Chuyên mục


Chấp nhận chi phí cao chuyển ga ngầm gần Hồ Gươm

25/03/2022 16:01 (GMT +7)

Nhà ga ngầm được xây dựng trên đường cong theo mô hình xếp chồng 4 tầng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật thi công đặc biệt.

UBND Hà Nội vừa thông báo lựa chọn phương án 1, đưa vị trí ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo ra ngoài khu vực bảo vệ II khu di tích Hồ Gươm. Phương án này được Hà Nội thống nhất với các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Đây là động thái tháo gỡ vướng mắc tại ga C9 khiến tuyến đường sắt đô thị số 2 hơn 10 năm chưa thể triển khai.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), cho biết trong ba phương án lấy ý kiến các bộ ngành, phương án 1 không được Hà Nội ưu tiên và cũng không tối ưu. Để phù hợp với mục tiêu sớm triển khai dự án, thành phố đề xuất kéo ga ra khỏi vùng bảo vệ. Vị trí này tránh được rắc rối liên quan đến Luật Di sản văn hóa cũng như phản đối của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

"Đây là bước lùi, nhưng thành phố cần thực hiện, để thông được dự án quan trọng này", ông Hiếu nói.

Được biết, Hà Nội triển khai lấy ý kiến các bộ, ngành về ba phương án hướng tuyến ga ngầm C9 vào tháng 2/2022. Phương án 1 là kéo ga ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và HĐND-UBND TP Hà Nội. Phương án 2 (phương án ban đầu) là đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, dưới vườn hoa bờ Hồ Gươm. Phương án 3 là bỏ ga ngầm C9 hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến số 2 vận hành.

Nhiều chuyên gia cũng đã bày tỏ ủng hộ đối với phương án 1 đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm. Hầu hết cho rằng phương án này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian để hoàn thành dự án và tạo thuận lợi cho hành khách. Với tiến bộ của khoa học công nghệ, áp dụng chặt chẽ các quy định an toàn, việc thi công dự án sẽ không phương hại đến di tích quanh Hồ Gươm.

Ba phương án vị trí ga ngầm C9. Ảnh: MRB

Ba phương án vị trí ga ngầm C9. Ảnh: MRB

Giải thích vì sao là "bước lùi", ông Hiếu nói đưa ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ di tích Hồ Gươm là phương án kỹ thuật phức tạp, tốn kém nhất. Nhà ga ngầm được xây dựng trên đường cong theo mô hình xếp chồng 4 tầng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật thi công đặc biệt. Quá trình xử lý nền đất phức tạp do độ sâu tăng lên đến 30 m, phát sinh chi phí xây dựng, khó khăn và rủi ro khi thi công.

Giảm từ 4 còn 2 số cửa lên xuống của nhà ga, đặt sâu hơn nên giảm độ an toàn, giảm chất lượng phục vụ hành khách. Quá trình vận hành hệ thống, bảo trì gặp nhiều hạn chế và tăng chi phí trong suốt vòng đời 100 năm khai thác của dự án. "Các bài toán kỹ thuật đều có thể giải quyết bằng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Song, chi phí sẽ tăng thêm nhiều, cộng với thời gian để hoàn thiện các thủ tục, tìm biện pháp tháo gỡ. Dự kiến mức chi phí tăng thêm ở phương án 1 khoảng 800 tỷ đồng", ông Hiếu nói.

Sau khi đánh giá thiết kế mới của đơn vị tư vấn, MRB sẽ trình UBND thành phố thẩm định. Quá trình này được thực hiện dưới sự tham mưu, giám sát của các sở Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường. "Đây là cơ sở để UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, rồi tổ chức đấu thầu xây lắp", ông Hiếu thông tin.

Về việc đánh giá tác động môi trường của dự án, đơn vị tư vấn Nhật Bản tính toán, đề ra các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu tực. Tuyến hầm được thi công bằng máy khiên đào TBM, cân bằng áp lực đất, triệt tiêu toàn bộ rung lắc, độ lún bề mặt rất nhỏ.

Kết cấu vỏ hầm bê tông cốt thép, chống thấm, chịu lực cường độ cao sẽ không gây ra biến động, thay đổi cấu trúc địa chất và thủy hệ khu vực. Ga ngầm được thi công theo phương pháp đào từ trên xuống, kết hợp tường vây chống thấm, ngăn ngừa sụt giảm mực nước ngầm, làm ảnh hưởng đến Hồ Gươm.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2008, ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn năm 2013. Chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km; điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), điểm cuối tại phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Tổng đầu tư của dự án sau điều chỉnh hơn 34.670 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.  Nhưng 10 năm sau khi dự án được phê duyệt, vị trí ga C9 vẫn chưa được thống nhất.

Thời gian tới, lãnh đạo MRB cho hay đơn vị sẽ phải điều chỉnh và trình lại phương án kỹ thuật đoạn hầm từ ga C8 đến C9 và C9 đến C10. Một số điểm cần hoàn thiện, bổ sung như gói thầu tư vấn, thiết kế mới; nghiên cứu lại yếu tố địa chất, thủy văn, tính toán độ lún và biện pháp thi công sau này. Đơn giá của gói thầu xây dựng từ ga C7 đến C10 sẽ được thay đổi, thành phố cũng cần sơ tuyển, tổ chức đấu thầu lại để tìm đơn vị tư vấn.

Hoài Linh
Hà Nội 'xanh hoá' mạng lưới xe buýt
UBND TP vừa ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".

Nguồn phát thải từ giao thông chiếm khoảng 56% ô nhiễm không khí
Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế gây ô nhiễm.

Triều cường dâng cao, giao thông TP Hạ Long bị gián đoạn
Sáng 20/11, triều cường dâng cao đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực thuộc phường Trần Hưng Đạo và phường Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tình trạng này kéo dài nhiều giờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và giao thông địa phương.

“Nạn” đốt lốp cao su lấy dầu ở Cụm công nghiệp Châu Khê, Bắc Ninh vẫn tái diễn
“Tái chế lốp xe” là một việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hình thức tái chế bằng phương pháp đốt lốp lấy dầu của một số cơ sở tại cụm Công nghiệp Châu Khê, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) lại đang hủy hại môi trường nghiêm trọng bởi khói bụi độc hại.

Bắc Ninh: Lập 6 chốt kiểm tra ở làng nghề, Cụm công nghiệp Mẫn Xá
Ngày 19/11, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh triển khai 6 Tổ chốt kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu, xỉ thải, chất thải, rác thải công nghiệp… ra, vào thôn và Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

Cận cảnh cầu nối Bắc Giang - Thái Nguyên sắp thông xe
Sau thời gian dài “đắp chiếu” không thể đi vào sử dụng, cuối cùng cầu Hòa Sơn có kinh phí hơn 540 tỷ đồng, nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên sắp chính thức thông xe kỹ thuật.

Thêm vốn để xây cầu Phong Châu mới
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1389 bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.