Những bước đi "táo bạo" của Cienco4
CTCP Tập đoàn CIENCO4, Đèo Cả, Vinaconex... gần như không bỏ qua dự án trọng điểm nào của Chính phủ. Cũng chính vì lẽ đó mà khi quá nhiều sự cố công trình giao thông xảy ra, dư luận càng thêm chú ý về góc khuất tài chính hay danh sách dài dự án bất động sản... của những đơn vị nói trên.
Lời Toà soạn
Nói như PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, những nhà đầu tư tư nhân mới như Đèo Cả, Sơn Hải, Phương Thành; hay các tổng công ty đại chúng có xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước như Cienco4, Vinaconex... đang là những ngọn cờ trong nhiệm vụ xây dựng các công trình hạ tầng lớn, mở những đại lộ giúp đất nước phú cường.
Còn nhớ những tinh thần máu lửa trên các công trường đường cao tốc như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ là làm ngày, làm đêm, làm hết việc, chứ không hết giờ. Họ đã cống hiến và cố gắng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức... Kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Số liệu trong báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho thấy, dự đoán giải ngân đầu tư công vẫn đang trên đà tiếp tục tăng trưởng.
Có điều, bên cạnh những thành tích đạt được, gần đây những vụ tai nạn trên cao tốc dày đặc khi mới thông xe, những dầm cầu trăm tỷ sập hay thậm chí gãy đôi và hàng loạt những hệ luỵ ồ ạt xảy ra trên cao tốc... khiến người dân hoang mang, lo lắng về chất lượng những công trình gắn liền với cuộc sống hàng ngày của địa phương và các phương tiện lưu thông trên tuyến. Từ đó, người dân cũng quan tâm hơn đến những nhà đầu tư, nhà thầu được chỉ định, trúng thầu... về sức khoẻ tài chính, về dòng tiền công giải ngân sẽ dùng đi đâu nếu dự án chậm tiến độ.
Cũng đôi khi lỗi khách quan khiến người dân đã "hiểu chưa đúng" về bản chất, nhưng chắc chắn vẫn còn đó không ít nhà đầu tư năng lực chưa xứng tầm với giá trị dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Để độc giả cũng như người dân và doanh nghiệp hiểu nhau hơn, Banduong.vn tiếp tục tuyến bài về bức tranh tài chính của những "gương mặt điển hình" trong lĩnh vực giao thông.
Tập Đoàn Cienco4 là đơn vị kế thừa truyền thống Cục Công trình - Bộ Giao thông vận tải được thành lập ngày 27/12/1962. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Tập Đoàn không ngừng đổi mới tổ chức quản lý, đầu tư thiết bị công nghệ, duy trì và phát triển nguồn nhân lực để đảm nhận những dự án trọng điểm của đất nước. Tuy nhiên, trên chặng đường đó, Cienco4 vẫn còn những vấn đề làm nóng dư luận như sự cố sập dầm cầu ở Cao tốc Bắc - Nam, công trình chậm tiến độ, dòng tiền thiếu minh bạch...
Tập đoàn Cienco4 liên tiếp đảm nhận những dự án lớn
Ngày 11/7, Công ty CP Việt Quốc đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL8 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn (từ Km62+700 đến Km69+978) của Dự án thành phần 1 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Không nằm ngoại dự đoán, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18. Giá trúng thầu là 1.417,8 tỷ đồng, giảm 103,8 tỷ đồng so với giá gói thầu; thời gian thực hiện hợp đồng 1.080 ngày.
Gói thầu XL8 là 1 trong 10 gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư 22.411 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương và ngân sách TP.HCM, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, đóng thầu ngày 3/6/2023. Liên danh trúng thầu là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.
Trao đổi với Banduong.vn, nhiều người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực, Cienco4 là một công ty xây dựng công trình giao thông "không có đối thủ". Nếu để ý, dự án chỉ cần có tên Cienco4 cũng biết đơn vị này sẽ ăn chắc phần thắng.
Cũng mới đây, trong buổi khởi công Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (có chiều dài 112,8 km, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Gồm 7 dự án thành phần, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 85.813 tỷ đồng), những nhà thầu được nêu tên đã trúng các gói thi công là Vinaconex, Trường Sơn, Cienco 4, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng,... Trong đó, Cienco 4 là nhà thầu giữ vai trò liên danh chính tại gói thầu xây lắp số 11, Liên danh CTCP Tập đoàn Cienco4 (Mã: C4G) - CTCP Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - CTCP Sông Hồng. Giá trúng thầu của liên danh là 889,3 tỷ đồng.
Được biết, Cienco4 đã tham gia trực tiếp khoảng 36 gói thầu. Trong đó trúng 25 gói, 6 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Các tỉnh thành đã tham gia thầu: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, TP.Hồ Chí Minh... Công ty đã từng liên danh với 32 nhà thầu trong 21 gói thầu.
Cienco4 cũng là một trong các nhà thầu được “chọn mặt gửi vàng” tham gia thi công nhiều gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; tham gia các gói thầu sân bay Cát Bi, sân bay Phú Bài (gói thầu sân đỗ và Hàng rào), sân bay Tân Sơn Nhất. Đến những dự án đường giao thông từ QL1A đến Đầm Môn - Gói thầu số 7; Hầm Chui Lê Văn Lương (Hà Nội); Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn (Gói XL09); Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; Đường giao thông Mộc Bài - Gói CW8; Cầu An Hòa - Gói thầu số 7; Hầm chui Giải Phóng (Gói thầu số 17); Gói thầu XL04 Lai Châu; Gói XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh (gói XL01), đoạn Hậu Giang - Cà Mau (gói XL01) và nút giao An Phú)...
Về tài chính, đây cũng là đơn vị có kết quả kinh doanh khả quan. Ghi nhận theo báo cáo kết quả kinh doanh của Cienco4, hết quý I/2023, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại tăng mạnh, đạt gần 50 tỷ đồng. Trung bình tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng là 1,1x tại cuối quý I/2023, đặc biệt tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của C4G đang cao hơn so với trung bình ngành, đạt 1,3x.
C4G cũng đã nỗ lực huy động vốn hiệu quả, phát hành và huy động thành công 1.123 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu trong tháng 4/2023. Từ đó, giúp vốn chủ sở hữu của công ty tăng 44% so với cuối quý 1/2023. Giảm tỉ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu xuống chỉ khoảng 0,5x nếu chưa tính dư nợ vay tại các dự án. Với xếp hạng tín dụng ổn định 2 năm liên tiếp PD đạt 2,57%, rủi ro vỡ nợ của C4G nằm ở mức trung bình.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022, Cienco4 (C4G) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.726 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 154.7 tỷ đồng, lần lượt tăng 45% và 152% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện những thương vụ chuyển đổi dòng tiền
Có thể nói, Tập đoàn Cienco4 là một trong những đơn vị có kết quả kinh doanh không quá tệ, các chỉ số cơ bản ở mức vừa phải. Thậm chí, một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng: "Cổ phiếu C4G ở mức giá quanh 14.000 đồng là khá hấp dẫn. Tuy nhiên, nhà đầu tư bên ngoài không dễ gì gom vào bởi cổ đông cô đặc".
Tuy vậy, bức tranh tài chính đơn vị này vẫn có những gam màu xám, chủ yếu là sự minh bạch về dòng tiền. Đơn cử như, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 được công ty này công bố âm hơn 203 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán con số này lại tăng lên bất thường với số tiền lên tới âm 455 tỷ đồng. Chủ yếu đến từ khoản tăng, giảm hàng tồn kho được ghi nhận là 539 tỷ giảm xuống âm 106 tỷ đồng. So với dòng tiền được luân chuyển trong công ty, thì đây quả thật là một con số không hề nhỏ, tuy nhiên lại không được giải trình một cách rõ ràng trong báo cáo.
Về cơ cấu doanh thu, mảng xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 66% (1.804 tỷ đồng). Doanh thu từ việc chuyển nhượng bất động sản gấp gần 9 lần so với năm 2021, từ 64 tỷ đồng lên 339 tỷ đồng (nội dung này sẽ được chi tiết ở bài viết đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp giao thông). Chủ yếu từ 327 tỷ đồng doanh thu từ việc chuyển nhượng Dự án Long Sơn 1A cho CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Thành Vinh.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của Cienco4 cuối quý IV/2022 là 3.545 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tỷ trọng lớn với 2.396 tỷ đồng. Trong năm 2022, doanh nghiệp chi 206 tỷ đồng trả lãi vay. Nợ phải trả của công ty ở mức 5.777 tỷ đồng, tương ứng cao gấp hơn 2,3 lần vốn chủ sở hữu.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là nguồn thu phí khai khai thác, toàn bộ tài sản được hình thành từ Dự án Cầu Hiếu và toàn bộ số dư tiền gửi của Cienco4 tại ngân hàng. Cienco4 cũng lấy toàn bộ tài sản được hình thành từ Cao ốc văn phòng tại số 180 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay hơn 121 tỷ đồng tại Ngân hàng HDBank.
Góp vốn nhưng ghi nợ tại công ty con. Tại báo cáo đầu năm 2023 cho thời điểm kết thúc 31/12/2022 ghi nhận cổ đông lớn Cienco4 Group - chiếm 15% vốn tại Công ty Phúc Thành Hưng - đơn vị. Tuy nhiên, khoản vốn góp này lại được ghi nợ, trong khi việc thiếu vốn chính là nguyên nhân phát sinh hàng loạt rủi ro tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt.
Vừa mới đây, người dân đã vô cùng hoang mang khi dự án 11.000 tỷ xảy ra sự cố gãy dầm cầu trăm tấn vừa qua tại Nghệ An. Sự cố đã làm hỏng 4 thanh dầm tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt là 1 trong 3 dự án thành phần của Cao tốc Bắc - Nam đã buộc phải thay mới. Dự án dài 49,3km qua địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh, có tổng vốn đầu tư 11.157 tỷ đồng. Dù được khởi công vào tháng 5/2021 với kế hoạch hoàn thành tháng 5/2024, tuy nhiên đến nay, sản lượng thi công dự án mới đạt khoảng 34,8% hợp đồng, chậm 1,56% so với tiến độ điều chỉnh lần 3 (chậm 12,41% so với tiến độ điều chỉnh lần 2).
Đến quý I/2023, không thấy Tập đoàn Cienco 4 nói về khoản vốn góp còn nợ tại Phúc Thành Hưng đã được chuyển đi chưa. Cập nhật mới nhất thông tin đăng ký doanh nghiệp tháng 6/2023, vốn điều lệ của đơn vị dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là 1.072 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2023, Cienco 4 ghi nhận khoản hơn 24 tỷ đồng bên mua trả trước từ Công ty Phúc Thành Hưng.
Tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, chủ đầu tư - nhà thầu thi công - đơn vị những công này tham gia dự án này cũng chỉ "quanh quẩn là một". Đơn cử như, người đại diện pháp luật CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng là ông Phạm Đình Hạnh, Nguyễn Quốc Việt. Ông Phạm Đình Hạnh, Nguyễn Quốc Việt cũng là người đại diện pháp luật Công ty TNHH Hòa Hiệp.
Dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu. Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đây là lô trái phiếu có mã số C4G82124001, tổng giá trị 250 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm .Tuy nhiên, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này chỉ thể hiện là 7,11 triệu cổ phiếu C4G, bao gồm: Công ty Cổ phần New Link (1,5 triệu cổ phiếu); ông Nguyễn Tuấn Huỳnh (hơn 3,9 triệu cổ phiếu) và ông Nguyễn Tuấn Nghi (hơn 1,6 triệu cổ phiếu). Tính theo mức giá 14.300 đồng/cổ phiếu kết phiên ngày 1/8, giá trị tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 250 tỷ chỉ còn khoảng hơn 100 tỷ đồng.