Đề xuất điều chỉnh nhiều điểm về quản lý hoạt động vận tải và bến xe
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có công văn số 127/CV-HHVT ngày 28/10/2024 gửi Bộ GTVT góp ý dự thảo Thông tư về quản lý hoạt động vận tải và bến xe, trong đó đề xuất nhiều điểm cần điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
VATA sẽ tham gia họp Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Thông tư quy định về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác và hồ sơ kèm theo. Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo Thông tư và hồ sơ kèm theo, VATA cho biết cơ bản nhất trí với dự thảo Thông tư và dự thảo các phụ lục kèm theo; bên cạnh đó Hiệp hội có một số ý kiến tham gia như sau:
Về việc tổ chức, quản lý điểm dừng đón trả khách, tại Khoản 2 Điều 6 dự thảo quy định: "Điểm dừng đón trả khách chỉ phục vụ các xe ô tô vận tải khách tuyến cố định đón, trả khách; không sử dụng cho mục đích khác". Nhưng tại điểm đ dự thảo lại quy định: "Sở giao thông vận tải thông báo bằng văn bản về việc đưa vào khai thác hoặc ngừng khai thác điểm dừng đón, trả khách trên tuyến cố định, xe buýt đến các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, xe buýt có hoạt động trên địa bàn...". Hiệp hội đề nghị sửa lại theo hướng điểm dừng xe đón, trả khách phục vụ chung cho cả vận tải khách theo tuyến cố định và xe buýt.
Liên quan đến điểm c Khoản 2 Điều 6 dự thảo quy định: "Sở giao thông vận tải xác định vị trí điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định (đối với các tuyến quốc lộ phải thống nhất với Cục đường bộ Việt Nam; đối với các tuyến đường do Ủy ban Nhân dân cấp huyện (thành phố) quản lý phải thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt". Với dự thảo nêu trên, theo Hiệp hội, trình tự thủ tục rườm rà quá, đề nghị sửa lại theo hướng đối với quốc lộ thì thống nhất với khu quản lý đường bộ; đối với đường huyện thì thống nhất với phòng chuyên môn về quản lý hạ tầng của huyện là đủ.
Hiệp hội nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là nguồn kinh phí để đầu tư cho việc thiết lập điểm dừng đón, trả khách; đề nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo theo hướng là sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp quản lý sửa chữa đường bộ hàng năm để chi cho nhu cầu này.
Trong quy định về thực phẩm, tại Khoản 5 Điều 14 và Khoản 3 Điều 15 có sử dụng cụm từ: "Hàng hóa là thực phẩm bẩn", Hiệp hội đề nghị xem xét lại, nếu sử dụng cụm từ này thì phải có giải thích từ ngữ để có cách hiểu thống nhất. Trên thực tế, người vận tải (nhất là vận chuyển hàng ký gửi) thì người vận tải khi phương tiện lưu thông trên đường bộ không thể phân biệt được hàng nào là "thực phẩm bẩn".
Đối với việc kiểm tra an toàn giao thông của phương tiện, tại Khoản 7 Điều 15 dự thảo là: "Lái xe, người phục vụ trên xe có trách nhiệm điều khiển xe có mặt tại bến xe khách trước giờ xe xuất bến tối thiểu 10 phút để thực hiện công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật và các tác nghiệp khác tại bến xe theo quy trình đảm bảo an toàn giao thông". Hiệp hội đề nghị xem xét để sửa lại nội dung này vì việc kiểm tra an toàn giao thông của phương tiện; điều kiện của người lái xe là chức năng của lái xe và bộ phận quản lý an toàn giao thông của đơn vị vận tải; phải thực hiện tại đơn vị vận tải đảm bảo phương tiện và người lái xe phải đủ điều kiện về đảm bảo an toàn giao thông mới được cấp lệnh vận chuyển.
Liên quan tới quyền hạn, quy định về trách nhiệm của hành khách đi xe, tại Khoản 6 Điều 16 dự thảo là: “6. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định tại Luật đường bộ, quy định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định pháp luật khác có liên quan”. Hiệp hội đề nghị bỏ đoạn: “quy định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh” vì không cần thiết; từ xưa đến nay chưa có quy định này; nếu đưa vào có thể mỗi địa phương lại quy định khác nhau.
Trong phần quy định về xe buýt, tại điểm c Khoản 1 và Khoản 5 Điều 18 dự thảo là: Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt phải có "nhà chờ cho hành khách". Hiệp hội đề nghị sửa lại là phải có ghế ngồi và mái che cho hành khách; không nên để là "nhà chờ" vì sẽ có nhiều cách hiểu về nhà chờ và việc đầu tư sẽ tốn kém.
Vấn đề phân quyền quản lý, tại điểm b Khoản 5 Điều 37, dự thảo trách nhiệm của Sở giao thông vận tải là: "b. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn địa phương" và tại điểm a Khoản 6 trách nhiệm của Cục đường bộ Việt Nam dự thảo là: "a. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của bến xe khách trong phạm vi toàn quốc." Theo Hiệp hội, dự thảo như trên là chưa rõ những nội dung quản lý nhà nước nào thì Sở giao thông vận tải quản lý; nội dung nào thì do Cục đường bộ Việt Nam quản lý. Đề nghị nội dung quản lý nhà nước về bến xe chủ yếu giao cho các Sở giao thông vận tải quản lý; Cục đường bộ Việt Nam chỉ quản lý một số nội dung cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về bến xe trong toàn quốc.
Về quy định điểm dừng xe tại Khoản 5 Điều 42, theo đó tại điểm a quy định: "Điểm dừng xe chỉ được bố trí tại các vị trí đảm bảo an toàn giao thông, thuận tiện cho người lên, xuống xe"; và tại điểm b quy định: "có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách đảm bảo không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường".
Theo Hiệp hội, nội dung dự thảo như trên không phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; theo đó Luật chỉ cấm dừng xe trong 14 trường hợp như: bên trái đường ngược chiều; trên đoạn đường cong hoặc đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất; trên cầu; gầm cầu vượt...; ngoài ra cơ quan quản lý đường bộ xét thấy vị trí nào cần thiết, vì lý do đặc biệt và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mới cắm biển cấm dừng. Như vậy, về nguyên tắc, người lái xe được dừng xe tại những vị trí mà pháp luật không cấm.
Bên cạnh đó tại điểm b Khoản 5 dự thảo là: điểm dừng xe phải có "đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách đảm bảo không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường." Nếu theo quy định này thì điểm dừng xe phải có tiêu chí cao hơn điểm dừng xe buýt được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 18.
Cũng theo VATA, tuân thủ các quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và để tạo thuận lợi trong kinh doanh vận tải và đi lại của người dân, đề nghị bỏ quy định về điểm dừng xe tại Khoản 5 Điều 42 của dự thảo Thông tư. Thay vào đó, cơ quan quản lý giao thông xét thấy phải cấm dừng xe ở đoạn đường nào (ngoài 14 trường hợp mà Luật đã quy định) hoặc chỉ cấm dừng theo khung giờ nhất định thì cắm biển báo cấm theo quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trên đây là những góp ý chi tiết của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về dự thảo Thông tư quy định về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe. Đơn vị đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định xem xét các đề xuất trên trong quá trình hoàn thiện dự thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhằm đưa ra các quy định phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải.