Nội bộ bất nhất tại Tân Cảng Sài Gòn
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn dẫn đầu, vận hành hệ thống ePort hiệu quả nhiều năm nay, nhưng lạ là công ty thành viên Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) không phối hợp tốt với hãng tàu xử lý tờ khai khiến doanh nghiệp xuất hàng thông quan phức tạp...
Tại sao cảng TC-HICT phải hỗ trợ?
Sau thông tin phản ánh của Banduong.vn, cho đến ngày 22/9, bộ phận chăm sóc khách hàng Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) mới cập nhật thông tin trên website rằng: Sẽ tiếp tục hỗ trợ bổ sung thông tin tờ khai cho khách hàng.
Định hướng về chuyển đổi số của Chính phủ trong toàn nền kinh tế; Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 52a TT 38/2015/TT-BTC về thủ tục Hải quan; kiểm tra, giám sát Hải quan; thuế XNK và quản lý thuế với hàng hóa XNK; khi đưa hàng hóa vào khu vực cảng biển, cũng như để thuận tiện cho khách hàng làm quen với thao tác trong quá trình cập nhật thông tin số tờ khai trên ePort đã quy định cụ thể; Công ty mẹ Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng đã dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số...
Vậy lý do của cảng TC-HICT là gì khi khiến khách hàng bức xúc với việc yêu cầu làm tờ khai trên ePort? Khách hàng có cần công ty hỗ trợ không hay chỉ cần họ làm đúng quy định?
Sau gần 2 tháng, kể từ thời điểm công văn số 956 của Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) phát đi, mặc cho doanh nghiệp hoang mang với các loại tờ khai chồng chéo, "mệt mỏi" chờ đợi, phía bộ phân chăm sóc khách hàng không phản hồi hay cảng đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Tính tới cuối tháng 9/2023, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải phòng vẫn tiếp tục lên tiếng và cho rằng, khi nhập tờ khai thông quan trên phần mềm ePort tại cảng TC-HICT sẽ tồn tại nhiều bất cập. Trong khi, theo kế hoạch của cảng TC-HICT, Khách hàng sau khi hạ hàng xuất tại Cảng và mở tờ khai hàng xuất cần phải cập nhật thông tin số tờ khai lên hệ thống ePort từ ngày 1/10/2023.
Theo khách hàng N.K.P: "Ngoài vấn đề tờ khai thì hệ thống ePort của cảng rất bá đạo, hỏi chăm sóc khác hàng tại sao phần mềm đã nhiều bước lại còn chậm thì được giải thích là máy chủ đặt ở TP.HCM". Anh P cho biết, trong quá trình thực hiện thao tác đến bước xác thực rất hay lỗi.
Theo tìm hiểu, TC-HICT là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (nắm giữ 51% vốn), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản (nắm giữ 17,5% vốn), Công ty Wan Hai Lines Đài Loan (nắm giữ 16,5% vốn) và Tập đoàn Itochu Nhật Bản (nắm giữ 15% vốn).
Tháng 1/2016, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã khởi động chương trình thực hiện thủ tục qua mạng ePort và thanh toán trực tuyến tại Cảng Tân Cảng Cát Lái. Theo giới thiệu, ePort là tiện ích mà Tân cảng Sài Gòn xây dựng nhằm hỗ trợ các khách hàng khai báo thủ tục nâng/hạ container và thanh toán phí nâng/ hạ container trực tuyến. Tiện ích này được cung cấp hoàn toàn miễn phí với rất nhiều lợi ích mang lại cho các khách hàng như tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí.
Theo đó, từ ngày 1/1/2017 Cảng Cát Lái bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu, các công ty logistics và các doanh nghiệp vận tải làm thủ tục trực tuyến đối với việc nâng hạ container hàng xuất đi. Trong thời gian đầu triển khai, cảng áp dụng cả 2 phương thức làm thủ tục tại cảng và qua mạng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2017, việc nâng hạ container đối với hàng xuất khẩu buộc phải làm thủ tục trực tuyến 100%.
