Chuyên mục


Nỗi buồn của cao tốc!

25/07/2023 13:03 (GMT +7)

Cao tốc được ví von như những xương sống quốc gia, mạch máu tăng sức phát triển cho các địa phương trong thời kỳ mới. Vì đó mà Chính phủ đang tập trung nguồn lực giải ngân vốn công. Thế nhưng, vì điều gì mà người dân bức xúc, ám ảnh với cao tốc?

Cao tốc - thước đo của nền kinh tế quốc gia

Có thể thấy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đường bộ cao tốc là công trình kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. 

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đường bộ cao tốc gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa của nhiều nước trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ có khoảng 75.000 km đường cao tốc liên bang, Đức hơn 13.000km, Nhật Bản gần 10.000km, Hàn Quốc hơn 6.160km đường bộ cao tốc…

Ở nước ta, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62%, Long An 10,23%... trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó xác định một trong 3 đột phá chiến lược là "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị" với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông…".

Năm 2023 được đánh dấu là một năm bứt tốc của các công trình giao thông. Sau khi hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 150 km được khánh thành vào giữa tháng 6, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đang khai thác lên 1.729 km.

Cùng với đó là hàng loạt dự án với tổng chiều dài 350 km (5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 dài 229 km; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km; Bến Lức - Long Thành 58 km và Tuyên Quang - Phú Thọ 40 km) cũng được triển khai với tinh thần “3 ca 4 kíp, thi công xuyên lễ, xuyên Tết” sẽ nâng tổng số km đường cao tốc của Việt Nam lên mức cao.

Ba làn tại nút giao Cam Lâm trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được chắn để lắp khe co giãn

Ba làn tại nút giao Cam Lâm trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được chắn để lắp khe co giãn

Theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, về tốc độ tính toán, đường cao tốc được phân làm 4 cấp: Cấp 60 có tốc độ tính toán là 60 km/h; cấp 80 có tốc độ tính toán là 80 km/h; cấp 100 có tốc độ tính toán là 100 km/h; cấp 120 có tốc độ tính toán là 120 km/h. Trong đó, cấp 60 và 80 áp dụng ở địa hình khó khăn vùng núi, đồi cao và ở những vùng có hạn chế khác; cấp 100 và 120 cho vùng đồng bằng. 

Khoảng từ 15 km đến 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe.

Khoảng từ 50 km đến 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn). Khoảng từ 120 km đến 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn).

Các trạm phục vụ phải được bố trí ở những chỗ ra, vào thuận tiện, không che khuất tầm nhìn của các đoạn dốc hoặc đường vòng và xa các chỗ giao nhau; lối ra vào phải rộng trên 6 m và khống chế tốc độ dưới 40 km/h. Nên bố trí các trạm này (đặc biệt là trạm cung cấp xăng, dầu) đều, đối xứng (gần như đối diện, nếu lệch vẫn có thể trông thấy nhau) và có khả năng cung cấp, phục vụ như nhau. Đối với nhà ăn, khách sạn có thể bố trí cả về một phía đường nhưng lúc này phải làm cầu vượt hoặc hầm chui đường cao tốc cho hành khách, còn bãi đỗ xe vẫn phải bố trí ở cả hai bên đường. Quy mô của các trạm này phải được dự tính trên cơ sở lưu lượng, thành phần dòng xe, số người đi xe cho mỗi loại dịch vụ tại trạm.

Dải an toàn phía lề đường (cũng được gọi là làn dừng xe khẩn cấp) cũng là thành phần bắt buộc phải có trong thiết kế cao tốc. Điều 6.3.3 của TCVN 5729: 2012 quy định làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 2,5 mét. Trong trường hợp địa hình rất khó khăn, hoặc để rút ngắn khẩu độ công trình vượt hay công trình qua đường thì điều 6.6 có quy định chi tiết: Nếu được cấp quyết định đầu tư chấp thuận thì được phép chỉ bố trí dải dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài 30 mét cách nhau 500 mét.

Đối với những cao tốc được thiết kế trong giai đoạn đầu tư phân kỳ xây dựng, được quy đinh theo TCCS 42:2022 TCĐBVN, các đoạn cao tốc cân bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp.

