Chuyên mục


Khánh Phương diễn trên sàn chứng khoán!

23/07/2023 17:33 (GMT +7)

Ca sĩ Khánh Phương cùng vợ là Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC) có lẽ đang coi sàn chứng khoán như nơi diễn "trò hề" khi mua bán gian lận lượng cổ phiếu khủng, đổ lỗi cho nhân viên làm thủ tục chậm. Ngoài ra, SJC đang có dấu hiệu bị lợi dụng thương hiệu để lừa đảo...

Chứng khoán không phải sàn diễn, cần trả lại quyền lợi cho cổ đông SJC

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, giới tài chính vừa xôn xôn thông tin liên quan đến phát ngôn lạ của ca sĩ đình đám trong giới showbiz. Khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ca sĩ "Chiếc khăn gió ấm" với tổng số tiền 245 triệu đồng vì mua chui cổ phiếu SJC; nhưng ông Phạm Khánh Phương vẫn khẳng định: "Bộ phận pháp chế có làm thủ tục đăng ký chào mua công khai, nhưng chậm trễ, không cố tình gian lận và giao dịch chui cổ phiếu".

 
Theo quy định trong Luật Chứng khoán, việc chào mua công khai phải được thực hiện khi mua cổ phiếu dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt từ 25% vốn của công ty đại chúng. Đồng thời, việc chào mua công khai phải tiếp tục thực hiện nếu mua cổ phiếu dự kiến đạt hoặc vượt mức 35%, 45%, 55%, 65%, 75% vốn.

Hài ở chỗ, ông Phương lại là chồng của Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà 1.01 - bà Vũ Thị Thuý.  Hơn nữa với lượng giao dịch cổ phiếu trên dưới 25% vốn công ty và quá trình giao dịch trong một thời gian dài thì ông Phương có muốn làm "tay mơ" trong giới chứng khoán cũng khó. Ngoài ra, phát ngôn của ca sĩ này khiến nhà đầu tư SJC hoảng khi nó na ná với lời biện minh của ông Trịnh Văn Quyết - Nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC. Ông Quyết cùng nhiều cộng sự đã rơi vào vòng lao lý vì tội thao túng thị trường chứng khoán (từng giao dịch chui lượng cổ phiếu khủng kiếm lời, ăn chặn nhà đầu tư và thu lợi bất chính).

Được biết, từ 23/6 đến 28/10/2022, ca sỹ Khánh Phương đã mua hơn 3,1 triệu cổ phiếu SJC, tăng sở hữu từ 0% lên 45,5%. Ngày 23/12/2022, ông thực hiện mua 100.000 cổ phiếu SJC và bán ra 21.800 đơn vị, nâng sở hữu tại thời điểm đó từ 24,69% lên 25,81%. Cả hai lần giao dịch, ca sỹ Khánh Phương đều không đăng ký chào mua công khai.

Vì lỗi này, ông Khánh Phương buộc phải từ bỏ quyền biểu quyết trên số cổ phần từ hành vi vi phạm. Đồng thời, buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ xuống dưới mức phải chào mua công khai (dưới ngưỡng 25%) trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày 26/6. Ngoài ra, ca sĩ Khánh Phương bị phạt vì nhiều lần giao dịch cổ phiếu SJC làm thay đổi sở hữu vượt ngưỡng 1% nhưng không công bố thông tin.

Ca sĩ Khánh Phương và vợ Vũ Thị Thúy

Ca sĩ Khánh Phương và vợ Vũ Thị Thúy

Khánh Phương muốn gì ở SJC?

Chia sẻ với truyền thông về việc đầu tư SJC, ca sĩ Khánh Phương từng khẳng định: “Tôi không phải nhà đầu tư dạng “lướt sóng”, liên tục mua bán cổ phiếu để kiếm lời vài tỷ hay vài chục tỷ. Mục đích của tôi là đầu tư để có quyền kiểm soát các công ty mà tôi cảm thấy tiềm năng. Tôi muốn giữ sự kiểm soát lâu dài đối với công ty để biến nó thành một mã cổ phiếu có thực lực thực sự chứ không phải là cơn sốt ảo".

