các tuyến giao thông huyết mạch

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 225/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về kết quả khảo sát nắm tình hình và làm việc với các bộ, địa phương về bảo đảm vật liệu san lấp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Đảm bảo vật liệu san lấp là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Đảm bảo vật liệu san lấp là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, của vùng. Đối với việc đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp, Quốc hội, Chính phủ đã có các cơ chế, chính sách đặc thù. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra, có nơi còn thiếu sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp kịp thời của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân, còn tình trạng chậm giải quyết các thủ tục giao, cấp và khai thác mỏ vật liệu…

Bên cạnh đó, chưa có kế hoạch phù hợp để xác định chính xác nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp theo tiến độ yêu cầu của từng dự án phù hợp với công suất khai thác của các mỏ dẫn đến chưa bảo đảm đủ vật liệu san lấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Tài nguyên khoáng sản (các mỏ vật liệu) là của quốc gia, được phân cấp cho địa phương trực tiếp quản lý.

Do vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng phải xác định rõ trách nhiệm chính trị trong việc bảo đảm cung cấp vật liệu san lấp để hoàn thành đúng tiến độ các tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển của vùng và kết nối liên vùng.

Việc hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng để đưa vào sử dụng các tuyến giao thông kết nối liên vùng là nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao và là nguyện vọng của nhân dân. Đảm bảo vật liệu san lấp là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tiến độ của các dự án, yêu cầu các bộ, ngành theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để tình trạng thiếu vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các địa phương: Lập phương án tổng thể nhu cầu về vật liệu san lấp cho dự án theo tiến độ cụ thể; đánh giá kỹ lưỡng khả năng cung ứng của cát sông từ các mỏ hiện hữu đang khai thác, khả năng nâng công suất; mỏ mới; tận dụng cát từ hoạt động nạo vét (lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông); tính đúng, tính đủ, đánh giá chính xác khả năng khai thác thực tế, không tính toán theo trữ lượng. Trên cơ sở đó, đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm giải quyết của từng tập thể, cá nhân (ở Trung ương, địa phương); hoàn thành trong tháng 5/2024, báo cáo Thủ tướng.

Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công…) cho các địa phương, chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; khẩn trương báo cáo Thủ tướng về Nghị định thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Đồng thời hướng dẫn các địa phương hoạt động nạo vét lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông kết hợp tận thu cát để làm vật liệu san lấp.

Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành thủ tục giao biển trước ngày 20/5/2024 theo đúng quy định của pháp luật để Sóc Trăng thực hiện các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác làm vật liệu san lấp theo cơ chế đặc thù, bảo đảm hoạt động khai thác được thực hiện trong tháng 5/2024.

Bộ TN&MT chủ trì lập Báo cáo về cát san lấp và cát biển, trong đó báo cáo rõ: Trữ lượng các mỏ có thể khai thác (đối với mỏ đang khai thác, việc nâng công suất, mỏ mở mới…); khả năng khai thác khả dụng của từng mỏ cho từng dự án; vướng mắc (nếu có) và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong giải quyết vướng mắc, thời hạn giải quyết xong vướng mắc (theo nguyên tắc thủ tục ở cấp nào người đứng đầu ở cấp đó phải chịu trách nhiệm và phải chủ động giải quyết); trên cơ sở phương án tổng thể nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án giao thông khu vực phía Nam, chủ trì lập phương án và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024.

UBND TP. HCM chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ triển khai Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM; khẩn trương phối hợp với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre và các địa phương có liên quan để giải quyết thủ tục khai thác, giao mỏ cát làm vật liệu san lấp theo cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng đối với dự án này, hoàn thành trước ngày 15/6/2024.

Chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án, nhà thầu khẩn trương tính toán, đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển với Bộ GTVT và với UBND tỉnh Sóc Trăng trước ngày 20/5/2024; chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý hoạt động khai thác, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng cát biển không đúng mục đích.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, GTVT, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ… hỗ trợ, hướng dẫn UBND tỉnh Sóc Trăng và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan trong quá trình khai thác cát biển; chủ động giải quyết theo thẩm quyền đối với những vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động khai thác cát biển theo quy định của pháp luật.

UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau… khẩn trương thực hiện giao mỏ khoáng sản cho nhà thầu khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sông) theo cơ chế đặc thù để phục vụ các công trình, dự án giao thông trọng điểm; thực hiện nâng công suất khai thác theo đúng quy định của pháp luật và các cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng, nhằm bảo đảm yêu cầu cung cấp cát san lấp cho các dự án, gắn với việc quan trắc để theo dõi tác động của hoạt động khai thác đến dòng chảy và sạt lở bờ sông.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam khẩn trương chuẩn bị phương án, thủ tục liên quan để có thể thực hiện ngay khi được cấp có thẩm quyền phân cấp giải quyết đối với hoạt động nạo vét luồng lạch bảo đảm giao thông đường thủy an toàn (bao gồm cả nạo vét, khai thác cồn cát, bãi bồi đang làm cản trở dòng chảy trên các sông, nằm ở vị trí không ảnh hưởng đến dân cư, công trình hạ tầng), đồng thời bổ sung nguồn vật liệu cho san lấp cho các dự án giao thông.

Các địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời chăm lo cho người dân khu vực khai thác mỏ khoáng sản, đặc biệt là các gia đình chính sách; bảo đảm công khai, minh bạch và cùng nhân dân giám sát thực hiện, không để hoạt động khai thác cát sông làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Trang Anh
TP Hà Tĩnh mở rộng được công nhận đô thị loại II
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1515 ngày 5/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hà Tĩnh mở rộng thuộc tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II.

Bắc Ninh dự chi 154 tỷ đồng xóa 'điểm nóng' ô nhiễm môi trường
Tỉnh Bắc Ninh dự kiến chi 154,5 tỷ đồng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở 3 điểm nóng ô nhiễm di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Quảng Bình: Phát hiện nhóm người vận chuyển động vật trong danh mục Sách đỏ Việt Nam
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện nhóm người vận chuyển, mua, bán trái phép cá thể động vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam.

Bắc Ninh sửa cầu Hồ, giao thông bến đò ùn tắc
Trong thời gian cầu Hồ (Bắc Ninh) sửa chữa, lượng người và phương tiện tăng đột biến khiến các bến đò khách ngang sông, các điểm nút giao thông qua cầu Kinh Dương Vương nhiều lúc rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông, di chuyển khó khăn.

Đồng Tháp có 2 phường mới sau sắp xếp đơn vị hành chính
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1284/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023-2025.

Hà Nội sẽ có 56 đơn vị hành chính cấp xã mới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

Xe máy phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới
Bắt đầu từ năm 2026, xe mô tô hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn khí thải (TCKT) Mức 4 thay vì Mức 3 như hiện tại. Trong khi đó, xe gắn máy hai bánh sẽ phải đáp ứng TCKT Mức 4 từ ngày 1/7/2027, thay vì Mức 2 như hiện nay.