Đoạn dừng xe khẩn cấp được bố trí cách quãng ở cả 02 bên theo chiều xe chạy sao cho sau 3 phút đến 5 phút chạy xe, xe dừng khẩn cấp vẫn có chỗ dừng, theo tiêu chí này việc bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp được chỉ dẫn cụ thể như sau:

Tùy điều kiện địa hình khó khăn hoặc thuận lợi có thể bố trí các đoạn chỗ dừng xe khẩn cấp cách nhau khoảng từ 4 km đến 5 km (nên bố trí kết hợp tại các vị trí hầm chui dân sinh, các vị trí cống hộp thoát nước khẩu độ lớn... để tận dụng khi mở rộng theo quy mô quy hoạch). Nếu khoảng cách này cảng lớn thì thời gian để kéo các xe bị sự cố về đến chỗ dừng xe càng lâu hơn.

Bất lợi này có thể được khắc phục bằng biện pháp bố trí thêm các vị trí có các xe cứu hộ, cứu nạn để xử lý sự cố nhanh hơn và bố trí so le vị trí chỗ cho đoạn dừng xe khẩn cấp ở mỗi chiều xe chạy như ở Hình 7 đồng thời tại đó bố trí đoạn ngắt quãng dải phân cách như đề cập ở 6.8.4 để tạo điều kiện cho các xe cứu hộ, cứu nạn kéo các xe bị sự cố từ chiều đang chạy sang chiều bên kia nơi có chỗ dừng xe gần nhất.

Chiều dài đoạn dừng xe nên tối thiểu là 170 m (kết hợp cả đoạn giảm tốc, tăng tốc), không kể chiều dài đoạn chuyển làn hình nêm ở đầu vào và đầu ra khỏi đoạn dừng xe. Bề rộng làn đoạn dừng xe trong thời gian phân kỳ nên được thiết kế tối thiểu rộng 2,5m (khuyến cáo nên là 3 m) và lề trồng cỏ 0,75 m; trong trường hợp đặc biệt và khó khăn, tối thiểu rộng 2 m và lề trồng cỏ 1 m.

Screenshot 2023-07-20 153756

 Vẫn còn đó những cao tốc chưa về đích... niềm tin

Cao tốc là những tuyến đường xuyên suốt qua những địa phương với những địa hình, văn hoá, thời tiết,... khác nhau nên chắc chắn sẽ khó tránh được những bất cập nhỏ, và cần khắc phục dần. Đây là thực trạng của nhiều quốc gia. Nhưng mục tiêu, tiêu chuẩn, chất lượng... chắc chắn phải đảm bảo đúng kế hoạch và chủ trương của Chính phủ, vì lợi ích cuối cùng phục vụ tốt cho người dân, địa phương và toàn bộ nền kinh tế. 

Những tồn đọng của cao tốc thực tế sẽ được các lái xe, người thường xuyên lưu chuyển trên tuyến đường, người dân địa phương có cao tốc đi qua sẽ cảm nhận rõ nét nhất. Tuy nhiên, gần đây, bất cập của cao tốc dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, xuất phát từ lý do nào thì khi đã xuất hiện những vụ tai nạn nghiêm trọng... đều gây ra nỗi đau, bức xúc của người dân. 

Chỉ chưa đầy một tháng sau khi thông xe, trên cao tốc Cam Lâm - Nha Trang đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm 4 người chết, nhiều người bị thương. Đáng lo ngại là nguy cơ tai nạn vẫn tiềm ẩn...

Tai nạn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ngày 3/7 khiến hai hành khách trên xe tử vong tại chỗ, sáu người khác bị thương

Tai nạn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ngày 3/7 khiến hai hành khách trên xe tử vong tại chỗ, sáu người khác bị thương

 
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thông xe kỹ thuật từ 10h sáng 19/5, quy mô 4 làn xe và vận tốc khai thác 80km/giờ. Cao tốc này dài hơn 49 km, khởi công tháng 9/2021 với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. Điểm đầu cao tốc tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. 

Mới đây nhất, khoảng 5 giờ ngày 3/7, xe khách do tài xế Nguyễn Hữu Dư (ngụ TP.HCM) chở theo đoàn từ thiện khoảng 40 người đang lưu thông trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm theo hướng Nam - Bắc. Khi đến đoạn thuộc xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, xe đã tông vào xe tải chạy cùng chiều phía trước. Hai hành khách trên xe tử vong tại chỗ, sáu người khác bị thương.