Khánh Phương sinh năm 1981 tại TP HCM, là người lập ra nhóm MP5. Sau khi nhóm tan rã hồi năm 2006, ông bắt đầu sự nghiệp solo. Thập niên 2000, Khánh Phương là ca sĩ ăn khách với các bản hit như Chiếc khăn gió ấm, Mưa thủy tinh, Lặng yêu... Hành trình bén duyên với Công ty Sông Đà 1.01 cũng là một câu chuyện khá ly kỳ có gắn liền với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vũ Thị Thuý. Trong giai đoạn cơ cấu giúp doanh nghiệp vượt khó, nhóm cổ đông lớn mới và nhà điều hành Sông Đà 1.01 cũng tập trung mua bán cổ phiếu lướt sóng. 

Tại ngày 28/10/2022, ông Phạm Khánh Phương đã trở thành cổ đông lớn nhất của Sông Đà 1.01 khi mua thành công gần 3,156 triệu cổ phiếu SJC, tương đương tỷ lệ sở hữu 45,51%. Trước đó, ông Phương không sở hữu một cổ phiếu nào tại doanh nghiệp.

Sau đó, ngày 18/11, ông Phương tiếp tục mua vào 66.800 cổ phiếu SJC bằng hình thức khớp lệnh, nâng tỷ lệ sở hữu lên 46,65%. Tuy nhiên, ngày 25/11, ông Phương đã bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 23,12%. Đến ngày 9/12, tiếp tục mua vào 65.400 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,26%. Ở thời điểm cuối tháng 11/2022, SJC giao dịch ở mức 9.800 đồng/cổ phiếu, tăng 63% so với thời điểm mua vào. Nhờ đó, nam ca sĩ lãi 5-6 tỷ đồng cho thương vụ này.

Cùng ngày 25/11/2022, Sông Đà 1.01 cũng công bố có thêm cổ đông lớn mới là bà Vũ Thị Thúy đã mua vào đúng lượng cổ phiếu mà ông Phương bán ra, tương đương tỷ lệ sở hữu là 23,53%. Trước khi trở thành cổ đông lớn, bà Thúy cũng không sở hữu cổ phiếu SJC nào.

Ngày 5/7 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin, ca sĩ Khánh Phương bán ra gần 902.000 cổ phiếu SJC của CTCP Sông Đà 1.01 trong phiên 16/6, phương thức giao dịch thỏa thuận. Qua đó, hạ tỷ lệ sở hữu tại SJC còn 909.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 13,1%. Đây là lần đầu tiên nam ca sỹ này báo cáo kết quả giao dịch sau khi bị UBCKNN xử phạt.

Thông tin từ báo cáo cũng hé lộ bà Vũ Thị Thúy (1983), Chủ tịch HĐQT Công ty kiêm Giám đốc SJC là vợ của ông Phương. Ngoài ra, bà Thúy còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Nhật Nam) - doanh nghiệp ôm tiền thu hồi hợp đồng gốc của nhà đầu tư đang xôn xao dư luận mấy ngày nay. 

... Thương hiệu Sông Đà 1.01 có dấu hiệu bị lãnh đạo lợi dụng, bị nghi ngờ "chài" vốn lãi cao

Khoảng 1 năm nay, phần lớn các giao dịch đáng chú ý tại Sông Đà 1.01 đều tập trung ở hoạt động mua bán của lãnh đạo và người có liên quan. Đặc biệt, nhờ dấu ấn của vợ chồng ca sĩ Khánh Phương, cổ phiếu SJC có giá hơn gấp 9 lần (lúc đỉnh cao) và hiện tại vẫn có giá hơn 4 lần.  

Sông Đà 1.01 có quy mô nhỏ trên thị trường chứng khoán với vốn điều lệ 70 tỷ đồng, được giới đầu tư chú ý hơn kể từ khi vợ chồng ca sĩ Khánh Phương tham gia hội đồng quản trị sau kỳ họp đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 12/2022. Cùng với sự xuất hiện của cổ đông này, cổ phiếu SJC cũng liên tục nổi sóng.

