Chuyên mục


Sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh chiếm lĩnh thị trường như thế nào?

20/05/2023 06:28 (GMT +7)

Doanh nghiệp trồng sâm non trẻ nhưng lại đạt nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như Top 10 Thương hiệu mạnh, Thương hiệu vàng năm 2021- 2022, Doanh nhân tiêu biểu,...hẳn phải có một vị thuyền trưởng bản lĩnh, sản phẩm chất lượng, chiến dịch truyền thông hiệu quả,...và cuối cùng là có dòng tiền tốt.

Sâm Ngọc Linh tạo thương hiệu cho Tập đoàn Mỹ Hạnh

 
Bệnh hại chủ yếu xuất hiện trên cây sâm Ngọc Linh một năm tuổi trong vườn ươm và đây là bệnh chết rạp.  Vết bệnh lan dần làm cho lá bị thối nhũn, gục xuống và bệnh lan vào phần thân cây. Có diện tích cây sâm Ngọc Linh bị bệnh tỷ lệ tới 30%.

Ông Trần Ngọc Luận, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật và Kiểm dịch nội địa, Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum

Sâm Ngọc Linh là loài thực vật đặc hữu ở Việt Nam, có chỉ giới địa lý hẹp, được phân bố chủ yếu tại đỉnh núi Ngok Linh (hay còn gọi là Ngọc Linh), thuộc dãy núi Ngọc Linh, nằm trên dải Trường Sơn Nam, qua các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đây là một loài cây thuộc chi Panax, chứa nhiều hợp chất quý, có tác dụng dược lý nên được dùng chủ yếu làm thuốc. Sâm Ngọc Linh đã được bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia nhằm phát huy tiềm năng của loài dược liệu quý này. 

Bởi xứng danh với cái tên "sâm quốc bảo" thì loại thực vật này khiến các nhà khoa học tại Việt Nam đau đầu vì khó trồng và bảo tồn cho đến ngày thu hoạch. Mới đây, do ảnh hưởng của mưa đá và bệnh hại, gần 30 nghìn gốc Ngọc Linh dưới 1 năm tuổi tại huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum chết la liệt khiến cho người trồng khổ sở. 

Khó là thế, nhưng có một doanh nghiệp lại cực kì thành công trong việc trồng và phát triển giống sâm quốc bảo này. Trong làng trồng sâm Ngọc Linh, Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) đã gây dựng được thương hiệu từ khi ra đời năm 2017 với mục tiêu xây dựng, phát triển chuỗi giá trị bền vững của ngành sản xuất Sâm Ngọc Linh.

Công ty Mỹ Hạnh đầu tư vườn trồng Sâm Ngọc Linh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy trình quản lý khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế

Công ty Mỹ Hạnh đầu tư vườn trồng Sâm Ngọc Linh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy trình quản lý khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế

Để nâng tầm thương hiệu cũng như quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm, tập đoàn này đã mở nhiều công ty thành viên phục vụ cho 5 lĩnh vực: Nghiên cứu, trồng Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Sản xuất và phân phối sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; Cung cấp sản phẩm và dịch vụ viễn thông; Đầu tư và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng sinh thái; Spa Dược liệu Sâm. 

Sơ đồ tổ chức Tập Đoàn MGH của bà Phạm Mỹ Hạnh

Sơ đồ tổ chức Tập Đoàn MGH của bà Phạm Mỹ Hạnh

Tập đoàn MGH có hơn 14 Showroom thương hiệu Sâm Ngọc Linh MHG tại Hà Nội cùng mạng lưới cửa hàng, đại lý trên khắp đất nước. Theo giới thiệu website, công ty đã tạo ra doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định, thu nhập tốt cho hàng trăm lao động tại công ty.

Bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty MHG nhận Kỷ niệm chương của chương trình và Chứng nhận “Top 10 Thương hiệu Sản phẩm Dịch vụ Chất lượng cao Asean 2022”

Bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty MHG nhận Kỷ niệm chương của chương trình và Chứng nhận “Top 10 Thương hiệu Sản phẩm Dịch vụ Chất lượng cao Asean 2022”

Doanh nghiệp MGH nhận rất nhiều giải thưởng như “Top 10 Thương hiệu mạnh quốc gia” năm 2022”, “Top 10 Thương hiệu Sản phẩm Dịch vụ Chất lượng cao Asean” năm 2022, “Sản phẩm Vàng vì Sức khoẻ Cộng đồng” năm 2021, được vinh danh Top 10 "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam" và đạt Top 30 "Doanh nghiệp tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" năm 2021. 

Empty
Tôi tin dùng sâm Ngọc Linh như cách mà người tiêu dùng tin tôi.

Bà Phạm Mỹ Hạnh - CEO MHG

Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) là bà Phạm Mỹ Hạnh, sinh năm 1980. Khi còn là sinh viên, Phạm Mỹ Hạnh đã khởi nghiệp với vai trò đại lý phân phối sim điện thoại, hàng điện tử, máy văn phòng... Sau một thời gian tích lũy được lượng kiến thức  về kinh doanh, cùng với kinh nghiệm thị trường nhạy bén, chị Mỹ Hạnh đã mở rộng kinh doanh và liên tục thành công trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh viễn thông, thiết bị chống cháy. Và mới đây, lĩnh vực chính của tập đoàn là các sản phẩm về Sâm Ngọc Linh và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Măng Đen, Kon Tum.

Bà Hạnh còn nhận được nhiều danh hiệu cá nhân như “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019”, “Cúp bông hồng vàng năm 2021”, “Doanh nhân tiêu biểu Asean EU năm 2021”…

Với mục tiêu phát triển bền vững, chủ động kiểm soát tốt chất lượng, sản phẩm Sâm Ngọc Linh MHG đã thành công trong nhiều lĩnh vực, từ các vùng nguyên liệu trồng Sâm Ngọc Linh tại Nam Trà Mi (Quảng Nam) Măng Đen (Kon Tum), Núi Bà (Lâm Đồng)…

Bà Hạnh chia sẻ "Sứ mệnh của MHG là đưa Sâm Ngọc Linh đến gần với mỗi người dân, giúp cho mọi người đều có cơ hội sử dụng sản phẩm. Và xa hơn nữa, khi Sâm Ngọc Linh đã trở nên gần gũi với người Việt, bà mong muốn Sâm Ngọc Linh MHG sẽ được xuất khẩu để phục vụ người tiêu dùng trên khắp thế giới." Theo quan sát, rất nhiều sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh được công ty giới thiệu, quảng bá trên website cũng như các showroom bán hàng của Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh. 

 Liên tục mở rộng quy mô, bất chấp tai tiếng thương hiệu Ngọc Linh 

Có thời điểm, trả lời báo chí, bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh cho biết: “Công ty đang chú trọng sản xuất các sản phẩm liên quan đến Hồng đẳng sâm. Đây là cây sâm gần giống như sâm Hàn Quốc, nhưng chất lượng Saponin Hồng đẳng sâm Việt Nam rất là cao và đang được trồng ở Nam Trà My, Kon Tum. Và hiện tại chúng tôi lấy cây Hồng đẳng sâm là sản phẩm trọng điểm”.

Được biết, Hồng Đẳng Sâm được người dân hay gọi là Sâm dây Ngọc Linh, tuy có công dụng tuyệt vời nhưng loại sâm này ở Kon Tum rất dễ trồng và có giá thành rẻ chỉ từ 300 đến 600 nghìn đồng một cân. Do cũng được mọc ở núi Ngọc Linh nên được lấy luôn làm tên gọi, khiến người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn giữa hai loại sâm này. Chẳng những nhầm lẫn khái niệm mà còn mua sản phẩm bị "trả thừa tiền".

Cũng nhiều lần thương hiệu sâm Ngọc Linh đã bị người tiêu dùng cảnh giác khi các chuyên gia liên tục cảnh báo chuyện người tiêu dùng trả tiền mua sâm oan. Gần đây nhất, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông đã khuyến nghị người tiêu dùng, nếu cần mua sâm Ngọc Linh phải vào tận các thôn làng rồi nhờ chủ vườn bán cho một vài củ, muốn mua nhiều họ cũng không bán. “Nếu là củ đã ngâm rượu, ngâm mật ong hoặc phơi khô, hoặc không còn lá thì không thể nào biết được. Đừng tin vào cam kết của người bán. Người nào bán cũng cam kết người mua có thể mang đi xét nghiệm thoải mái, nếu không phải Ngọc Linh, đền tiền 10 lần giá trị mua, dù người bán có cam kết nếu không phải sâm Ngọc Linh thật sẽ hoàn tiền hay gì gì đó, cũng chớ nên tin".

Mỹ Hạnh có dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Măng Đen (H.Kon Plông). Công ty có kế hoạch đưa điểm này trở thành Khu Du lịch Sinh thái kết hợp trồng dược liệu Măng Cành (tại xã Măng Cành, Kon Tum). Khi đất có diện tích 41ha đất với độ cao và nhiệt độ lý tưởng 1.200m, nhiệt độ trung bình 16 - 22 độ C; cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

Phối cảnh tổng thể khu Du lịch được phát triển từ HTX Tuyết Sơn

Phối cảnh tổng thể khu Du lịch được phát triển từ HTX Tuyết Sơn

 
Sâm trồng trên núi Ngọc Linh mới đem lại giá trị dinh dưỡng cao nhất. Sâm Ngọc Linh mà đem đi trồng ở vùng khác thì nó trở thành sâm khác. Thổ nhưỡng, khí hậu, tính đặc hữu nơi đây nó khác so với mọi miền của đất nước”

A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông

Được biết, tại tỉnh Kon Tum, Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh theo Quyết định số 2465/QĐ-SHTT chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” được mở rộng thêm 7 xã của tỉnh Kon Tum và 6 xã của tỉnh Quảng Nam, nâng tổng số xã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý lên 16 xã.

Cụ thể: Tỉnh Kon Tum có 9 xã, gồm: 3 xã của huyện Đăk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp) và 6 xã của huyện Tu Mơ Rông (Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng).

Tỉnh Quảng Nam có 7 xã, gồm: Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng, Trà Tập huyện Nam Trà My.

Screenshot 2022-06-16 144617

Như vậy xã Măng Cành, vị trí dự án của Mỹ Hạnh không nằm trên Bản đồ Sâm Ngọc Linh tỉnh KonTum. Vào năm 2019, Tập đoàn Mỹ Hạnh mua lại HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn để đầu tư Dự án Mỹ Hạnh Farm - Khu Du lịch Sinh thái tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Trước đó ngày 28/4/2017, tỉnh Kon Tum có quyết định (QĐ) 356/QĐ-UBND cho HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông đất để thực hiện dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông. Theo đó, tỉnh Kon Tum cho HTX Tuyết Sơn Kon Plông thuê gần 37 ha đất để thực hiện dự án. Trong đó, hơn 30 ha là đất rừng tự nhiên sản xuất và hơn 6,6 ha đất trống, sông suối, đất đường giao thông. 

Mô hình du lịch nghỉ dưỡng của Mỹ Hạnh Farm nằm tại ĐT676, Măng Cành, Kon Plông, Kon Tum

Mô hình du lịch nghỉ dưỡng của Mỹ Hạnh Farm nằm tại ĐT676, Măng Cành, Kon Plông, Kon Tum

Theo quy định thì HTX này chỉ  tiến hành trồng các loại rau, hoa theo tiêu chuẩn VietGap và PGS. Đồng thời, còn trồng thêm cây dược liệu (gồm hồng đẳng sâm và đương quy) với quy mô 01 triệu cây/năm. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.

Ghi nhận thực tế tại HTX nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông cũng cho thấy chưa có bất cứ cây sâm Ngọc Linh được trồng tại nơi đây, thay vào đó HTX này đang chăm sóc 2ha Hồng Đẳng sâm (sâm dây) và cây đường quy; 1,5 ha cà phê, 3 ha hoa các loại. HTX cũng đang tổ chức làm đất để chuẩn bị tiếp tục xuống giống khoảng 3 ha sâm dây và đường quy.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở KH - ĐT phối hợp các Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Sở Xây dựng và UBND H.Kon Plông kiểm tra xác minh cụ thể, làm rõ thông tin dự án trồng sâm Ngọc Linh của MHG đang triển khai trên địa bàn H.Kon Plông. Trước đó, UBND H.Kon Plông cũng đã có báo cáo về việc rà soát, kiểm tra thông tin dự án vườn sâm Ngọc Linh tại Kon Plông. Báo cáo khẳng định không có vườn sâm Ngọc Linh trong khu vực dự án nhưng không có hồ sơ liên doanh liên kết với MHG… 

Qua thông tin quản lý đầu tư, đến nay cũng chưa ghi nhận bất kỳ nhà đầu tư nào có hoạt động đầu tư sâm Ngọc Linh theo quy định của luật Đầu tư trên địa bàn H.Kon Plông. Hiện trên địa bàn H.Kon Plông cũng không có MHG đầu tư dự án nên không có cơ sở để xác minh và cung cấp thông tin.

 
Sâm củ Ngọc Linh phải được trồng ít nhất 6 năm mới khai thác để chế biến ra sản phẩm, trong khi công ty Mỹ Hạnh mới thành lập được hơn 4 năm mà đã có hàng chục các loại sản phẩm từ giá rẻ đến lớn, chúng tôi nghe quảng cáo mà không biết đường nào mà lần"

Một bạn đọc cho hay

Tháng 1/2022, Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định với báo Tiền Phòng rằng, các doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam không có Công ty tập đoàn MHG.

Tại tỉnh Quảng Nam, Công ty MHG cũng chưa từng đặt vấn đề, chưa được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư và cho thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng chưa có doanh nghiệp nào đủ năng lực trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam với số lượng lớn để di thực đi trồng nơi khác.

“Bây giờ doanh nghiệp hay tư thương mua bán, kinh doanh sâm Ngọc Linh vẫn còn lẫn lộn việc mượn tên sâm Ngọc Linh để mua bán dưới nhiều hình thức sản phẩm sâm khác. Sâm Ngọc Linh là sâm Ngọc Linh, không thể lấy dòng sâm khác gọi là sâm Ngọc Linh được", ông Trần Út nhấn mạnh.

Website với hàng chục sản phẩm đa dạng phong phú.

Website với hàng chục sản phẩm đa dạng phong phú.

Tại trang chủ samngoclinhvn.net, các sản phẩm mang thương hiệu “sâm Ngọc Linh” của MGH cực kì đa dạng nhiều sản phẩm như: Sâm lát ngâm mật ong, dầu gió sâm Ngọc Linh, rượu sâm Ngọc Linh, nước uống bổ dưỡng, nước yến, sữa bột, viên ngậm, viên sủi… sâm Ngọc Linh.

Hình ảnh doanh nghiệp này đi thăm vườn sâm cũng không phải là ít, đủ để người tiêu dùng tin rằng, MGH đã thực sự trồng sâm thành công. Nhưng ông Trương Đình Kiểm, Giám đốc Công ty TNHH KTC Quảng Nam vào năm 2021 từng phản ánh thông tin, Công ty MHG có đặt mua giống sâm Ngọc Linh để đưa đi nơi khác trồng. Người của công ty này lên thăm vườn sâm Ngọc Linh của ông. Sau khi về lại đăng tải hình ảnh với nội dung "đây là vườn sâm của Công ty MHG". "Những hình ảnh ấy là vườn sâm của công ty tôi chứ không phải vườn sâm của họ. Ngay khi phát hiện, tôi đã yêu cầu gỡ xuống vì không đúng sự thật và sau đó họ đã gỡ" . 

Nhiều nguồn tin cho hay, Mỹ Hạnh mở thêm 1 công ty con tên Danaco Quảng Nam nhằm khẳng định nguồn gốc xuất xứ, và phủ sóng rộng nhưng trên thực tế tại tỉnh Quảng Nam chỉ đặt nhà máy của công ty Danaco được vay vốn từ ngân hàng SHB, chứ không có thửa đất sâm Ngọc Linh nào của MGH được trồng ở đây. 

Website công ty con của MGH lấy tên Danaco Quảng Nam nhằm khẳng định thương hiệu

Website công ty con của MGH lấy tên Danaco Quảng Nam nhằm khẳng định thương hiệu

Truy cập vào website của Danaco cũng không thấy thông tin giới thiệu về các sản phẩm mà công ty này phát triển, mà chỉ là 1 trang web được dựng sài với 2 - 3 hình ảnh minh họa.

Không những thế, trên trang web bán hàng samngoclinhvn.net của công ty "lớn" cũng không có đăng ký của Bộ Công thương vẫn công khai bán sản phẩm. Theo quy định thì toàn bộ các website thương mại điện tử bán hàng và các website cung ứng dịch vụ thương mại điện tử thì đều bắt buộc phải tham gia khai báo website với Bộ Công thương.

Việc đăng ký sẽ giúp cho cơ quan Nhà nước quản lý, hoàn thiện hệ thống thông tin, điều kiện, điều khoản giao kết giữa người bán và người mua trên các trang mạng trực tuyến, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của cả người bán và người mua. Một website được khai báo sẽ nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu của trang web đó từ đó, khiến cho người tiêu dùng trực tuyến yên tâm, tin tưởng hơn so với các website chưa đăng ký/thông báo – không được gắn logo dẫn tới đường link trang của Bộ Công thương.

Nếu cá nhân, tổ chức sử dụng website để kinh doanh mà không đăng ký, thông báo với Bộ Công thương thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức phạt cụ thể liên quan đến các hành vi khai báo website theo quy định.

Nguyên Ý
Tập đoàn Dabaco bị tố thu phí nhà ở xã hội bất thường
Tại Bắc Ninh, cư dân sinh sống ở Khu nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm mới đây liên tục căng băng rôn khẩu hiệu trên đường trước trụ sở chủ đầu tư CTCP Tập đoàn Dabaco đề nghị cấp lại nước, đối thoại về mức phí dịch vụ 8.500 đồng/m2...

Bài 2: 'Xe đạp điện trá hình' và hiểm hoạ tai nạn giao thông ở học sinh
Tai nạn giao thông gia tăng liên quan đến học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện thời gian gần đây đã ít nhiều tạo cái nhìn không tốt trong dư luận. Tuy nhiên, thực trạng này lại mâu thuẫn với những giá trị tiện ích đem lại cho người tiêu dùng và xã hội mà nhiều nhà sản xuất xe mong muốn.

Bài 1: Xe đạp điện 'trá hình trước mặt' cơ quan chức năng!
Xe đạp điện là một trong những mặt hàng đang bị bát nháo nhiều nhất về chất lượng và nguồn gốc. Đáng ngại lên mức cảnh báo đỏ bởi những chiếc xe "râu ông nọ cắm cằm bà kia", hàng nhái hoặc là có tên lạ hoắc lạ hơ... đang được học sinh, con em điều khiển với tốc độ xe máy đến trường.

Tập đoàn Anh Vinh đẩy BIDV vào vụ kiện thế nào?
BIDV phát hành thư bảo lãnh khoản tạm ứng cho CTCP Tập đoàn Thành Vinh tại 2 dự án thầu giao thông và đảm bảo hoàn trả vô điều kiện cho chủ đầu tư Ban Giao thông TPHCM. Nhưng các cam kết đang bị phá vỡ.

Thông báo về 02 tổ chức khủng bố “Nhóm Hỗ trợ người Thượng - MSGI” và “Người Thượng vì công lý - MSFJ”
Căn cứ pháp luật Việt Nam và quốc tế, Bộ Công an thông báo 02 tổ chức dưới đây đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố.

CSGT kịp thời đưa bệnh nhân tai biến đi cấp cứu
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên quốc lộ 91, CSGT tỉnh An Giang đã nhanh chóng dùng xe đặc chủng, kịp thời đưa người phụ nữ có biểu hiện tai biến đi cấp cứu.

Tài xế xe khách chạy quá tốc độ, nhiều lần tông vào xe CSGT
CSGT phát hiện Nguyễn Văn Giang điều khiển xe khách chạy quá tốc độ nên ra hiệu lệnh dừng xe, tuy nhiên Giang không chấp hành mà bỏ chạy, tông nhiều lần vào đuôi xe chuyên dụng.