Cần hơn 55 tỷ USD để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội
Theo Đề án của Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị trình UBND Hà Nội, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị thành phố lên tới khoảng 55,442 tỷ USD. Nội dung này sẽ được xem xét tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội khóa XVI vào ngày 15/5.
Theo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô được Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị (MRB) trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 08/5, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội lên tới khoảng 55,442 tỷ USD. Đây là một trong những nội dung sẽ được xem xét tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội khóa XVI (Kỳ họp thứ 16) nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến tổ chức ngày 15/5.
Theo quy hoạch, TP Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 417,8km đến năm 2045. Sau 18 năm triển khai từ năm 2007, Hà Nội mới hoàn thành 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Để hoàn thành 392km còn lại đến năm 2045, thành phố cần huy động một nguồn vốn khổng lồ.
MRB đưa ra mục tiêu và lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 96,9km đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16,208 tỷ USD. Đến năm 2035, con số này tăng lên 301km với tổng vốn đầu tư khoảng 20,966 tỷ USD. Sau năm 2045, thành phố sẽ hoàn thiện nốt 196,2km còn lại, nâng tổng chiều dài toàn mạng lưới lên 417,8km với tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là 18,268 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban MRB, đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố. Phát triển hệ thống này là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội, gắn với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa. Mục tiêu là nâng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng lên 50-55% vào năm 2035 và 65-70% sau năm 2035.
Theo tính toán, đến năm 2030, Hà Nội có thể cân đối được khoảng 11,5 tỷ USD trong tổng nhu cầu vốn đầu tư 16,2 tỷ USD. Thành phố cần sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khoảng 8,61 tỷ USD cho giai đoạn đến năm 2035. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp và cơ chế ưu đãi, đột phá để huy động nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu, vốn ODA, bán quyền phát triển, khai thác quỹ đất, thu phí khu vực TOD... đồng thời kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo hoàn thành toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị vào năm 2035, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, rút gọn thủ tục đầu tư, linh hoạt trong thanh toán vốn. Đây được xem là những giải pháp then chốt để tháo gỡ các "nút thắt" về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai dự án.
Việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị được xem là một bước đi chiến lược, góp phần thay đổi diện mạo và giải quyết căn cơ vấn đề giao thông, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Nội cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan.