Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm không dùng barie ở lối vào thu phí
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là tuyến đầu tiên cả nước áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn.
Ngày 19/10, đại diện Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (thuộc Tập đoàn Sơn Hải, chủ đầu tư dự án) cho biết đây là tuyến đầu tiên cả nước áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn.
Trạm thu phí không dừng trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ triển khai thu phí BOT với công nghệ tự động không dừng hoàn toàn, hạn chế việc giảm tốc độ của phương tiện qua trạm. Đây cũng là lần đầu tiên có một trạm thu phí BOT được thiết kế theo công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn.
Việc xác định thu phí ETC ngay từ đầu giúp trạm BOT có kết cấu đơn giản, chỉ mất 21 ngày để lắp đặt. Theo thiết kế mới, lối vào đường cao tốc gồm một làn ETC và một làn dừng khẩn cấp, không có thanh chắn barie và cabin thu phí. Khi tài xế phóng thẳng qua trạm, thiết bị gắn trên giá long môn sẽ tự động đọc thẻ ETC dán trên xe.
Trong khi đó, lối ra cao tốc gồm 2 làn ETC, vẫn duy trì barie tự động và một cabin thu phí. Tuy nhiên, công nghệ được nâng cấp để xe có thể đi qua với tốc độ 60km/h trong khi hệ thống vẫn kịp đọc thẻ, trừ tiền (thay vì 40km/h như trước đây).
Việc giảm bớt vách ngăn, cabin thu phí và barie giúp tiết kiệm diện tích và nhân lực vận hành trạm thu phí. Kết cấu của trạm mới chủ yếu là giá long môn để gắn các camera, thiết bị nhận diện thẻ ETC (hệ thống FrontEnd). Chủ đầu tư dự kiến đến 30/12, toàn bộ hệ thống ETC trên tuyến sẽ hoàn thành.
Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, 4 làn xe, tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng, thông xe từ ngày 19/5 nhưng chưa thu phí. Tuyến được tính toán thời gian thu phí giúp hoàn vốn trong 16 năm 4 tháng, song thời gian và mức thu phí chưa được nhà đầu tư chốt.
Cao tốc không lắp barie và cabin ở khu vực thu phí đã được nhiều nước áp dụng trong đó có các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Canada,...
Nhật Bản, Hệ thống thu phí không dừng ETC đã được triển khai tại Nhật Bản từ năm 2001. Hệ thống này sử dụng thẻ RFID gắn trên xe để tự động thanh toán phí qua trạm thu phí. Tại Hàn Quốc, hệ thống thu phí không dừng Hipass đã được triển khai tại Hàn Quốc từ năm 2000. Hệ thống này sử dụng thẻ RFID gắn trên xe để tự động thanh toán phí qua trạm thu phí.
Ưu điểm của hệ thống thu phí không dừng này là giúp tăng lưu lượng xe qua trạm, giảm thời gian chờ đợi của các phương tiện, từ đó góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì trạm thu phí.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ tại cuộc họp mới đây cho biết Cục Đường bộ đang được giao nhiệm vụ chuẩn bị hành lang pháp lý để tiến tới bỏ barie thu phí trên các cao tốc.