Vùng sáng cổ phiếu ngành vận tải
Thanh khoản thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục từ tháng 5/2023 đến nay, vẫn ở mức thấp so với giai đoạn bùng nổ trước đó. Cổ phiếu vận tải là một trong những nhóm tâm điểm của dòng tiền.
Diễn biến thanh khoản tích cực có được nhờ vào yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vĩ mô, lợi nhuận đột phá ở doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ; hay từ các thương vụ mua bán sát nhập, kỳ vọng giải ngân đầu tư công, các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.
"Quả ngọt" từ hệ thống thu phí không dừng ETC
Nói về quyết tâm chuyển đổi từ thu phí một dừng (thủ công) sang thu phí không dừng trên tất cả các tuyến đường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, trong bối cảnh số dự án công trình giao thông và số lượng phương tiện tăng nhanh, hình thức thu phí thủ công đã bộc lộ nhiều hạn chế như thường xuyên xảy ra ùn tắc, hạn chế trong việc kiểm soát doanh thu, tăng chi phí xã hội, chưa thuận tiện cho người tham gia giao thông và chưa hiện đại hóa được hệ thống kết cấu hạ tầng.
100% cao tốc trên toàn quốc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) từ ngày 1/8/2022. Các phương tiện không dán thẻ định danh và không sử dụng dịch vụ thu phí ETC sẽ bị từ chối phục vụ, buộc phải đi trên các tuyến đường song hành kém tiện nghi, tốc độ thấp hơn, với trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Hành lang pháp lý cho thu phí không dừng ETC dần hình thành với Nghị quyết 437 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, tạo tiền đề phát triển và đặt ETC.
Nhưng với công nghệ RFID được nước ta thí điểm từ 2015 nhưng đã gặp vô vàn khó khăn, nhiều lần trì hoãn và đình trệ kéo dài. Khó khăn cũng tiếp diễn khi triển khai thu phí không dừng vào năm 2022. Trong những ngày đầu thu phí, nhiều xe chưa dán thẻ, hoặc không đủ số dư tài khoản trả phí gây nên tình trạng ùn ứ trên cao tốc; tình trạng trạm thu phí lỗi không quét được tem dán của ePass tại một số trạm do đó khi đi qua trạm barie không mở; vấn đề biển giả khiến trường hợp xe đi 1 trạm nhưng bị thu phí cả 2 trạm; chủ xe bị trừ tiền trong tài khoản trong khi còn không đi qua trạm thu phí hay chuyển nhầm tiền VETC và thủ tục phức tạp.
Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 4957/VPCP-CN ngày 5/8/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc đẩy mạnh thu phí theo hình thức điện tử không dừng; rà soát, khắc phục ngay các lỗi kỹ thuật, nhất là lỗi không nhận diện thẻ định danh; phạt nghiêm phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí ETC. Bộ GTVT cũng liên tục ban hành các văn bản yêu cầu các cơ quan quản lý, đơn vị chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ khẩn trương xử lý triệt để các tình huống, sự cố phát sinh.
Kết quả của những chỉ đạo quyết liệt, hệ thống ETC thật sự đem lại hiệu quả xã hội, giúp người dân lưu thông thuận tiện. Đương nhiên, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ thu phí không dừng. Đơn cử, trong 3 tháng đầu năm 2023, các tuyến cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phục vụ 14,8 triệu lượt xe, tăng 16,87% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lưu lượng xe trong cả năm 2022 trên 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác đạt khoảng 53,3 triệu lượt, tăng hơn 41% so với năm trước. Theo đó, tổng doanh thu thu phí trên 04 tuyến cao tốc của VEC đạt 4.532 tỷ đồng, tăng hơn 36%.
Nhờ thu phí không dừng VEC giảm thiểu chi phí vận hành, nhân công và tăng cường tính công khai, minh bạch, tránh thất thoát. Năm qua, doanh thu Tổng công ty đạt 5,361 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ đạt 5,015 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm 2022.
Nhắc đến các trạm thu phí, không thể bỏ qua "ông trùm BOT" Tasco (mã HUT) khi đơn vị này đang vận hành và quản lý gần 80 trạm thông qua công ty con VETC. Tasco từng đặt nhiều tham vọng vào dự án VETC, và coi là động lực tăng trưởng dài hạn. Sau thời gian miễn phí, VETC chính thức thông báo mức phí dán thẻ ETC vào tháng 8/2022. Khách hàng sẽ phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC, áp dụng với tất cả phương tiện dán mới hoặc thay thẻ (dán lại). Hoạt động này mang lại doanh thu cao đột biến cho VETC trong năm vừa qua, qua đó xóa dần mức lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng mà VETC đang gánh. Thực tế, doanh thu năm 2022 của VETC đã tăng gần gấp đôi lên 346 tỷ, giúp số lỗ được thu hẹp chỉ còn 132,6 tỷ.