Trước đó vài ngày, rạng sáng 24/6, xe container kéo theo rơmoóc điều khiển theo hướng Bắc - Nam trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, đến đoạn thuộc xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh đã va chạm với ô tô con. Cú va chạm mạnh khiến ô tô biến dạng nghiêm trọng. Riêng xe container tiếp tục lao vào lan can rồi lật nghiêng bên đường. Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương nặng.

Trao đổi với Banduong.vn, tài xế chạy xe khách Nguyễn Văn Q cho biết: "Cao tốc mới không có đèn chiếu sáng nên đi đêm rất khổ. Chưa kể là cả đoạn đường mà chưa có trạm dừng nghỉ, khách muốn đi vệ sinh phải cố nhịn qua hết cao tốc hoặc bí lắm thì tách sang làn dừng khẩn cấp. Hai làn đường tôi thấy thật sự rất hẹp, chỉ cần một xe container đi một làn là xe sau muốn vượt lên cũng chưa chắc dám vượt".

Không ít người dân Nha Trang phản ánh dù đường đã thông nhưng nhiều lúc chạy xe trên cao tốc, hai bên đường vẫn có công nhân làm, nhiều đoạn đột ngột xuất hiện một số xe tải và công nhân lắp biển báo khiến người lái xe những khu vực này đều phải kêu trời. 

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, cho biết :“Hồ sơ thiết kế cao tốc không có hạng mục camera giám sát tốc độ của các phương tiện. Chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị có thẩm quyền lắp để giám sát tốc độ của các tài xế để đảm bảo an toàn” - ông Huy nói và cho biết thêm cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ được nghiệm thu hoàn tất toàn bộ hạng mục để đưa vào sử dụng trong tháng 9/2023.

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây vào ngày 23/6

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây vào ngày 23/6

Tại nạn giao thông dồn dập trên cao tốc khiến nhiều người dân địa phương lo lắng. Ngày 23/6, tại Km29+800 đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, xe tải đi hướng Phan Thiết đi TP.HCM đã tông vào đuôi xe container chạy phía trước. Vụ va chạm khiến đầu xe tải bẹp dúm, tài xế mắc kẹt trong cabin được nhiều người đưa ra và chuyển cấp cứu nhưng đã tử vong tại bệnh viện.

Trưa 17/6, tại Km1717+570 trên QL1 là nút giao giữa đường dẫn vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với QL1 cũng đã xảy ra một vụ TNGT. Vụ tai nạn khiến một người nguy kịch, được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Ngày 10/5 đoạn giao nhau giữa hai dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thuộc tỉnh Bình Thuận. Vụ va chạm không gây thương vong về người nhưng khiến hai xe hư hỏng phần cabin.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết: “ Sở cũng sẽ yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục ngay các hầm chui, đường dẫn bị ngập nước… gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Đối với tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vào những ngày cuối tuần tại nút giao Ba Bàu (cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) từ hướng Phan Thiết đi TP.HCM nguyên nhân là do vị trí trạm thu phí đang xây dựng nền bê tông, làn đường bị thu hẹp. Do đó các xe rẽ ra Quốc lộ (QL) 1A khi đến trạm thu phí phải chạy sát lề, để tránh các hướng xe ngược lại nên bị sạt, lún, ùn tắc".

Sở GTVT TP.HCM mới đây có văn bản gửi UBND TP đề xuất mở rộng nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và QL50. Cụ thể, dự án mở rộng QL50 đang triển khai có quy mô 6 làn xe, trong khi nút giao giữa cao tốc với quốc lộ này, bao gồm cầu vượt trên tuyến và đoạn kết nối đường đầu cầu chỉ 4 làn xe. Sở GTVT lo ngại độ vênh này có thể phát sinh tình trạng 'thắt cổ chai', ảnh hưởng hiệu quả đầu tư khi các công trình hoàn thành. Do đó, đoạn hơn 600 m ở khu vực nút giao (thuộc phạm vi cầu vượt trên QL50 và đường đầu cầu) được đề xuất mở rộng từ 4 lên 6 làn xe. Phần quốc lộ phía dưới dài gần 700 m cũng sẽ tính các biện pháp kết nối phù hợp hai tuyến.

