10.000 tỷ đồng trái phiếu vừa "vỡ" cam kết liên quan đến Techcombank
Đại lý phát hành - CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa thông báo về việc không thanh toán được lãi khi đến hạn lô trái phiếu nói trên. Nhưng, Techcombank là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo (tính cả cổ phiếu và dự án) nên nhà đầu tư trái phiếu có thể yên tâm, vì đây là ngân hàng uy tín.
Tại Công văn số 1600/2023/TB-TVSI ngày 29/8/2023, TVSI cho biết công ty này chưa nhận được bất kỳ khoản tiền thanh toán nào từ tổ chức phát hành các lô trái phiếu là Công ty TNHH Saigon Glory. Do đó, nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ không thể thực hiện được đúng hạn.
Theo thông báo, số lô trái phiếu bị chậm thanh toán lãi đợt này gồm 5 lô, có mã số là: SGL-2020.06, SGL-2020.07, SGL-2020.08, SGL-2020.09 và SGL-2020.10. Trong đó, ba lô SGL-2020.06, SGL-2020.07 và SGL-2020.08 có giá trị 3.000 tỷ đồng, phát hành ngày 26/8/2020, đến hạn thanh toán lãi ngày 26/8/2023. Hai lô còn lại mã SGL-2020.09 và SGL-2020.10 có giá trị 2.000 tỷ đồng, phát hành ngày 28/8/2020, đến hạn thanh toán lãi ngày 28/8/2023.
TVSI cũng cho biết, đối với 5 lô trái phiếu trước đó, gồm: SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04, SGL-2020.05, tổ chức phát hành là Công ty TNHH Saigon Glory cũng đã không thể thanh toán gốc khi đến kỳ đáo hạn, vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư.
Vì vậy, theo quy định, 5 lô trái phiếu lần này sẽ bị tuyên đến hạn và Saigon Glory phải mua lại bắt buộc trong vòng 10 ngày làm việc. Được biết, tổ chức quản lý tài sản đảm bảo là ngân hàng Techcombank đang thực hiện xử lý tài sản đảm bảo và chỉ định công ty định giá tài sản dự án The Spirit of Saigon.
Giữa năm 2020, cùng với thời điểm khi Saigon Glory bắt đầu phát hành trái phiếu, tập đoàn mẹ Bitexco đã thế chấp 100% phần vốn của Saigon Glory tại Techcombank khối Ngân hàng bán buôn miền Nam.
Nếu như không phải các lô trái phiếu này đều do Techcombank đứng ra thu xếp (đều có lãi suất 11% mỗi năm đối với năm đầu tiên và không thấp hơn 11% mỗi năm tính từ năm thứ hai trở đi) thì tài sản đảm bảo rất rủi ro:
Thứ nhất: Cổ phần góp vốn, giá trị cổ phần thường sẽ bị lên xuống theo giá trị tài sản bất động sản trên thị trường. Khi cổ phần được chuyển nhượng đi trách nhiệm sẽ bị đẩy đi nơi khác.
Thứ hai: Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản vô hình
Đối với 10 lô trái phiếu này, TVSI có vai trò là tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, đại lý thanh toán và đại diện người sở hữu trái phiếu; Techcombank là tổ chức quản lý tài sản đảm bảo và quản lý tài khoản; Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC – chi nhánh TP. HCM là tổ chức kiểm toán.
Cách đây vài ngày, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của TVSI cho thấy, đến thời điểm phát hành báo cáo, tổng mệnh giá trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 18.000 tỷ đồng trong đó số đã đến hạn thanh toán chưa thanh toán khoảng hơn 14.800 tỷ đồng.
Tại báo cáo, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, trong quá trình kinh doanh, TVSI đã thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư đồng thời phía công ty cũng đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai. Khi bán và mua lại trái phiếu với nhà đầu tư, công ty đang ghi nhận như hoạt động tự doanh.
Tổng mệnh giá các trái phiếu Chứng khoán Tân Việt đã ký hợp đồng mua lại đến ngày 31/12/2022 là khoảng trên 20.700 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 4.870 tỷ đồng).
Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán 2022 (ngày 18/8/2023), tổng mệnh giá trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 18.000 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 14.800 tỷ đồng). Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, TVSI - đại lý phát hành của 10 lô trái phiếu (tổng giá trị 10.000 tỷ đồng) của Saigon Glory - đã yêu cầu xử lý 18.550 tỷ đồng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp này. Đây là số trái phiếu có kỳ hạn 3 - 5 năm được Saigon Glory phát hành vào năm 2020 nhằm phát triển dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ The Spirit of Saigon.
Ghi nhận tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của TVSI giảm 36% so với đầu năm về mức 4.288 tỷ đồng trong đó tiền mặt tăng gần 6 lần lên mức 1.967 tỷ và tài sản đầu tư tự doanh tăng 880 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ. Ngược lại, các khoản cho vay giảm từ 5.120 tỷ về còn 363 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả giảm từ 3.162 tỷ đồng hồi đầu năm về còn 605 tỷ; vốn chủ sở hữu ở mức 3.683 tỷ đồng.
TVSI cho biết, công ty không ghi nhận các khoán trái phiếu nêu trên vào báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Do đó, các nhà đầu tư vẫn đang thực hiện các quyền sở hữu và định đoạt của trái chủ đối với số trái phiếu này.
Theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên, tại ngày 31/12/2022, TVSI đã thực hiện trích lập dự phòng cho việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu đến hạn nhưng không thực hiện được ở mức 50% (tương đương khoảng 195 tỷ đồng) giá trị tối đa nghĩa vụ hợp đồng vi phạm theo tổng giá trị các hợp đồng mua lại là hơn 4.870 tỷ đồng vì cho rằng: “Việc vi phạm của công ty là do bất khả kháng đã được quy định trong hợp đồng nên trong quá trình giải quyết tranh chấp công ty có thể thương lượng để không bị phạt vi phạm ở mức tối đa và công ty chỉ bồi thường khi có phán quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền". Nếu tính từ đầu năm 2022, nguồn vốn cho vay của Chứng khoán Tân Việt giảm tới 96% từ mức 5.120 tỷ đồng.
Ngày 23/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động MUA chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch đối với Chứng khoán Tân Việt tại HOSE và HNX với lý do công ty đang trong diện kiểm soát đặc biệt bởi UBCKNN. Thời gian đình chỉ từ 27/6 cho đến khi công ty được Ủy ban đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.