Kết quả có được tại Cảng Cát Lái (CLL), chuyển đổi số giúp nhân viên doanh nghiệp có thể thao tác lệnh trên ePort bất cứ đâu, tiết kiệm thời gian, nhân sự và giảm chi phí doanh nghiệp. Nhưng với TC-HICT thì chuyển đổi số lại làm tăng nhân sự, tăng chi phí, ức chế cho khách hàng. Như vậy, có bất cập gì giữa công ty tổng và các công ty con trong hệ thống?
Tại lễ kỷ niệm 5 năm đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng đầu năm 2023 vừa diễn ra, đại diện TC-HICT khẳng định, để đạt mục tiêu là 1 trong 2 doanh nghiệp cảng đón hơn 1 triệu container/năm tại Hải Phòng, doanh nghiệp luôn chủ động đối thoại và lắng nghe phản hồi từ khách hàng và đưa ra những giải pháp phù hợp nhu cầu của khách hàng.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Trong nhóm hoạt động dịch vụ, Tân Cảng Sài Gòn gồm 20 công ty con và 9 công ty liên kết trải dài từ Bắc đến Nam. Đa phần các đơn vị đã chuyển đố số hiệu quả mặc dù đã đi trước vài năm. Thế nhưng, doanh nghiệp không hiểu tại sao việc làm tờ khai ePort ở Hải Phòng lại phức tạp đến vậy. Doanh nghiệp vừa mất phí lại ức chế, mất thời gian chờ đợi... Vì bất cập giữa công ty mẹ và công ty thành viên trong cùng một hướng đi, nhiều ý kiến cho rằng, ở đây đang có lợi ích nhóm giữa các bên hãng tàu và cảng... Về hãng tàu, hiện chủ yếu là thương hiệu nước ngoài: APL, MSC, PIL, T.S LINES...
Để làm rõ vấn đề này, PV Banduong.vn đã gửi thông tin về phía công ty mẹ Tổng Công ty Tân Cảng Sài nhưng chưa có phản hồi từ đơn vị này.
Theo tìm hiểu, hoạt động kinh doanh của nhóm công ty thành viên của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khá ổn định. Riêng 7 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cũng được nhà đầu tư quan tâm, giá cổ phiếu diễn biến tốt. Tuy nhiên, lợi nhuận của các thành viên có sự phân hoá không đồng đều.
Tài sản của một số đơn vị được tài trợ bằng các khoản nợ, chỉ có khoảng 60% còn lại bằng vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý nhất là Tân Cảng Long Bình và Dịch vụ biển Tân Cảng, hệ số nợ đang ở mức khá cao.
Đơn cử, Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) là doanh nghiệp lớn nhất, hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp tàu dịch vụ dầu khí và khai thác cảng. Công ty là một trong 3 đơn vị kinh doanh trụ cột thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Đặc biệt, Tân Cảng Sài Gòn đang nắm giữ 36% vốn góp chủ sở hữu của TOS (111/310 tỷ đồng). Theo báo cáo tài chính quý II/2023, TOS ghi nhận doanh thu thuần đạt 356 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với quý II/2022. Lợi nhuận gộp đạt 92,5 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 36% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6/2023, vay và thuê tài chính ngắn hạn của biển Tân Cảng là 351,8 tỷ đồng, chủ yếu vay Vietcombank với 65,8 tỷ đồng, BIDV gần 50 tỷ đồng, MB 44,4 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 743 tỷ đồng. Trong đó, biển Tân Cảng có khoản vay lớn nhất tại Shinhan Bank với 252,6 tỷ đồng, Vietinbank 151 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này vay Agribank 85 tỷ đồng, MSB 42 tỷ đồng...Tổng nợ phải trả là hơn 1.504 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng chưa được tiết giảm. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, Dịch vụ biển Tân Cảng vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 44 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 82%.