Sở GTVT TP.HCM mới đây có văn bản gửi UBND TP đề xuất mở rộng nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và QL50. Cụ thể, dự án mở rộng QL50 đang triển khai có quy mô 6 làn xe, trong khi nút giao giữa cao tốc với quốc lộ này, bao gồm cầu vượt trên tuyến và đoạn kết nối đường đầu cầu chỉ 4 làn xe. Sở GTVT lo ngại độ vênh này có thể phát sinh tình trạng "thắt cổ chai", ảnh hưởng hiệu quả đầu tư khi các công trình hoàn thành. Do đó, đoạn hơn 600 m ở khu vực nút giao (thuộc phạm vi cầu vượt trên QL50 và đường đầu cầu) được đề xuất mở rộng từ 4 lên 6 làn xe. Phần quốc lộ phía dưới dài gần 700 m cũng sẽ tính các biện pháp kết nối phù hợp hai tuyến.

Vậy tai nạn trên cao tốc cuối cùng xác định là do đâu?

Chủ đầu tư không sai khi cho rằng, nguyên nhân xuất phát do một bộ phận tài xế phóng nhanh, không làm chủ tốc độ. Cao tốc, đại lộ mới, đường tốt, chưa có camera giám sát (phạt nguội), không có cảnh sát giao thông bắn tốc độ... nên người dân, tài xế phóng nhanh, chạy ẩu là điều dễ hiểu. Đó cũng là nguyên nhân thấy rõ sau các vụ tai nạn.

Tuy nhiên, không thể "đổ lỗi hoàn toàn" cho những nguyên nhân trên và để những tai nạn nghiêm trọng tiếp tục xảy ra. Không thể vì lý do đường mới và sự thiếu ý thức của tài xế, để rồi người dân phải gánh hậu quả bằng cả sinh mệnh của mình. Việc chạy theo thành tích "rút ngắn tiến độ thi công", "hoàn thành vượt chỉ tiêu" của các nhà đầu tư đang gây ra nhiều hiểm họa về an toàn giao thông, trên những con đường chưa đủ điều kiện cán đích... Ngoài ra, cao tốc này vẫn chưa lắp đặt camera giám sát, nhiều hạ tầng kỹ thuật trong tình trạng đang hoàn thiện…Hiện, Bộ GTVT cũng có văn bản nhắc nhở các nhà thầu về việc đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công.

Trạm dừng nghỉ ít. Theo ghi nhận của phóng viên nhiều ngày trong tháng 7/2023, tại trạm dừng nghỉ cao tốc Long Thành - Dầu Giây, hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai có hàng trăm ô tô liên tục ra vào từ xe du lịch cá nhân, xe khách từ 16 - 52 chỗ, thậm chí cả xe tải, xe container... cũng ghé vào đây để cho khách đi vệ sinh, tài xế kiểm tra kỹ thuật phương tiện trước khi tiếp tục hành trình dài trên cao tốc mà không có trạm dừng nghỉ.

Hành khách xếp hàng dài chờ đi vệ sinh.

Hành khách xếp hàng dài chờ đi vệ sinh.

Tại tuyến cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 250km hiện chỉ có duy nhất một trạm dừng nghỉ. Vấn đề này gây khó khăn cho việc dừng nghỉ của các tài xế lưu thông trên tuyến đường dài, rất khó để đảm bảo an toàn. Tại Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51km, chạy qua địa phận tỉnh Tiền Giang, được đưa vào sử dụng từ 27/4/2022 đã một năm nhưng vẫn chưa có trạm dừng nghỉ. Do dự án được đầu tư phân kỳ nên trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc này cũng không có làn đường khẩn cấp, mà chỉ bố trí các điểm dừng khẩn cấp. 

Cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,3 km, Vân Đồn - Tiên Yên (16,1 km) sẽ thông xe ngày 1/9, liên thông với các tuyến đã khai thác là cầu Bạch Đằng - Đại Yên (25 km), Hạ Long - Vân Đồn (71,2 km). Cả tuyến dài 176 km từ cầu Bạch Đằng tới Móng Cái, song cũng không có trạm xăng và điểm dừng nghỉ để phương tiện kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, lái xe nghỉ ngơi. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km đã khai thác được 4 năm, song đến nay chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, trạm xăng. 

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km đã hoạt động được 3 năm, nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Thống kê của Công ty HHV, đơn vị vận hành cao tốc, lưu lượng trên tuyến khoảng 6.000-8.000 lượt xe mỗi ngày.

Áp lực trước hết là đối với giới tài xế do phải lái xe với một khoảng thời gian khá dài, khả năng mất tự chủ, mệt mỏi hay ngủ gật… là điều có thể xảy ra. Ngoài ra theo ghi nhận dọc tuyến cao tốc, nhiều ô tô gia đình không thể chời tới trạm dừng nghỉ mà thường đậu xe ở làn dừng khẩn cấp để gia đình đi vệ sinh, nghỉ ngơi sau một chặng đường dài. Việc này là hết sức nguy hiểm, gây mất an toàn dễ xảy ra tai nạn khi các phương tiện đều lưu thông với tốc độ cao.

Vận tốc, đường hẹp, thiếu: Làn khẩn cấp, dải phân cách cứng, hàng rào an toàn, đường dẫn. Hồi tháng 5/2023, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết chính thức bắt đầu khai thác, cho phép ôtô chạy tối đa 80 km/h, tối thiểu 60 km/h. So với một số cao tốc khác đang khai thác, tốc độ này thấp hơn 20-40 km/h, do hai tuyến mới đầu tư giai đoạn một, với nền đường rộng 17 m, 4 làn xe, không có làn khẩn cấp.

Không ít độc giả chia sẻ trên mạng xã hội: "Bây giờ mang tiếng là đường cao tốc nhưng lại không có làn dừng khẩn cấp thì chạy xe rất nguy hiểm. Chưa kể, việc giới hạn tốc độ tối đa xuống thấp ở mức 80 km/h (thấp hơn cả quốc lộ - 90 km/h) còn khiến việc khai thác không hiệu quả, gây lãng phí rất nhiều thời gian và tiền của, tăng chi phí logistics. Chưa kể, sau này, nếu muốn mở rộng, làm thêm làn dừng khẩn cấp, chúng ta sẽ lại phải tốn thêm một mớ tiền nữa". Việc hạn chế tốc độ này cũng diễn ra ở cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, khiến cho những tài xế lái xe đường dài ở khu vực này luôn phải kêu trời vì phải "cố" giữ chân ga vì quá chậm. 

Trong khi, các đoạn cao tốc Bắc - Nam khác khi đưa vào sử dụng, như Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây... lại được thiết kế không có làn dừng khẩn cấp. Đối chiếu với quy định việc cắt bỏ hoàn toàn làn dừng xe khẩn cấp  hoặc đoạn dừng xe khẩn cấp với mật độ thấp 8km - 10km như ở cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đều không tuân thủ đúng theo TCVN 5729: 2012 và TCCS 42:2022 TCĐBVN.

Theo phản ánh của rất nhiều độc giả gửi về Tạp chí Banduong.vn, trên nhiều tuyến cao tốc khi chưa hoàn thiện 100% hạng mục thì thậm chí công nhân của những đơn vị thi công vẫn thản nhiên chạy xe máy ngược chiều trên cao tốc. Một số đoạn hàng rào an toàn của cao tốc được mở ra để công nhân ra vào nhưng khi hết sử dụng không rào lại. Điều này rất nguy hiểm, dễ xuất hiện tình trạng gia súc thả rông chạy vào cao tốc như thời gian qua từng xảy ra ở đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Chưa hết, tại các khu núi đá hai bên đường (gần nút giao ra Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Xuân Lộc), công nhân vẫn khoan núi đá rầm rộ. Ven đường, máy nổ, máy phát điện hoạt động và công nhân đang trồng trụ làm hành lang an toàn, xây mương thoát nước, đất đá rơi vãi ven đường trông rất mất mỹ quan.

Còn một số người thường xuyên đi lại trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Nam Định - Ninh Bình) cũng cho biết, khi tuyến đường dài hơn 15km nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đưa vào khai thác, việc đi lại có thuận tiện hơn, tuy nhiên cũng bộc lộ những bất cập. Do không có làn dừng khẩn cấp nên khi xe phía trước gặp sự cố là dòng phương tiện phía sau phải dừng lại, gây ùn tắc. Đó là chưa kể khi lưu thông với tốc độ cao, xe phía sau rất dễ xảy ra va chạm với xe phía trước.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 vẫn ngổn ngang công trường, mặc dù dự án đã thông xe dịp 30/4 nhưng một thời gian dài, đoạn hơn 8 km cuối tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 vẫn bị chia cắt với tuyến chính. Việc cao tốc Mai Sơn - QL45 chưa xong đoạn cuối khiến dự án chưa thể đấu nối với nút giao Tân Phúc cuối tuyến tại khu vực đang phát triển mạnh về công nghiệp là Nghi Sơn, Nông Cống, cũng như phương tiện từ Hà Nội về phải quay vào thành phố Thanh Hóa rồi mới ra được QL1A. 

Báo Bình Thuận hồi tháng 6/2023 có phản ánh về đường dân sinh (đường gom), hàng rào hai bên đường... thiếu và chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân khi cao tốc Bắc – Nam, đoạn đi qua địa bàn Bình Thuận đưa vào khai thác

Báo Bình Thuận hồi tháng 6/2023 có phản ánh về đường dân sinh (đường gom), hàng rào hai bên đường... thiếu và chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân khi cao tốc Bắc – Nam, đoạn đi qua địa bàn Bình Thuận đưa vào khai thác

"Giải oan" cho cao tốc

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, cần thay đổi tư duy quản lý dự án. Đối với những công trình lớn cần nghiên cứu trên quy mô cụm dự án với tiến độ khớp nhau. Công trình chính nguồn vốn thế nào, tiến độ ra sao thì các dự án đường dẫn, đường kết nối cũng phải xác định rõ nguồn tài chính và đảm bảo tiến độ đồng nhất như vậy. 

Trong khi, PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực tế mới tìm được giải pháp. Lỗi là từ dự án, đến thiết kế rồi triển khai.  Chẳng hạn như tình trạng cầu, đường, cao tốc chờ "đường dẫn" diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Đầu tiên, phải xem lại thiết kế vì nguyên tắc là mạng lưới đường quốc lộ, đường dân sinh sẽ có trước. Đường cao tốc thiết kế với vận tốc cao, sẽ kết nối vào các tuyến đường quốc lộ hoặc các tỉnh lộ, đầu mối khu công nghiệp… Khi thiết kế cao tốc, cơ quan thiết kế phải xây dựng phương án đảm bảo lưu thông trên cao tốc được thuận tiện nhất theo lưu lượng xe trên tuyến đã được dự báo. 

Từ đó, khảo sát, tính toán xem hệ thống đường dẫn, lối ra hiện hữu phải đáp ứng quy mô bao nhiêu để sẵn sàng đón nhận dòng xe từ cao tốc đi qua. Việc dự báo chính xác lượng phương tiện và thiết kế quy mô, số làn xe của đường cao tốc và đường kết nối là trách nhiệm của đơn vị triển khai làm đường cao tốc. Song, việc nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng các tuyến kết nối, các đường tỉnh lộ, quốc lộ đó lại thuộc về trách nhiệm của các địa phương. Nếu đã thống nhất kết nối hệ thống giao thông hiện hữu nhưng các tuyến đường không sẵn sàng kết nối thì cần có chương trình kết nối độc lập. Nếu không đồng bộ sẽ làm giảm hiệu quả khai thác của các tuyến cao tốc.

Riêng về trạm dừng nghỉ, PGS-TS Trần Chủng cho rằng trên cao tốc cần tính đến các yếu tố đảm bảo sức khỏe cho lái xe, hành khách. Ngành giao thông đã quy định lái xe 4 giờ là phải nghỉ ngơi thì phải có điểm dừng nghỉ cho lái xe. Ngoài ra, trạm dừng nghỉ còn phục vụ kỹ thuật, cung cấp xăng, thay lốp để đảm bảo an toàn cho phương tiện.

Văn phòng Chính phủ mới ban hành Thông báo 184/TB-VPCP ngày 17/5/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 05 địa phương. Trong đó, quan điểm của Chính phủ là Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; xử lý nghiêm chủ đầu tư thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ...

Hoài Linh - Tuấn Anh
Xếp hạng tín nhiệm của VPBank duy trì ở mức Ba3, triển vọng ổn định
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Ratings (Moody’s) mới đây đã công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định, cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Bắc Ninh tăng xe phục vụ người dân dịp Lễ
Do thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài, dự báo lượng hành khách đi lại trên các tuyến vận tải khách sẽ tăng cao. Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bắc ninh triển khai nhiều kế hoạch nhằm phục vụ nhu cầu tối đa nhu cầu đi lại của người dân, du khách.

Rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp 30/4
Biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 được áp dụng tại cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Liên Khương từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5.

Yêu cầu đơn vị vận tải không tăng giá vé dịp lễ
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị vận tải không tăng giá cước hoặc có thì phải đáp ứng các biện pháp bình ổn giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan,…

Xem xét giảm phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ trong tháng 5/2024 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ưu tiên đầu tư đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn
Chiều ngày 21/4, tại thành phố Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024.