Phá cầu đập tràn sông Uông
Cầu đập tràn TP Uông Bí (Quảng Ninh) nhiều năm qua, cứ mỗi khi mưa to kéo dài, hàng trăm hộ dân phường Trưng Vương, Quang Trung, Bắc Sơn, Vàng Danh… rơi vào cảnh nước tràn vào nhà, cuộc sống vì thế mà cũng khó khăn hơn.
Mỗi lần mưa to người dân phường Trưng Vương, Quảng Trung, Bắc Sơn, Vàng Danh, (TP Uông Bí, Quảng Ninh) lại nhắc nhau chuẩn bị lương thực, thực phẩm, quần áo kê dọn đồ lên chỗ cao. Tình cảnh này đã diễn ra nhiều năm nay, người dân các phường này thấy mưa to là lo chuyển đồ đạc, bởi cứ mưa xuống là toàn khu vực người dân sống 2 bên con sông Uông đều ngập lụt.
Trao đổi với PV Banduong.vn, người dân sống 2 bên đường con sông Uông cho biết, cầu đập tràn nhà máy điện đã được cho phá để xả lũ sau bão số 3 Yagi. Đây là cây cầu mới được thành phố xây dựng. Thế nhưng sau mấy lần lũ gần đây cây cầu là nơi giữ cây cối từ thượng nguồn đổ về, ngăn cản dòng nước lũ thoát đi, gây lụt cục bộ tới khu vực cầu Hai Thanh, Bắc Sơn.
"Không biết việc phá cầu này chỉ là tạm thời hay TP Uông Bí đã có dự kiến phương án khác. Nhưng người dân có nguyện vọng dỡ bỏ hết cây cầu, vét dòng suối và kè 2 bên để tránh sạt lở 2 bờ suối, để cho người dân bớt khổ cực. Bởi vì một năm hứng mấy trận thế này thiệt hại nhiều tài sản", một người dân trăn trở.
Sau trận mưa gần đây nhất, ông Nguyễn Đình Hậu người dân đang sinh sống và kinh doanh dịch vụ ăn uống tại đường bên hồ Sông Sinh (tổ 4, khu 2, phường Thanh Sơn) kể lại, trước đây dù mưa to đến mấy khu này cũng không bị ngập. Nhưng sau khi thành phố cải tạo lại đập Sông Sinh, đã xảy ra 4 lần ngập nặng: Vào khoảng năm 2015, 2022, đầu tháng 6/2024 và cơn bão số 3 vừa qua tàn phá kinh hoàng.
Nói xong, ông Hậu đi ra chỉ tay vào cột nhà, kể lại: "Trận lụt tháng 6 nước ngập khoảng 1m, ngoài cổng thì gần ngập đầu người. Nhưng với cơn bão số 3 gần đây nhất, mưa lớn và nước trên thượng nguồn đổ về, nhiều nhà cao tầng lụt hết tầng 1, nhà thấp nước lên tới tận nóc. Đồ đạc như tivi, tủ lạnh, các thiết bị điện… không chạy kịp bị hư hỏng. Người làm kinh doanh tại nhà đa phần phải dừng kinh doanh cả tháng nay".
Theo báo cáo của địa phương, do ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, từ đêm 7 - 8/9 nước sông Uông dâng cao, gây ngập lụt cho trên 200 hộ dân tại khu 5, phường Bắc Sơn và một số khu vực lân cận. Khu vực ngập sâu nhất lên đến hơn 4m, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Đây là lần ngập lụt nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Trao đổi với PV Banduong.vn, ông Nguyễn Đức Hoà - Phó Chủ tịch TP Uông Bí cho biết: "Quyết định phá cầu đập tràn được đưa ra do tình hình thời tiết cực đoan, đặc biệt là mưa lớn kéo dài từ bão số 3, làm mực nước trong hồ chứa tăng lên nhanh chóng, từ nơi thượng nguồn đổ xuống và gặp nước triều cường dâng cao, vượt quá khả năng chịu tải của cầu đập tràn. Để ngăn chặn nguy cơ nước dâng cao và thiệt hại nghiêm trọng hơn, việc phá cầu đập đã được xem xét và quyết định thực hiện".
Về quy trình thực hiện phá cầu đập tràn, vị lãnh đạo cho biết, UBND thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai việc phá cầu đập tràn một cách an toàn, đảm bảo không gây thêm thiệt hại cho người dân và tài sản. Các biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng để kiểm soát tình hình trong suốt quá trình này.
Phương án khắc phục hậu quả, ông Hoà cũng nhấn mạnh rằng việc phá cầu đập tràn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân ở các phường liên quan. Nhưng đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản trong bối cảnh thiên tai. Các cơ quan sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và có kế hoạch khắc phục sau khi nước rút.
Khi được hỏi thêm về chất lượng công trình đập tràn mới được xây dựng vào năm 2021, lãnh đạo thành phố Uông Bí nhấn mạnh rằng sẽ có một cuộc điều tra chi tiết để đánh giá khả năng thiết kế và xây dựng của cầu đập tràn, từ đó rút kinh nghiệm cho các dự án tương lai...