Tổng Công ty xây dựng số 1 "né" thuế, mập mờ tài chính dự án công
Thành viên trong Liên danh Vietur - đơn vị vừa chính thức trúng thầu Dự án trọng điểm quốc gia gói 5.10 Cảng hàng không quốc tế Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng còn "còng lưng" gánh lãi vay hàng tỷ đồng mỗi ngày...
Gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” - dự án thành phần 3 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng đã tạo sân chơi cạnh tranh, là động lực cho nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng công trình, giao thông hàng đầu những tháng gần đây.
Trước đó, 3 nhóm nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10: Liên danh Vietur, Liên danh Hoa Lư, Liên danh CHEC-BCGE-Vietnam Contractors. Theo tính toán của nhóm phân tích Chứng khoán Vietcap (Vietcap), tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia gói 5.10 khoảng 525 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của các doanh nghiệp trong Liên danh Vietur như Ricons, Vinaconex, CC1, HAN, Phục Hưng Holdings.
Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS (Thổ Nhĩ Kỳ), CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1), CTCP Kết cấu ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), CTCP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN).
Vietur được chọn thi công gói thầu lớn không phải là điều quá bất ngờ. Bởi theo khảo sát của Banduong.vn, các chuyên gia trong ngành đa phần đều đánh giá rằng: Cơ hội của VIETUR được đánh giá là “một chín một mười” với Hoa Lư - liên danh rõ ràng đang gây được nhiều chú ý bậc nhất bởi sự hiện diện của loạt doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng.
Liên danh Vietur bên cạnh doanh nghiệp nước ngoài đứng đầu hùng mạnh, còn có sự hiện diện của loạt đơn vị thầu xây dựng trong nước uy tín như Ricons, Newtecons và SOL E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, liên danh này còn có sự tham gia của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). VDSC đánh giá cao Vinaconex đã có nhiều kinh nghiệm trong thi công các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, cầu... Theo tính toán của nhóm phân tích Chứng khoán Vietcap (Vietcap), lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của các doanh nghiệp trong Liên danh Vietur như Ricons, Vinaconex, CC1, HAN, Phục Hưng Holdings khá khiêm tốn, cách xa so với con số tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia gói 5.10 khoảng 525 tỷ đồng.
Đơn cử như, trong liên danh này lại có một cái tên gây chú ý khi liên tục thua lỗ, gánh lãi tỷ đồng mỗi ngày... Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1).
Theo cập nhật mới nhất, CC1 vừa mới có Giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, số 503450/23 ngày 26/6/2023 do Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp. Trong đó, có một ngành nghề chưa khớp mã với hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Trước đó vài ngày, cũng trong tháng 6/2023, CC1 nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế do có dấu hiệu khai sai thuế, có tình tiết tăng nặng. Công ty này theo đó đã bị nộp phạt hơn 90 triệu đồng vì hành vi trên và truy thu hơn 400 triệu đồng.
Những năm gần đây, CC1 có động thái vay nợ mạnh mẽ, nhất là sau khi tổng công ty này thay đổi chủ sở hữu, với vai trò chi phối của một tập đoàn đa ngành hàng đầu phía Nam đang niêm yết trên sàn HoSE. Trong đó, đáng chú ý là 2.650 tỷ đồng trái phiếu năm 2021 với tài sản đảm bảo là tòa Sailing Tower của CC1. Trong đó, một phần tài sản bảo đảm kể trên được dùng để đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Nam Á. Theo Chứng thư thẩm định giá số 61/2021/CT-VALID do Công ty TNHH Thẩm định giá VALID lập, tài sản kể trên có mức định giá hơn 3.650,4 tỷ đồng. Trái chủ là một nhà đầu tư tổ chức không rõ danh tính. Đơn vị tham gia thu xếp phát hành trái phiếu là nhóm CTCP Chứng khoán Bảo Minh và Ngân hàng TMCP Nam Á. Được biết cặp đôi này cũng đã thu xếp nhiều lô trái phiếu cho dự án năng lượng mặt trời, trong đó có dự án điện chưa cấp phép của Hoàn Cầu Solar LA.
CC1 cho biết, nguồn tiền huy động từ trái phiếu sẽ được dùng để đầu tư dự án tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 (550 tỷ đồng); thi công xây lắp dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng qua địa bàn TP. Hải Phòng và 9 km qua địa bàn tỉnh Thái Bình (250 tỷ đồng). CC1 cũng đầu tư dự án Điện gió Hàm Kiệm 2 (400 tỷ đồng) và dự án Chung cư lô số 2 – giai đoạn 1 – KDC Hạnh Phúc (600 tỷ đồng).
Tổng vốn đầu tư của Dự án là 3.768,8 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu; vốn vay; vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương. Trong đó, vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án lấy từ nguốn vốn trái phiếu Chính phủ 720 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Dự án thu hồi vốn thông qua thu phí 23 năm.
Theo Đại diện Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng, Dự án đang gặp khó vì chưa được điều chỉnh lãi suất vốn vay, kế hoạch thông xe vào cuối năm 2023 chắc chắn sẽ không thể đạt. Chủ đầu tư hiện đang phải đang xin tạm ngưng Dự án để chờ điều chỉnh lãi suất vốn vay. Phần vốn chủ sở hữu 900 tỷ, nhà đầu tư đã góp đủ. Tuy nhiên, phần vốn vay ngân hàng đang bị tạm ngưng giữa chừng do Dự án đội chi phí, đứng trước nguy cơ thua lỗ, không thu hồi được vốn nên ngân hàng không tiếp tục giải ngân.
Lãi vay trái phiếu chỉ là một phần rất nhỏ so với chi phí lãi vay ngân hàng của CC1. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, chi phí lãi vay 189 tỷ đồng.
Nợ phải trả CC1 tại ngày 30/6/2023 còn 10.362 tỷ đồng. Nợ vay tài chính với 6.628 tỷ đồng, tương ứng với chiếm 64% tổng nợ công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, ghi nhận doanh thu đạt 1.236 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kì. Đồng thời, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 2,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, CC1 đưa về 1.782 tỷ đồng doanh thu và gần 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 20 - 50% so với cùng kì năm ngoái.
Dòng tiền đầu tư, kinh doanh một thời gian dài trong trạng thái âm. Theo các chuyên gia, thì đây là một trong những dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính doanh nghiệp bất ổn.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản CC1 đạt 14.415 tỷ đồng, giảm 1.168 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tại CC1 giảm nhanh từ 1.639 tỷ đồng về còn 897 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 50% tài sản CC1 đang nằm ngoài công ty, khi các khoản phải thu lên đến 8.085 tỷ đồng. Riêng khoản phải thu khác hơn 1.120 tỷ đồng.
Còn nhớ năm 2016, Kết luận thanh tra Dự án Xây dựng cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tiến hành cho thấy tính chất phức tạp trong công tác huy động vốn, triển khai đầu tư công trình BOT hạ tầng lớn ở khu vực phía Nam này. Những vấn đề nghiêm trọng được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra xuất hiện ở các khâu tại Dự án do Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) là nhà đầu tư.
Đơn cử như, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh lần 3 ngày 24/6/2015, nhà đầu tư phải góp 461 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, số tiền thực góp mới chỉ là 365 tỷ đồng (trong đó CC1 góp được 247,035 tỷ đồng; các cổ đông khác gồm 16 tổ chức và một số cán bộ, công nhân viên của Công ty góp 117,965 tỷ đồng). Như vậy, còn thiếu so với đăng ký là 96 tỷ đồng và chưa thực hiện theo đúng quy định tại Điều 5, Nghị định số 108/2009/NĐ - CP của Chính phủ.
Mặc dù doanh nghiệp dự án được thành lập để thực hiện dự án, nhưng công tác hạch toán kế toán và quản lý tài chính được tổ chức tập trung tại CC1, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát và minh bạch thông tin, tách bạch chi phí… và đã có một số phát sinh cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thuộc dự án, nhưng đang được hạch toán vào Dự án (phát hành trái phiếu, lãi suất, khoản thu phí Sông Phan; một số khoản chi phí).
Như vậy, khi CC1 cùng các thành viên trong liên danh Vietur trúng thầu dự án 35.000 tỷ đồng, thì khó tránh khỏi việc người dân lo ngại về chất lượng cũng như câu chuyện lạm dụng vốn đã trở thành "thói quen" xảy ra ở rất nhiều dự án của doanh nghiệp này!