Thị giá SJC có thời điểm đã rơi về dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Vào ngày 21/7, SJC về giá 9.800 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức thị giá ở những thời điểm mua bán cổ phiếu không công khai, nhóm lãnh đạo SJC có thể thu về cả chục tỷ đồng.

Dự án Hanoi Landmark 51 do Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư

Dự án Hanoi Landmark 51 do Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư

Có điều, giá cổ phiếu SJC tăng mạnh khi các công ty trượt dốc trong các khoản lỗ và nợ tăng mạnh. Sông Đà 1.01 đến giữa năm 2021 đã bị hủy niêm yết do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp từ 2018-2020. Sau đó, SJC buộc phải xuống giao dịch trên sàn Upcom.

Về kết quả kinh doanh, Công ty Sông Đà 1.01 đang đi ngược lại so với những khoản lãi mà nam ca sỹ Khánh Phương thu về. Thời kỳ kinh doanh huy hoàng nhất của Sông Đà 1.01 là giai đoạn cách đây 10 năm 2009 - 2012. Giai đoạn đó, lợi nhuận sau thuế của Sông Đà 1.01 trung bình mỗi năm hơn chục tỷ đồng, riêng năm 2011 lên tới 16,5 tỷ đồng. Những năm gần đây, lợi nhuận của SJC lại không đáng kể, thậm chí thua lỗ, riêng năm 2022 vừa qua Sông Đà 1.01 báo lỗ 5,3 tỷ đồng.

Năm 2022, SJC ghi nhận doanh thu thuần 6,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 45,6 tỷ đồng năm 2021. Doanh nghiệp này chỉ có hoạt động thuần về doanh thu dịch vụ vận hành nhà chung cư và doanh thu cho thuê một số tài sản mà không có doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản như năm trước đó.

Một con số đáng lưu ý, ở thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả của Sông Đà 1.01 là 1.548 tỷ đồng gấp 16 lần vốn chủ sở hữu (94 tỷ đồng). Trong đó, vay nợ tài chính chiếm nhiều nhất 582 tỷ đồng gấp 6 lần vốn chủ sở hữu; phải trả người bán ngắn hạn đứng thứ hai với 169 tỷ đồng. Ngược lại, người mua trả tiền trước không đáng kể 24,7 tỷ đồng.

Trong đó, Sông Đà 1.01 vay các cá nhân 72 tỷ đồng gồm Nguyễn Diệu Trinh, Nguyễn Thị Mai, Phạm Thị Oanh, Phạm Hoàng Cường, Vũ Thị Huyền, còn lại vay Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam 510 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Tiên Phong 33 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của Sông Đà 1.01 là 1.586 tỷ đồng chủ yếu là hàng tồn kho 1.410 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn 122 tỷ đồng, phải thu của bà Vũ Thị Thúy 32 tỷ đồng.

Đến nay, Sông Đà 1.01 chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023. Theo lịch ngày 28/6 vừa qua, Sông Đà 1.01 sẽ họp đại hội cổ đông thường niên 2023, tuy nhiên do số cổ đông dự họp không đủ nên buộc phải rời lại sau đó. Thời gian chưa được công bố chi tiết.

Như vậy, các khoản nợ và tài sản của SJC đang liên quan đến nhiều cá nhân, trong đó có lãnh đạo công ty chủ tịch Vũ Thị Thuý. Bà Thuý chính là người gắn kết công ty riêng là Công ty BĐS Nhật Nam với SJC. Mới đây, nhiều nhà đâu tư căng băng rôn trước cửa Công ty Nhật Nam cho rằng Bà Vũ Thị Thúy lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhật Nam thành lập vào tháng 7/2019, hiện có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Đơn vi này liên tiếp dính lùm xùm xung quanh việc huy động vốn với lãi suất rất cao.

Thời điểm đầu tháng 4/2022, lãnh đạo BĐS Nhật Nam gây được sự chú ý với giới đầu tư khi tung ra những chương trình đầu tư với lãi suất lên tới 192%. Chương trình này "lấy cớ" là dành thưởng đặc biệt cho khách hàng nhân dịp tháng sinh nhật bà Vũ Thị Thúy.

Empty

Bất động sản Nhật Nam còn ưu ái dành tặng nhà đầu tư những tấm vé đi du lịch tại những khu nghỉ dưỡng hạng sang ở Phú Quốc. Đối với những khách hàng có mức hợp tác từ 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, sẽ được tham gia vào Câu lạc bộ doanh nhân Nhật Nam.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2023, rất nhiều nhà đầu tư hoang mang, lo lắng khi nhận được thông báo từ công ty về việc thu hồi hợp đồng gốc, chuyển đổi sang tư cách pháp nhân mới là Sông Đà Nhật Nam. Trong khi đó, hơn nửa năm trôi qua, tiền gốc lẫn lãi hàng tháng công ty vẫn không chi trả cho theo như hợp đồng hợp tác đầu tư đã cam kết. Đáng chú ý, Nhật Nam cũng là cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu SJC, tương ứng tỷ lệ 10,18% vốn. 

Ảnh chụp Màn hình 2023-07-23 lúc 13.58.33

Còn CTCP tập đoàn Sông Đà Nhật Nam cũng mới thành lập và được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 21/11/2022, trụ sở chính đặt tại 79 Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội và 449 - 451 Tân Sơn, Phường 12, Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trong đó, bà Vũ Thị Thúy góp 450 tỷ đồng (chiếm 90%).

Hồng Mến - Phúc Khôi
Vi phạm “bủa vây” Bến xe Giáp Bát
Hàng loạt vi phạm trật tự đô thị, trật tự ATGT và vô số điểm gửi xe quanh bến ô tô Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn tấp nập hoạt động, phớt lờ Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội.

Chưa xử lý hết vi phạm ở Dự án chung cư DMC Plaza Hạ Long
Sau phản ánh của Banduong.vn về việc xe chở thải từ Dự án chung cư DMC Plaza Hạ Long gây ô nhiễm, chính quyền phường Hồng Hải (Hạ Long) đã xử lý vi phạm hành chính về giao thông. Nhưng, việc khai thác khoáng sản khi chưa được gia hạn cấp phép gây thất thu nguồn ngân sách Nhà nước vẫn chưa được làm rõ.

Tập đoàn Dabaco bị tố thu phí nhà ở xã hội bất thường
Tại Bắc Ninh, cư dân sinh sống ở Khu nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm mới đây liên tục căng băng rôn khẩu hiệu trên đường trước trụ sở chủ đầu tư CTCP Tập đoàn Dabaco đề nghị cấp lại nước, đối thoại về mức phí dịch vụ 8.500 đồng/m2...

Bài 2: 'Xe đạp điện trá hình' và hiểm hoạ tai nạn giao thông ở học sinh
Tai nạn giao thông gia tăng liên quan đến học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện thời gian gần đây đã ít nhiều tạo cái nhìn không tốt trong dư luận. Tuy nhiên, thực trạng này lại mâu thuẫn với những giá trị tiện ích đem lại cho người tiêu dùng và xã hội mà nhiều nhà sản xuất xe mong muốn.

Bài 1: Xe đạp điện 'trá hình trước mặt' cơ quan chức năng!
Xe đạp điện là một trong những mặt hàng đang bị bát nháo nhiều nhất về chất lượng và nguồn gốc. Đáng ngại lên mức cảnh báo đỏ bởi những chiếc xe "râu ông nọ cắm cằm bà kia", hàng nhái hoặc là có tên lạ hoắc lạ hơ... đang được học sinh, con em điều khiển với tốc độ xe máy đến trường.

Tập đoàn Anh Vinh đẩy BIDV vào vụ kiện thế nào?
BIDV phát hành thư bảo lãnh khoản tạm ứng cho CTCP Tập đoàn Thành Vinh tại 2 dự án thầu giao thông và đảm bảo hoàn trả vô điều kiện cho chủ đầu tư Ban Giao thông TPHCM. Nhưng các cam kết đang bị phá vỡ.

Thông báo về 02 tổ chức khủng bố “Nhóm Hỗ trợ người Thượng - MSGI” và “Người Thượng vì công lý - MSFJ”
Căn cứ pháp luật Việt Nam và quốc tế, Bộ Công an thông báo 02 tổ chức dưới đây đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố.