Thí điểm cát biển làm nền: Đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền, các chỉ tiêu kỹ thuật
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng vật liệu cát biển hiện nay đang thí điểm đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải, độ ổn định, có giá trị tương tự như sử dụng cát sông. Hiện, chưa có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, vật nuôi xung quanh.
Trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 07/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã làm rõ nhiều nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến thí điểm cát biển làm vật liệu xây dựng đắp nền, giải pháp thu hút đầu tư vào dự án PPP.
Đạt yêu cầu về các chỉ tiêu kỹ thuật
Về việc nghiên cứu thí điểm cát biển làm vật liệu xây dựng đắp nền, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án công trình giao thông, tháng 3/2023, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập tổ công tác với các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, triển khai quyết liệt việc nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo, đặc biệt thực hiện thí điểm trên các công trình giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, qua 5 lần quan trắc và qua nhiều cuộc họp đánh giá, chất lượng vật liệu cát biển hiện nay đang thí điểm là đã đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải, độ ổn định, có giá trị tương tự như sử dụng cát sông, hiện nay chưa có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, vật nuôi ở khu vực xung quanh.
Theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để mở rộng mẫu thí điểm ra các vùng khác nhau như Hải Phòng, Vũng Tàu. Tháng 12 tới, Hội đồng đánh giá cấp bộ sẽ họp và có đánh giá tổng kết dự án, qua đó Bộ sẽ triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục để mở rộng diện tích thí điểm với một số dự án đường cao tốc cũng như cho phép sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ, việc khai thác, sử dụng cát biển vẫn cần đảm bảo khai thác bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm về việc làm rõ chất lượng, tiềm năng, khả năng khai thác của các vùng miền.
Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án PPP
Về giải pháp thu hút đầu tư vào các dự án PPP giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, sau khi ban hành Luật PPP, chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án PPP.
Hiện nay trên cả nước, theo thống kê về đầu phương tiện có 5,2 triệu ô tô, riêng TP.Hà Nội và TPHCM chiếm xấp xỉ 50%, do phân bổ không đồng đều nên việc thu hút vốn vào dự án PPP giao thông khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều dự án từ những năm 2016 hiện vẫn đang có vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp.
Từ thực trạng nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Một trong những yếu tố thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án PPP là tăng tỷ lệ vốn nhà nước, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định. Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia, nhiều nước không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án, điều quan trọng là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí.