Gemadept lưu tâm về minh bạch thuế
Cổ phiếu GMD của Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE) gần đây liên tục bứt phá nhờ loạt thông tin tích cực từ những nhà đầu tư lớn, góp mặt trong danh sách doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á của Forbes... nhưng còn nhiều vấn đề cổ đông lo ngại.
Gemadept có khả quan, nhưng không nên chủ quan
Forbes gần đây đã công bố danh sách Forbes Asia’s Best Under A Billion (doanh nghiệp có doanh thu dưới một tỷ USD tốt nhất châu Á) năm 2023. Danh sách Best Under A Billion năm nay tôn vinh 200 công ty niêm yết vừa và nhỏ trong khu vực châu Á đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng bất chấp những trở ngại toàn cầu như lạm phát và chi phí vốn tăng cao. Góp mặt trong danh sách Forbes Asia’s Best Under A Billion năm nay có nhắc tên CTCP Gemadept (GMD).
Mới đây, Vinamarine (Cục quản lý cảng biển và vận tải biển Việt Nam) đã đăng tải dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018, đề xuất tăng giá sàn đối với một số dịch vụ trọng điểm tại cảng biển, bao gồm nâng hạ container quốc tế và hướng dẫn tàu thuyền, đề xuất có hiệu lực từ năm 2024.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành hầu hết quan tâm đến việc tăng giá sàn đối với phí nâng hạ container, vốn thường chiếm 60-70% doanh thu cảng biển. Cụ thể, đối với hầu hết các cảng, giá sàn xếp dỡ container được điều chỉnh tăng 10% so với giá cũ (có hiệu lực từ năm 2019). Còn đối với một số cảng nước sâu lớn (đón được tàu trọng tải trên 160 nghìn DWT) giá sàn được điều chỉnh tăng thêm thêm khoảng 10% (dẫn đến giá sàn thực tế có thể tăng 20%).
Dự kiến, GMD cũng được hưởng lợi trong thời gian tới. Nói sâu về cơ hội phát triển doanh nghiệp và lưu ý cổ phiếu cho nhà đầu tư, SSI Research cho rằng công ty cảng biển này đã tăng giá thành công tại một số cảng trong năm 2021-2022 (doanh thu/TEU tăng lần lượt 14% và 7% so với cùng kỳ).
Tại kịch bản cơ sở, Gemadept chỉ có thể tăng giá cước ở một mức độ nhất định trong giai đoạn 2024-2025, chủ yếu ở Gemalink – do có nhu cầu cao hơn hệ thống cảng khác (giả định giá cước tăng 10% mỗi năm vào năm 2024 và 2025). Trong trường hợp thông tư mới được thông qua, lợi nhuận năm 2024-2025 của công ty sẽ tăng lần lượt 5% và 10% so với ước tính trước đó. Tại kịch bản khả quan, doanh thu/TEU của Gemadept sẽ tăng 7% trong năm 2024 tại tất cả các cảng feeder, doanh thu/TEU của Gemalink tăng 10%/năm trong năm 2024-2025.
Còn ở kịch bản kém khả quan, doanh thu/TEU của GMD không tăng ở tất cả các cảng. Trong đó, mảng logistics được dự báo sẽ ghi nhận doanh thu thấp hơn 50% so với cùng kỳ với giả định các hợp đồng cho thuê tàu sẽ được gia hạn với giá cho thuê ở mức bình thường.
Trong giai đoạn nhiều cơ hội nóng, ban lãnh đạo công ty này cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong đó, mảng vi tính, dữ liệu, công nghệ có vẻ là định hướng...
Theo thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh, chủ sở hữu mới của Cảng Nam Hải Đình Vũ được cập nhật trên đăng ký kinh doanh bao gồm:
- CTCP Container Việt Nam (Viconship) chiếm 35% vốn góp.
- CTTNHH TM và Đầu tư Đoàn Huy chiếm 36,666% vốn góp.
- CT TNHH TM kim khí XNK Huy Hoàng chiếm 28,333% vốn góp.
- Ông Nguyễn Đình Hưởng: phần còn lại (dưới 0,1% vốn góp).
Theo thông tin từ cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp, hai công ty cùng với Viconship nhận chuyển nhượng vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ đều có người đại diện pháp luật mang tên Đoàn Quang Huy và hai công ty này cũng có trụ sở chính đặt tại TP Hải Phòng.
Theo VDSC, Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy là công ty có liên quan đến nhóm cổ đông của bà Đoàn Thị Tơ (Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn T&D Group) tại Viconship. CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ đã được chuyển đổi mô hình thành công ty trách nhiệm hữu hạn vào ngày 18/04/2023, trước thời điểm thay đổi chủ sở hữu.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, Gemadept ghi nhận 1.814 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp cảng biển này lãi ròng 1.848 tỷ đồng, gấp 3,3 lần thực hiện năm trước. So với kế hoạch, Gemadept đã hoàn thành hơn 83% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Nguyên nhân chủ yếu giúp Gemadept ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến trong quý vừa qua đến từ khoản doanh thu tài chính 1.863 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lãi ghi nhận từ việc bán vốn của cảng Nam Hải Đình Vũ.
Theo tính toán của SSI Research, nếu không tính khoản lãi bất thường, lợi nhuận cốt lõi của doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm cuối quý 2/2023, nợ vay tài chính của công ty ở mức gần 2.000 tỷ đồng trong đó phần lớn là nợ vay dài hạn. Vốn góp chủ sở hữu đạt 9.850 tỷ đồng trong đó vốn điều lệ là 3.013 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 3.220 tỷ đồng.
Lại nói đến khoản lãi khi bán cảng Nam Hải Đình Vũ, khoản doanh thu tài chính hơn 1.800 tỷ đồng này là một thoả thuận đặc biệt, và cứu lỗ cho GMD theo tiết lộ của ông Đỗ Văn Nhân – Chủ tịch HĐQT tại ĐHCĐ diễn ra vào đầu tháng 6/2023. Ông Nhân cho biết, ngay khi Cảng Nam Đình Vũ 2 sắp hoàn thành, chuẩn bị đi vào vận hành khai thác, thì cuối năm 2022 và từ quý 4 đến đầu năm 2023, thị trường có dấu hiệu trầm lắng, đi xuống. Hệ quả, Công ty đứng trước nguy cơ công suất dư thừa nếu đưa Cảng Nam Đình Vũ 2 vào khai thác, chắc chắn sẽ bị lỗ.
Chính vì vậy, sau khi xem xét từ thị trường, nguồn cung cầu, và năng lực khai thác, Công ty quyết định thoái vốn bán Cảng Nam Hải Đình Vũ. Chủ tịch cũng nhấn mạnh, tại thương vụ này GMD không bán cảng, mà chỉ bán tài sản và cơ sở hạ tầng. Bởi khi bán cảng, thì phải bán trang thiết bị, tài sản, cơ sở hạ tầng, và đội ngũ, nhân lực điều hành cảng, quan trọng hơn là toàn bộ khối khách hàng (yếu tố tạo nên doanh thu lợi nhuận).
Trong thương vụ này, GMD có thỏa thuận rất đặc biệt, đó là chỉ bán trang thiết bị, hạ tầng của cảng, còn lại toàn bộ đội ngũ nhân lực, kĩ thuật vận hành cảng, cùng với toàn bộ khách hàng được Công ty giữ lại, và chuyển xuống cảng Nam Đình Vũ 2, Nam Đình Vũ 3. Như vậy, Cảng Nam Đình Vũ 2 vừa mới đi vào hoạt động hoàn toàn có khả năng lấp đầy ngay trong trước mắt. "Có thể nói, thương vụ này là thành công giữa cả bên mua và bên bán".
Trước giao dịch này, đại diện Gemadept cho biết, họ mới chỉ có cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1, chưa có Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và 3. Sau giao dịch này, Gemadept sẽ có thêm cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và 3. Toàn bộ khách hàng và nguồn lực sẽ được chuyển từ Cảng Nam Hải Đình Vũ sang Cảng Nam Đình Vũ 2 trong thời gian ngắn. Việc chuyển nhượng Nam Hải Đình Vũ có thể làm giảm sản lượng trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ tăng trưởng trong trung và dài hạn. Gemadept hiện vẫn nắm giữ thị phần thứ 3 tại khu vực Hải Phòng.
Có hay không dòng tiền bị thất thoát?
Cũng nhờ có doanh thu bán tài sản theo thoả thuận đặc biệt mà cổ đông GMD được chia cổ tức bằng tiền. Ngày 22/9, CTCP Gemadept (GMD) chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 20%, tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 29/9. Với gần 306 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Gemadept sẽ cần chi 612 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông đợt này. Ngoài ra, Công ty dự kiến trích 3% lợi nhuận sau thuế cho quỹ HĐQT và 5% đối với quỹ khen thưởng phúc lợi.
Trong giới đầu tư, không ít ý kiến cho rằng, dòng tiền của GMD đang chảy về một nhóm cổ đông lớn và ban lãnh đạo bởi lượng sở hữu cổ phiếu khá cô đặc, chủ yếu nằm ở cổ đông lớn là quỹ đầu tư và lãnh đạo. Riêng về cổ đông lớn nhất là VI FUND II, L.P là cổ đông lâu năm của GMD.
Các lãnh đạo của quỹ này cũng từng tham gia là Phó Chủ tịch và là Thành viên HĐQT của GMD. Chẳng hạn như ông David Do (TVHĐQT mới miễn nhiệm tháng 6/2023). Theo tìm hiểu, VI FUND II, L.P liên quan đến VIGroup. Không nhiều thông tin được công khai trên thị trường, chỉ biết rằng công ty này cùng các quỹ đầu tư và đơn vị liên quan như VI Fund I, II, III, hay VI Partners LLC… đều được đăng ký kinh doanh tại thiên đường thuế Cayman Islands.
Khi cổ phiếu tăng mạnh, người thân của ban lãnh đạo GMD liên tiếp bán ra. Từ giữa tháng 9/2023, mẹ ông Đỗ Công Khanh - Phó TGĐ đã bán 200.000 cổ phiếu; con ông Nguyễn Văn Hùng - TV.HĐQT độc lập đăng ký bán 10.000 cổ phiếu.
Cổ phiếu GMD đang trong nhịp tăng mạnh. Tính đến ngày 2/10, giá cổ phiếu này đã lên 67.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá bất ngờ bứt phá ấn tượng để leo lên lập đỉnh mới tại ngưỡng 64.000 đồng/cp từ phiên 6/9. Vốn hóa cao hơn khoảng hơn 40% so với thời điểm đầu năm và là mức vốn hóa cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp cảng biển này niêm yết.
Gemadept tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước, thành lập năm 1990, sau đó được cổ phần hóa vào năm 1993. Cổ phiếu GMD được niêm yết trên thị trường chứng khoán từ rất sớm, vào năm 2002. Hiện doanh nghiệp hoạt đồn trong lĩnh vực logistics và khai thác cảng, sở hữu và vận hành nhiều cảng biến quy mô lớn, nổi bật nhất là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, cổ đông GMD khá bất ngờ khi Cục thuế TPHCM mới đây thông báo việc vi phạm hành chính về thuế của GMD trong giai đoạn thanh tra 2017 - 2021. Theo đó, truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 1,5 tỷ đồng, tiền chậm nộp thuế là 674 triệu đồng. Công ty này bị phạt 1,3 tỷ đồng vi phạm hành chính thuế.
Không chỉ vậy, theo báo cáo tài chính quý II/2023 công ty mẹ GMD, nhiều khoản đầu tiền đã phát sinh so với cùng kỳ. Những khoản tài chính này tác động không nhỏ đến lợi nhuận của GMD, đơn cử như: Lỗ từ hoạt động đầu tư tăng lên 2.458 tỷ đồng so với khoản 85 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022; các khoản phải trả cũng tăng gấp 10 lần từ 4 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng; tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh cũng tăng gần 10 tỷ đồng; tiền chi mua sắm tăng gần 50 tỷ đồng... lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 45 tỷ đồng...
Là doanh nghiệp logistics và khai thác cảng hàng đầu có nền tảng phát triển bền vững, Gemadept cũng đã được các tổ chức uy tín trao tặng nhiều giải thưởng, có thể kể đến Giải thưởng “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2021 do Forbes bình chọn; giải thưởng “PROFIT 500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021”... Do đó, khi khắc phục được những hạn chế, bất cập không đáng có, kỳ vọng GMD sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn nữa...