Lượng khách du lịch Nga đến Khánh Hòa giảm
Lo ngại kinh tế khó khăn bởi lệnh cấm vận, khách du lịch Nga đến Khánh Hòa giảm 20% so với dự kiến. Doanh nghiệp du lịch hy vọng du khách Nga sẽ đông trở lại.
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam là một trong những đơn vị đang thực hiện việc thí điểm đưa khách Nga có hộ chiếu vaccine Covid-19 đến Khánh Hòa. Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp cảm nhận rõ những thiệt hại từ lệnh áp đặt trừng phạt lên nước Nga.
Ông Nguyễn Đức Tấn, Tổng Giám đốc đơn vị này cho biết khách Nga đã hủy tour do đồng ruple mất giá, một số khác đã gác lại ý định đi du lịch, do lo ngại kinh tế sẽ gặp khó khăn vì lệnh cấm vận của Mỹ, các nước phương Tây… đối với nền kinh tế Nga.
Ông Nguyễn Đức Tấn, Tổng Giám đốc đơn vị này cho biết số lượng khách Nga đến Khánh Hòa đã sụt giảm 20% so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, công ty đã giảm tần suất bay từ 8 chuyến/tháng xuống còn 5-6 chuyến/tháng. Lượng khách cũng chưa lấp đầy chuyến bay nên công ty bù lỗ khá nhiều.
Theo ông, khách Nga hủy tour do đồng ruple mất giá và gác lại ý định đi du lịch do lo ngại kinh tế sẽ gặp khó khăn vì lệnh cấm vận từ Mỹ và các nước phương Tây.
Ông Tấn nói: “Chúng tôi hy vọng đến giữa tháng 3, đầu tháng 4, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch và tình hình chiến sự tạm lắng, người Nga sẽ đi du lịch nhiều trở lại”.
Du khách Nga vốn là dòng khách chủ lực của du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chỉ xếp sau lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2019, lượng khách tới Khánh Hòa chiếm hơn 70% lượng khách Nga đến Việt Nam, tương đương với 463.000 lượt khách. Khách du lịch Nga thường có thời gian lưu trú dài, trung bình 14 ngày/khách, chi tiêu ở mức khoảng 110 USD/ngày/khách.
Sau giai đoạn căng thẳng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên địa bàn Khánh Hòa tập trung hướng tới thị trường du khách Nga. Kể từ khi thực hiện thí điểm khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine, Khánh Hòa đã đón khoảng 5.000 khách Nga, tương đương với 80% lượng khách quốc tế có hộ chiếu vaccine.
Những người có kinh nghiệm làm du lịch quốc tế lo ngại cả những thị trường khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp Việt bị dồn ứ hàng hóa, thanh toán bị treo, việc vận tải đến các cảng của Nga bị gián đoạn, do hãng tàu ngừng nhận đơn mới đi và đến Nga từ đầu tháng này.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, ông Nguyễn Duy Linh cho biết doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu trị giá 4 triệu USD và nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất đang bị kẹt trị giá gần 5 triệu USD. Hiện tại, hai bên vẫn đang tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy việc thanh toán. Đến nay, chưa có tình trạng tranh chấp thương mại giữa nhà xuất khẩu Việt Nam và đối tác Nga.
Tuy nhiên, ông Linh cũng lo ngại: “Nếu tình trạng này kéo dài, việc tranh chấp thương mại có thể xảy ra, do trong hợp đồng cũng ghi chung chung về trường hợp bất khả kháng. Cụ thể trường hợp bất khả kháng ở đây là gì thì không được nêu rõ trong phụ lục hợp đồng. Trong khi đó, những tác động mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu là hiện hữu từ một sự việc cách Việt Nam cả vài chục ngàn km”.
Theo nhận định, thương mại song phương Việt - Nga không tránh khỏi những tác động tiêu cực nếu Mỹ và phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính lên Nga. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động làm việc về thanh toán cũng như tiến độ giao hàng đối với các đối tác nhập khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước khác để đa dạng hóa thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết và ứng phó kịp thời trước tác động từ xung đột Nga-Ukraine tới Việt Nam tại phiên họp Chính phủ diễn ra vào tháng 2 vừa qua.
Theo thông tin, chưa ghi nhận kiến nghị tập thể hay kêu cứu đồng bộ về những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong hoạt động giao thương với doanh nghiệp Nga trong khoảng thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất định trong việc thanh toán song có thể xoay xở trước khi cần đến sự giúp đỡ.