BOT là kênh tạo lợi nhuận lớn cho Cường Thuận Idico (mã CTI) cũng đang vận hành và quản lý 4 trạm thu phí. Năm 2022, CTI có doanh thu tăng trưởng 21%, đạt 919 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp 36 lần so với năm trước lên 107 tỷ đồng. Trên thị trường, CTI giao dịch quanh mức 13.000-14.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, mảng thu phí là động lực tăng trưởng chính trong trung hạn của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (mã CII) dù còn nhiều mảng hoạt động khác như bất động sản, xây dựng, cung cấp nước. CII đã có một năm 2022 khá rực rỡ với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, lập các kỷ lục. Riêng quý IV/2022, doanh thu thuần của CII đạt 1.865 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đây là quý có doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử CII chỉ sau quý IV/2020 và quý III/2022.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của CII đạt 5.755 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước và cũng là năm có doanh thu đạt đỉnh. Đi sâu vào cơ cấu doanh thu cho thấy, góp phần sự gia tăng mạnh mẽ là mảng thu phí giao thông với doanh thu 1.444 tỷ đồng, tăng 53%.
Ngành cảng biển ấp ủ những thương vụ lớn
Năm nay, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực cảng biển có nhiều câu chuyện đáng chú ý. Thương vụ chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ giữa Công ty Cổ phần Gemadept (mã: GMD) và Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã: VSC) chính thức vào ngày 19/4. Sau khi thương vụ hoàn tất, vị thế của các doanh nghiệp có sự thay đổi lớn. Một là, VSC sẽ trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng trong 2023, với tổng công suất đạt 2,6 triệu TEUs, chiếm 24% thị phần.
Tiếp nữa, ở chiều ngược lại, dư địa tăng trưởng của GMD tại khu vực cảng Hải Phòng sẽ không còn nhiều, thị phần của GMD sẽ giảm. Tuy nhiên, tiền thu về từ bán cảng sẽ giúp GMD có thêm nguồn lực để gia tăng vị thế ở các cảng nước sâu ở phía Nam thông qua dự án Gemalink giai đoạn 2.
SSI Research ước tính tổng vốn đầu tư vào thương vụ vào khoảng 2.250 tỷ đồng cho 51 - 75% cổ phần, tương ứng giá trị 3.000 tỷ đồng cho toàn bộ cảng. Với việc sở hữu 85% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept có thể ghi nhận khoản lãi 2.000 tỷ đồng.
Huy động vốn để M&A là mục tiêu mà gần đây Viconship liên tục đẩy mạnh. Trước đó, Viconship cũng muốn chi 600 tỷ đồng mua cổ phần của Vinaship. Giám đốc tài chính của Viconship từng chia sẻ, mục tiêu của Viconship là nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng, tạo động lực phát triển cho Viconship các năm tiếp theo. Viconship có tham vọng sở hữu đội tàu nằm trong top đầu Đông Nam Á và châu Á”.
Tại khu vực phía Nam, một thương vụ cũng được chờ đợi từ lâu là kế hoạch chuyển nhượng 24% vốn tại cảng Gemalink đang thuộc sở hữu của Gemadept. Gemalink là một trong những cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn lên đến 200.000 DWT. Bên cạnh đó, Gemalink được đánh giá có những lợi thế cạnh tranh quan trọng và vượt trội để trở thành một trong những cảng trung chuyển lớn cho thị trường Việt Nam và khu vực. Việc chuyển nhượng vốn thành công tại dự án này sẽ tạo ra lợi nhuận và dòng tiền cho Gemadept để tái đầu tư vào các dự án tiếp theo.
Tại Dự thảo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025 được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan vào tháng 10/2022, đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu vốn của công ty mẹ tại 5 cảng xuống còn 51% gồm: cảng Cần Thơ (đang nắm 99% vốn), cảng Cam Ranh (đang nắm gần 81% vốn), cảng Quy Nhơn (đang nắm 75% vốn), cảng Đà Nẵng (đang nắm 75% vốn) và cảng Cái Lân (Quảng Ninh, hiện nắm 56% vốn). Riêng cảng Hải Phòng, VIMC đề nghị giảm sở hữu từ 92,5% hiện nay xuống 65%.
Năm 2023, ngành cảng biển được dự báo sẽ đối mặt với không ít thách thức do kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, động thái mở cửa của Trung Quốc, giá dầu hạ nhiệt, giá cước vận tải biển giảm là những yếu tố có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực.
Đặc biệt, các yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ tính riêng theo quy hoạch tổng thể ngành cảng biển trong 10 năm, đến năm 2030, lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt 38 - 47 triệu TEU/năm, tương ứng tăng trưởng 7 - 10%/năm.
Trong báo cáo về ngành cảng biển mới đây, chứng khoán Mirae Asset xác định mức giá hợp lý của GMD là 53.000 đồng/cổ phiếu. Dựa trên dòng tiền, tiềm năng mở rộng và khả năng thanh toán tài chính của doanh nghiệp, công ty chứng khoán khuyến nghị mua VSC với giá mục tiêu là 39.700 đồng/cổ phiếu.
Ngành kinh doanh dịch vụ vận tải được cho là huyết mạch của nền kinh tế, đang vai trò tiên quyết kết nối thúc đẩy sự hồi sinh của các ngành nghề khác. Cũng dễ hiểu vì sao khi nền kinh tế vĩ mô rơi vào giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp vận tải chịu hậu quả nặng nề bậc nhất; nhưng khi nền kinh tế phục hồi dần, cộng với nỗ lực lớn của các thành viên kinh doanh đầu tư vận tải, đây lại là một trong những vùng sáng nhất trên thị trường chứng khoán.