Vận tải hành khách Hà Tĩnh 'kêu cứu'
Trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh Covid -19, nay giá xăng dầu liên tục leo thang như cú đánh bồi đẩy doanh nghiệp vận tải hành khách tại Hà Tĩnh thêm khó khăn.
Lo lắng trước giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục, ông Trần Văn Sỹ - Chủ tịch hội đồng - Tổng giám đốc Công ty CP vận tải ô tô Hà Tĩnh chia sẻ: Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19, đến giai đoạn này là khó khăn toàn phần.
Thứ nhất là khó khăn về tài chính, trụ với dịch quá lâu đến nay đã suy kiệt. Thứ hai là về con người, do không đáp ứng được công việc chỉ chạy luân phiên, thu nhập người lao động chỉ được 1/3, nên nhân công nghỉ đi làm việc khác, giờ nguy cơ thiếu hụt lao động, doanh nghiệp thua lỗ triền miên kéo dài.
Do dịch bệnh, lượng hành khách giảm đến hơn 50% mà nhiên liệu lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Trong vận tải, nhiên liệu chiếm 40% phí vận chuyến mà giá xăng, dầu “nhảy múa” tăng liên tục cùng nhiều chi phí khác cũng tăng theo khiến doanh nghiệp điêu đứng.
“Giờ doanh nghiệp cũng không biết làm thế nào. Tiếp tục chạy thì thua lỗ triền miên, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả nhân viên, lãi vay ngân hàng. Mà bán xe lúc này cũng chẳng ai mua, rẻ như cho”. Ông Sỹ cho hay, đơn vị có gần 100 xe, mà số xe hoạt động có 30% cũng không có khách.
Theo ông Nguyễn Huy Khánh - chủ nhà xe Khánh Truyền (chuyên tuyến Hà Tĩnh – Đà Nẵng), trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng, dầu tăng khiến hoạt động kinh doanh vận tải khó càng thêm khó. Nếu như thời điểm này năm ngoái, chi phí nhiên liệu 2 chiều đi về (Hà Tĩnh đi Đà Nẵng và ngược lại) khoảng mức 4 triệu đồng 1 xe, thì nay đã “đội” lên 6 đến 6,5 triệu đồng.
Trong khi đó, xe giường nằm thường (giá vé 200 nghìn đồng/người) nếu tính đủ 1người/giường, có 40 giường. Tính như thế chưa kể đến các loại phí cầu đường, bến bãi, tiền lương, ăn uống công nhân viên,… có những chuyến chỉ có khoảng 15 - 25 khách. Hiện tại, nhà xe chỉ hoạt động “cầm cự” 2 đầu xe để giữ khách, còn lại đang “nằm bãi” 8 xe.
Không dấu nổi lo lắng, chủ nhà xe Dũng Minh (TP. Hà Tĩnh) cho biết: “Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19 kéo dài. Nay giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục khiến chúng tôi không đứng vững. Hiện, nhà xe có 10 xe chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội và ngược lại, nhưng thời điểm này chỉ hoạt động 30% mà nhiều hôm cũng không có khách. Những khoản phí đường bộ, vận tải, bến bãi vẫn phải đảm bảo…. Chúng tôi hy vọng các cấp sớm có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Ghi nhận tại bến xe Hà Tĩnh chiều 14/3, rất đông xe giường “nằm bến”, trong khi quầy bán vé và nhà chờ xe khách vắng hoe.
Theo thống kê, bến xe Hà Tĩnh hiện có trên 100 đầu xe đi các tỉnh, thành nhưng hoạt động thường xuyên chỉ khoảng 25 xe. Nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm mạnh, trong khi giá nguyên liệu tăng cao khiến nhiều xe khách đường dài rơi vào cảnh “nằm chờ”.
Ông Bùi Phan Lương - Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh cho biết: “Do tác động của dịch COVID-19 nên lượng khách chỉ còn 40 - 50% so với thời điểm này của các năm trước. Giá xăng, dầu lại liên tục leo thang, khiến khó khăn chồng khó khăn như thách thức hơn với vận tải, trong khi chưa được điều chỉnh giá vé.
Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tăng giá vé thì phải làm đúng các thủ tục chứ không thể tự quyết. Theo đó, các doanh nghiệp phải làm hồ sơ gửi về Sở GTVT, sau khi được chấp thuận mới thông báo về bến để niêm yết”. Với doanh nghiệp dịch vụ bến xe thì ngày trước mỗi ngày có từ 80 đến 100 lượt xe xuất bến thì nay cũng chỉ 25%, mà khách cũng không có. Chi phí điện, nước, chống dịch….doanh nghiệp vận tải chết thì doanh nghiệp bến bãi cũng ngấp ngoái”.
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải đường dài gặp khó, các hãng taxi trên địa bàn Hà Tĩnh cũng trải qua khoảng thời gian “lao đao” nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Hồ Cường - Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, số đầu xe taxi Mai Linh đang hoạt động chỉ khoảng 100 xe, chiếm 60% tổng số xe của công ty. Số còn lại hiện đang nằm trong bãi.
Nguyên nhân khiến lượng lớn xe công ty “nằm bãi” là do giá xăng, dầu lên quá cao khiến chi phí vận hành bị đội lên cao. Trong khi đó, lượng khách đi xe đã giảm đến 80% so với thời điểm chưa xuất hiện dịch nên doanh thu của đơn vị thời gian qua đều không đạt chỉ tiêu, nhiều tài xế hiện đã nghỉ đi làm việc khác vì không trụ nổi.
Đơn vị cũng đã đề xuất với Hiệp hội Vận tải để xin ý kiến Sở Giao thông vận tải nâng giá cước nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Theo đó, mức giá sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp, giúp người dân có thể thuận tiện trong việc chi trả chi phí đi lại cũng như đảm bảo thu nhập cho anh em tài xế.