Trên sàn UpCOM, cổ phiếu TOS đã bất ngờ bứt phá mạnh sau khi kết quả kinh doanh quý II được công bố với lợi nhuận tăng vọt. Kết phiên ngày 26/9, TOS có giá 32.700 đồng/cổ phiếu.
Cũng đuợc biết, Tân Cảng Sài Gòn nắm giữ 51,32% vốn góp chủ sở hữu của CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (mã: ILB). Trong quý II/2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 136 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 24,5 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Đến thời điểm cuối quý II/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 1.572 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ở mức cao, chiếm đến 68,6% với khoảng 1.079 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 493 tỷ đồng
Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (mã: TCL) là doanh nghiệp đứng thứ ba thuộc họ “Tân Cảng” đang niêm yết, trong đó Tân Cảng Sài Gòn nắm giữ 51% vốn điều lệ. Quý II/2023, doanh thu của doanh nghiệp này đạt gần 375 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt gần 46 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Tính đến hết quý II, tổng cộng tài sản của doanh nghiệp này đạt trên 937 tỷ đồng, trong đó dư nợ chiếm 41% cơ cấu tài sản với 385 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 552 tỷ đồng.
CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST) vừa thông báo, ngày 25/9/2023 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt (đợt 2). Tỷ lệ thực hiện chia cổ tức là 10%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Với hơn 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành, IST sẽ phải chi hơn 12 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Tính đến ngày 30/06/2023, IST có hai cổ đông lớn gồm Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sở hữu hơn 6,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 51% và CTCP Hàng hải Á Châu nắm giữ hơn 4,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 36%. Như vậy, trong đợt trả cổ tức này, 2 cổ đông lớn trên dự kiến thu về lần lượt hơn 6,1 tỷ đồng và 4,3 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2023, Tân Cảng Sóng Thần ghi nhận hơn 216 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so cùng kỳ và tăng hơn 17% so với báo cáo tài chính tự lập. Lãi ròng đạt hơn 23 tỷ đồng, giảm 8% so cùng kỳ.
Tân cảng Sài Gòn là cổ đông lớn thứ hai của CTCP Tân Cảng - Phú Hữu (mã: PNP) với việc sở hữu 36,12% vốn điều lệ. Trong quý II/2023, doanh thu của PNP đạt hơn 83,6 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, tăng 48% so với quý I.
Tính đến thời điểm cuối quý II/2023, tổng tài sản của PNP đạt 360 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 206 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm 42% trong cơ cấu tài sản.
TCP Cảng Cát Lái (mã: CLL) có 21,79% vốn điều lệ là của Tân cảng Sài Gòn. Ngày 2/10 tới đây, Cảng Cát Lái sẽ chốt danh sách cổ đông chia trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 36,8%. Với 34 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Cảng Cát Lái sẽ phải chi tương ứng hơn 125 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 29/9, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 12/10.
Theo kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất, 6 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 146 tỷ đồng và 47 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính quý này phát sinh là 1,55 tỷ đồng, trong khi, quý II/2022 không có. Theo bản thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.
Đáng chú ý, dư nợ phải trả của Cảng Cát Lái tăng đột biến lên hơn 181 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ là 53,6 tỷ đồng. Trong đó, thuế và các khoản phải nộp nhà nước là hơn 19,5 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với đầu năm. Phải trả ngắn hạn khác tăng từ 7,6 lên 132 tỷ đồng, chủ yếu là khoản chi cổ tức, lợi nhuận phải trả. Trên thị trường, chốt phiên giao dịch sáng ngày 26/9, cổ phiếu CLL có giá 41.000 đồng/cổ phiếu.
Còn CTCP Kho vận Tân Cảng (mã: TCW) có 59% vốn điều lệ góp của Tân cảng Sài Gòn. Trong quý vừa qua, doanh thu của công ty đạt hơn 229 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trên 21 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. Tính đến 30/6, tổng tài sản của TCW đạt 588 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 335 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm gần 43% cơ cấu tài sản, với hơn 252 tỷ đồng.